Bán tự động: Kỳ vọng mô hình phù hợp với hiện tại
Tôm nước lợ là mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam, không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước mà còn cho cả xuất khẩu. Nghề nuôi tôm vì vậy cũng trở thành sinh kế của hàng triệu nông dân trên cả nước, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Với sản lượng hơn 760.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt gần 3,6 tỷ USD, con tôm đã trở thành khu vực kinh tế quan trọng nhưng người nuôi tôm nhiều lúc cũng không thể thoát khỏi điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như nhiều loại nông sản khác. Từ phía các nhà máy chế biến và đại lý thu mua, chuyện bị “lật kèo” khi tôm nguyên liệu “được giá” cũng không còn là điều xa lạ.
Vì thế, sự ra đời chính thức của Sàn giao dịch tôm Việt vào những ngày đầu tháng 4/2019 đã mở ra kỳ vọng lớn về khả năng kết nối các bên mua-bán lẫn những người cung ứng dịch vụ thu hoạch, vận chuyển tôm nguyên liệu, lấp dần khoảng cách về sự thiếu hụt thông tin thị trường của người bán - nông dân cũng như mang đến cho bên mua sự chủ động nguyên liệu sản xuất tốt hơn.
Được vận hành thử nghiệm từ cuối năm 2018, đến nay Sàn giao dịch tôm Việt về cơ bản đã có thể kết nối các nhà sản xuất, nhà chế biến, người thu mua trong nước với nông dân nuôi tôm. Trong tương lai xa hơn, các nhà quản trị sàn dự kiến sẽ có thêm giao diện tiếng Anh và nhiều chức năng mới để mở rộng kết nối đến cả người mua quốc tế.
Theo đối tác hỗ trợ sàn là ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (Icafis), các nhà sáng lập sàn đã có kinh nghiệm trong điều hành “chợ” thủy sản online từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, khác với mô hình của một trang thương mại điện tử thông thường, Sàn giao dịch tôm Việt là nơi thực hiện được các tương tác 3 bên gồm người mua, người bán và nhà quản trị sàn trong vai trò trung gian kết nối.
Tất nhiên, Sàn giao dịch tôm Việt vẫn đang trong giai đoạn khởi động khi mới tạo nền tảng để các bên mua-bán trao đổi thông tin, chốt giá cả, xem hàng mẫu, liên lạc lẫn nhau… và chưa được tự động hóa ở mức cao như mô hình của các sàn giao dịch hàng hóa hiện đại trên thế giới. Dù vậy, theo nhà sáng lập Nguyễn Mạnh Triều - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ và Đầu tư Cửu Long - phương thức “bán tự động” này có thể sẽ khắc phục được các bất cập mà những sàn giao dịch nông sản trước đây tại Việt Nam từng mắc phải. “Hàng nông sản Việt Nam nói chung chưa thực sự được chuẩn hóa chất lượng theo một cách thức nhất định nào nên chưa thể cho giao dịch theo phương thức khớp lệnh tự động hoàn toàn được. Cả bên mua lẫn bên bán vẫn muốn xem ‘giò cẳng’ lẫn nhau trước khi chốt hạ”.
Và khả năng tiếp cận với một phương thức và phương tiện giao dịch mới mẻ, hiện đại của các nông hộ cũng cần được trải qua thời kỳ “quá độ” để tập dượt và cải thiện dần.
Hiện tại, mọi kết nối mua bán tại Sàn giao dịch tôm Việt đều được miễn phí.
Khi nông dân đưa thông tin về lô tôm nguyên liệu muốn bán để “niêm yết” trên sàn và có người mua với các nhu cầu tương tự đăng ký thì nhà quản trị sàn sẽ kết nối đôi bên với nhau. Sau đó, các bên sẽ tự thương lượng về công tác thu hoạch, vận chuyển hay điều chỉnh giá theo kích cỡ tôm nguyên liệu thực tế…
Giá chốt mua bán cuối cùng được xác nhận và báo lại cho sàn giao dịch. Từ đây nhà điều hành sàn có thể tập hợp được hệ thống dữ liệu giá cả để cập nhật công khai trên sàn, làm cơ sở “tham chiếu” cho những người mua, người bán khác sau này.
Làm sao hạn chế giá “ảo” và “lật kèo”?
Trước e ngại khó mà loại trừ hết hiện tượng “lật kèo” hoặc người mua, người bán dùng nhiều thủ thuật đăng ký hàng loạt tài khoản để thao túng giá trên sàn, khiến giá cả tăng vọt hoặc bị dìm sâu, ông Nguyễn Mạnh Triều cho rằng nếu sàn được phép nhận tiền cọc từ bên mua thì hiện tượng trên có thể được giảm thiểu. Tuy nhiên, chức năng này hiện chưa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho phép thực hiện vì “sẽ khá rủi ro khi sàn giao dịch lại được giữ tiền của khách hàng”.
Có thể hiểu được sự quan ngại của cơ quan quản lý khi Sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam từ thuở “sơ khai” đã từng có tiền lệ tương tự. Và hệ quả là không ít công ty chứng khoán, nhân viên môi giới nhân lúc được “quản” tiền của khách mua đã trục lợi, tự ý mua bán cổ phiếu, hoặc thậm chí gây thất thoát, thiệt hại cho nhà đầu tư. Và chỉ sau khi cơ quan chức năng buộc các nhà môi giới phải “nhường sân” quản lý tài khoản tiền gửi của bên mua cho ngân hàng thì những nhũng nhiễu này mới đi vào quá khứ.
“Nếu Cục Thương mại Điện tử không thống nhất với đề đạt hiện nay của sàn thì có lẽ chúng tôi phải nghĩ tới giải pháp mời ngân hàng cùng tham gia để giữ tiền cho người mua và cũng để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho bên bán”, ông Triều chia sẻ thêm.
Còn hiện tại, để phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực, Sàn giao dịch tôm Việt đang áp dụng nhiều phương thức như xét duyệt kỹ lưỡng giấy tờ pháp lý của mỗi hồ sơ đăng ký làm thành viên; duyệt thông tin của mỗi lệnh đặt mua trước khi cho đăng tải, kiểm tra mô tả thông tin hàng hóa của bên bán…
Và cũng do không được phép làm trung gian giữ tiền của bên mua để thanh toán cho bên bán nên sàn cũng khó bảo đảm rằng các bên mua/bán sẽ báo lại mức giá trung thực như thực tế giao dịch. Do đó, giá “tham chiếu” trên sàn sẽ luôn được cân chỉnh dựa trên 3 nguồn gồm: Giá giao dịch thành công qua sàn, giá do cộng tác viên khắp các tỉnh thành cung cấp và thông tin từ các nhà chế biến, đại lý thu mua…
Ngoài ra, khi đăng ký là thành viên của Sàn giao dịch tôm Việt, mỗi người sẽ được cấp một số điểm tín nhiệm ban đầu. Nếu vi phạm quy định mua bán sẽ bị trừ điểm. Thành viên nào có điểm số “tụt hạng” về dưới mức quy định sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi".
Trong tương lai, những người điều hành Sàn giao dịch tôm Việt kỳ vọng sẽ tích lũy được hệ thống cơ sở dữ liệu đủ lớn và chi tiết để đưa ra các mô hình dự báo giá cả, cảnh báo thị trường tới cả người mua, người bán và nhiều cơ quan quản lý ngành.
Theo Phương Hiền/Baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn