Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 5-2012 đạt 310.000 tấn, đưa sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 5 tháng đầu năm đạt 1.016.000 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2011.
Dù sản lượng tăng nhưng hiện nay người nuôi thủy sản ĐBSCL vô cùng lo lắng do giá cá đầu ra bất ổn, lên xuống thất thường, có lúc lên cao đến 29.000 đồng/kg, có lúc xuống mức 21.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành nuôi. Giá cá tra nguyên liệu hiện giảm khoảng 1.500-2.500 đ/kg so với tháng trước, ở mức 23.000-24.000 đ/kg; trong khi đó giá thành sản xuất đã lên tới 22.500-23.500 đ/kg, khiến người nuôi có thể bị thua lỗ, dẫn đến treo ao rất nhiều.
Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tiếp tục bùng phát và gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương khu vực ĐBSCL như: Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Trong đó, Trà Vinh và Kiên Giang là 2 tỉnh có diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại nặng nề nhất. Tại Trà Vinh, đến thời điểm này đã có khoảng 900 triệu con tôm giống của 8.115 hộ thả nuôi bị chết, với diện tích hơn 7.862 ha, ước thiệt hại kinh tế hơn 1.000 tỷ đồng.
|
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 5-2012 đạt 310.000 tấn. |
Tôm chết chủ yếu ở giai đoạn từ 15 đến 45 ngày tuổi. Nguyên nhân tôm chết do hội chứng gan tụy, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV). Ngoài ra, còn do chịu ảnh hưởng thời tiết, môi trường, nguồn nước và đặc biệt lượng tôm giống trôi nổi xuất hiện nhiều, không qua kiểm dịch là nguyên nhân gây ra dịch bệnh tôm nuôi chết trên diện rộng.
Đối với khai thác thủy sản, sản lượng 5 tháng đầu năm ước tính đạt 1.051.000 tấn, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó khai thác biển 5 tháng ước đạt 986.000 tấn, tăng 3,2% so với năm 2011.
Trong tháng 5, ngư trường cả nước vẫn tiếp tục diễn biến thuận lợi cho hoạt động khai thác, hầu hết các thuyền nghề đều đạt sản lượng cao so cùng kỳ nhiều năm; đặc biệt các nghề pha xúc, vây rút chì, lưới kéo và mành mực có sản lượng và hiệu quả cao nhất. Chủng loại sản phẩm đa dạng, trong đó sản lượng cá cơm, cá nục chiếm khoảng 60% tổng sản lượng khai thác. Mặt khác, giá cả các mặt hàng thu mua thủy sản tăng nên đã tạo điều kiện cho ngư dân phấn khởi bám biển.
Thời gian gần đầy, nghề câu cá ngừ đại dương đã “phát triển” trở lại, ngư dân rất hăng hái ra khơi. Với giá bán khoảng 165.000 đồng/kg cá ngừ đại dương câu giàn, 120.000 - 125.000 đồng/kg cá ngừ đại dương câu tay, chủ tàu và ngư dân đều có thu nhập cao. Riêng Bình Định, 5 tháng đầu năm sản lượng khai thác cá ngừ ước đạt 2.880 tấn; Phú Yên ước đạt 5.020 tấn. Việc xuất khẩu cá ngừ đại dương sang thị trường các nước như Nhật Bản, Mỹ và khối EU cũng đang thuận lợi.
Tuy nhiên, một số tỉnh ven biển hiện nay còn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lao động nghề cá, đặc biệt là lao động có khả năng làm việc trên các tàu vươn khơi xa, khai thác tại vùng đánh cá chung trên vịnh Bắc bộ như Hải Phòng. Nguyên nhân là do chi phí cho một chuyến đi tăng cao, nhiều lao động nghề cá bỏ đi biển để vào làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp…
Theo QĐND Online