Xung quanh vấn đề này, PV Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Sỹ Tiến – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội.
Thưa ông, những bất cập trong DĐĐT ở Hà Nội đã xảy ra một thời gian dài ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố và báo chí cũng đã phản ánh nhiều, vì sao đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm được vấn đề này?
Người dân thôn Yên Nội, xã Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội) lập lán trại phản đối việc DĐĐT ở đây. Ảnh: V.T
- DĐĐT đổi thửa không phải là một tiêu chí trong xây dựng NTM, mà chỉ là một chỉ tiêu, tuy nhiên nó có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí khác. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch DĐĐT số 68 ngày 9.5.2012 và được điều chỉnh, bổ sung bằng kế hoạch số 171 ngày 13.11.2013 do các địa phương tiếp tục đăng ký thực hiện DĐĐT. Đồng thời, chỉ đạo Sở NPTNT hướng dẫn thực hiện DĐĐT bằng văn bản số 29 ngày 14.5.2012. Song có một số ít thôn không thực hiện theo đúng hướng dẫn, dẫn đến những bất cập nảy sinh.
Ở những thôn còn vướng mắc, quy chế dân chủ cơ sở chưa được thực hiện nghiêm túc. Ví dụ, trong hướng dẫn có đoạn nói “… các chính sách đề ra của thôn xã phải mang tính chung nhất, phù hợp với ý nguyện của đại đa số nhân dân…”, nhưng rất nhiều địa phương hiểu và thực hiện chưa đúng nội dung này.
Cụ thể như sự việc ở Yên Nội đã xảy ra từ vụ đông xuân, dẫn đến việc người dân bỏ hoang hơn 1.000ha ruộng liên tiếp, nhưng vì sao lãnh đạo thôn, xã ở đây vẫn chưa chịu lắng nghe ý kiến của nhân dân?
- Đáng ra ở Yên Nội, có gần 2.000 hộ dân, khi họp phải đảm bảo ít nhất 70% số hộ và khi biểu quyết phải đạt 80% mới gọi là “đồng thuận cao”, nhưng khi họp chỉ có vài trăm hộ, rồi lấy biểu quyết và bảo đó là “đồng thuận cao” là chưa chính xác. Khi xây dựng phương án DĐĐT phải bàn kỹ, thông qua người dân, khi họ nhất trí rồi, thì chắc chắn trong quá trình thực hiện, họ sẽ không còn lý do gì để phản đối nữa. Bên cạnh đó, tại một số địa phương vẫn có những phần tử xấu, chống đối, lôi kéo gây khó khăn cho chính quyền.
Tuy nhiên, quan điểm của tôi là có lỗi thì phải xin lỗi với người dân. Bà con ta rất tốt, thật thà và vị tha, nói với họ một câu họ sẽ không cố chấp đâu. Tôi cũng cho rằng, để xảy ra tình trạng này, một phần vì cán bộ chưa thực sự gương mẫu, dẫn đến người dân mất lòng tin.
Vậy thành phố sẽ có hướng xử lý như thế nào về trường hợp ở Yên Nội?
- Vừa qua Chi cục đã có buổi làm việc với lãnh đạo một số ban ngành của huyện Quốc Oai và UBND xã Đồng Quang. Yêu cầu mà dân đưa ra cơ bản đã được huyện đồng ý và dự kiến sẽ thực hiện vào mùa khô năm nay. Cụ thể huyện đã đồng ý để mỗi khẩu tăng thêm 36m2 (từ 396 lên 432m2/người). Việc điều chỉnh 3 tuyến đường, thủy lợi từ dọc sang ngang, huyện cũng đã đồng ý, tuy nhiên hiện đang là mùa mưa, nên huyện cũng đã có văn bản xác nhận mùa khô sẽ thực hiện, chứ không phải hứa suông như người dân phản ảnh.
Không chỉ riêng Yên Nội, còn nhiều điểm “nóng” về DĐĐT khác ở xã Cộng Hòa hay ở thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình (Thường Tín)… người dân cũng đang bỏ ruộng để phản đối và bỏ hoang. Vậy tới đây, thành phố sẽ có biện pháp gì để chấm dứt tình trạng bỏ hoang?
- Đối với các địa phương chưa có sự đồng thuận cao của người dân, sẽ tạm thời dừng việc DĐĐT, để chỉ đạo sản xuất và tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, nếu người dân đồng thuận thì sẽ làm, chứ không thể ép buộc, “cưỡng chế” được. Quan điểm của huyện là không để ruộng bỏ hoang. Về kinh phí thành phố cũng đã bố trí nguồn kinh phí để thực hiện kiên cố hóa.
Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Hồng Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai:Dừng dồn điền để chỉ đạo sản xuất Nam Tùng Sơn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn