Tìm hướng phát triển bền vững
Từng bỏ tiền đến nhiều nơi trồng cây dó bầu để nghiên cứu về phương pháp cấy trầm hương, ông Hoàng Duy Thành (Công ty cổ phần Trầm hương Quảng Nam) cuối cùng đã chọn gắn bó với núi rừng Đam Rông để tiếp tục công việc thử nghiệm đầy gian nan này.
Vốn đến từ xứ “ngậm ngải tìm trầm”, lại gắn bó phần nhiều cuộc đời bên những cánh rừng, ông Thành sớm nhận thấy trồng dó bầu trên đồi trọc không chỉ đơn thuần mang lại giá trị kinh tế, về lâu dài còn giúp “giữ đất, giữ nước”, làm lợi cho cộng đồng.
Ông Hoàng Huy Thành kiểm tra chất lượng trầm hương trên cây dó bầu 1 năm tuổi. Ảnh: P.L
Dựa vào đề tài “Nghiên cứu thành phần hóa học và khả năng sử dụng lá cây dó bầu như nguồn nguyên liệu mới để chế biến trà” của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM (2009), ông Thành chọn cách “lấy ngắn nuôi dài”. Nghĩa là trong thời gian nhiều năm chờ cây dó bầu đạt kích thước chuẩn để khai thác trầm hương, thì ông Thành thu hoạch lá non về chế biến thành loại trà uống với thành phần hóa học và hoạt tính chống oxy hóa rất cao.
Năm 2017, ông Thành đã cho ra mắt thương hiệu “Trà trầm Lĩnh Nam” trên thị trường, xây dựng kênh bán lẻ tại TP. HCM và Cần Thơ. Hiện, diện tích 167ha rừng trồng dó bầu là nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho chế biến, vì vậy ông đang tham khảo và mong muốn có được một dây chuyền gia công khép kín của riêng công ty mình trong đầu năm tới.
Không chỉ cây dó bầu mà nhiều loại cây rừng ở Đam Rông cũng mang dược tính cao nhờ vào môi trường trong lành, khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp. Từ lâu, một số loại dây leo mọc trong tự nhiên đã được người dân bản địa hái về phơi khô, dùng như một vị thuốc dân gian để chữa bệnh.
Trong thời gian tới, Phòng NNPTNT huyện Đam Rông sẽ đẩy mạnh công tác tham mưu, tuyên truyền cho các đơn vị có sản phẩm tham gia hiểu rõ về Chương trình OCOP, hỗ trợ địa phương hoàn thiện các phần hồ sơ chưa đạt hoặc còn thiếu xót để đưa lên hội đồng chấm điểm. |
Là một huyện miền núi với diện tích đất lâm nghiệp lên đến hơn 66.000ha, chiếm 77% diện tích tự nhiên, Đam Rông có nhiều sản vật nổi bật để phát triển thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, việc chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, thiếu vốn để đầu tư cơ sở chế biến khép kín là những trở ngại lớn mà các đơn vị mắc phải khi đưa sản phẩm đến OCOP.
Nâng cấp các sản phẩm tiềm năng
Cuối tháng 11/2019, Phòng NNPTNT huyện Đam Rông đã có văn bản gửi về các xã để rà soát, đăng ký đánh giá sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019 - 2020. Bước đầu theo đề xuất từ địa phương cho thấy, các sản phẩm từ cây dó bầu, hạt mắc ca, chuối la ba, cà phê sạch… có nhiều thế mạnh để tham gia chương trình. Hiện tại, các sản phẩm trà dây leo vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển, đặc biệt là đầu vào không ổn định do phụ thuộc vào tự nhiên.
Đại diện Phòng NNPTNT huyện Đam Rông cho biết: “Trà dây leo là phụ phẩm của ngành lâm nghiệp nên đang gặp khó khăn về vùng nguyên liệu. Xét theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo Quyết định 1048 thì sản phẩm này cần được hoàn thiện thêm để tham gia đánh giá ở các cấp cao hơn”.
Ngoài các sản phẩm từ cây dó bầu như vòng đeo tay, nhang trầm thì các sản phẩm như chuối la ba, hạt macca, cá nước lạnh cũng đang được địa phương hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ để tham gia Chương trình OCOP.
Theo Phạm Ly/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn