Mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại tại Đà Lạt.
Hơn 250 đại biểu đại diện bộ, ngành T.Ư; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã, ban quản lý các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tham dự.
Phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống của nông dân và xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả to lớn. Việt Nam đã xuất khẩu với doanh thu 30 tỷ USD, cung cấp sinh kế cho hơn 10 triệu nông hộ, hơn 68% số dân, đóng góp khoảng 22% GDP cho nền kinh tế và đến 35% giá trị xuất khẩu, đời sống của nông dân được nâng cao và bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi ngày càng hiện đại.
Quang cảnh hội nghị. |
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo huy động gói tín dụng thương mại 100 nghìn tỷ đồng, khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn.
Riêng tại Lâm Đồng, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp; cùng với việc dự báo về thời cơ của quá trình hội nhập quốc tế, cách đây 13 năm, Tỉnh ủy Lâm Đồng xác định nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Giờ đây, vùng đất nam Tây Nguyên này đã trở thành “hình mẫu” trong sản xuất NNCNC cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập, là giải pháp mạnh, hiệu quả trong cơ cấu lại nông nghiệp. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ vào nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu. Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ có như vậy mới hình thành nông nghiệp tập trung, hàng nông sản mới ra thế giới được.
Đánh giá về nền nông nghiệp Lâm Đồng, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định, có thể nói, Lâm Đồng tiếp tục tạo sự đột phá trong phát triển NNCNC và đã trở thành vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị cao hàng đầu Đông - Nam Á. Đây là sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy làm kinh tế nông nghiệp của doanh nghiệp và nông dân Lâm Đồng, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và những hình mẫu sản xuất NNCNC tại địa phương.
Hiện, Lâm Đồng có gần 50 nghìn ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 17% diện tích canh tác, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của tỉnh đạt 150 triệu đồng/ha/năm; 19 sản phẩm được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu và đang phát huy uy tín thương hiệu, như: rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, trà B’Lao, cà-phê Arabica Langbiang, cá nước lạnh Đà Lạt, tơ tằm Bảo Lộc... Tám doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp NNCNC. Nhiều mô hình sản xuất rau cao cấp đạt đến 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt rau thủy canh đạt từ 8 đến 9 tỷ đồng; hoa đạt đến 1,2 tỷ đồng, chè chất lượng cao đạt 250 triệu đồng và cà-phê đạt 240 triệu đồng/ha/năm. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình NNCNC giai đoạn 2011 - 2016 hơn 22,5 nghìn tỷ đồng, phần lớn là vốn của doanh nghiệp và nông hộ, hơn 20,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 91,2%.
Từ những cơ chế chính sách, Lâm Đồng đã thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI, nguồn vốn tài trợ ODA cũng như nhiều doanh nghiệp trong nước quan tâm rót vốn đầu tư, trong đó có 77 doanh nghiệp FDI, với tổng vốn đầu tư hơn 250 triệu USD, 1.425 doanh nghiệp trong nước, với tổng vốn đầu tư sáu nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn 2016 đến 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại. Mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích đạt 170 triệu đồng/ha/năm, có 20% diện tích đất canh tác ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí mới, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng ụng công nghệ cao đạt 35 đến 40% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Định hướng đến năm 2025, giá trị sản xuất đạt trên 220 triệu đồng/ha/năm, có ít nhất 70% diện tích được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn và bền vững; gắn việc phát triển nông nghiệp toàn diện với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện, tỉnh đang xây dựng thương hiệu cho nông sản: Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: Là địa phương có nhiều kết quả tích cực trong phát triển NNCNC, tại hội nghị này, tỉnh Lâm Đồng mong muốn đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển NNCNC của Lâm Đồng, của các tỉnh bạn và đây cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân của tỉnh Lâm Đồng và cả nước nắm bắt thông tin, trao đổi học tập kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình mới để vận dụng tốt nhất vào thực tiễn, góp phần phát triển nông nghiệp nói chung và NNCNC nói riêng của từng địa phương.
Trong thời gian gần đây, nhất là từ khi ngành nông nghiệp thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, đã xuất hiện xu hướng nhiều doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đang khẳng định thế mạnh và khả năng cạnh tranh vượt trội về năng suất, chất lượng sản phẩm, trở thành điểm sáng và là động lực tăng trưởng của nhiều vùng, địa phương trên cả nước. Việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển toàn diện ngành theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được chia sẻ những kinh nghiệm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng, kết quả đầu tư phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, tình hình tập trung đất đai cho phát triển NNCNC và chương trình cho vay khuyến khích phát triển NNCNC, nông nghiệp sạch… Đồng thời, hội nghị cũng nêu rõ, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp nước ta đang trên đà suy giảm, tốc độ tăng năng suất nông nghiệp đang chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước có cùng trình độ phát triển trong khu vực. Sự chênh lệch lớn xuất phát từ nguyên nhân chính, do sản xuất manh mún, quy mô hộ nhỏ lẻ; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản chưa cao, cả năng suất lao động lẫn thu nhập đều thấp, sản xuất bấp bênh và giá trị gia tăng còn hạn chế, tác động của sự cạnh tranh gay gắt do hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng ưu tiên tập trung ba trục sản phẩm, gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (những sản phẩm chủ lực có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên và thịt lợn, rà soát điều chỉnh quy hoạch; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng giống mới, quy trình sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao); Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh/thành phố (các địa phương căn cứ lợi thế và điều kiện cụ thể, lựa chọn nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương để quy hoạch và phát triển theo hướng như sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương) và nhóm sản phẩm vùng/miền, là những đặc sản nhưng có quy mô nhỏ, sẽ được xây dựng và phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã theo mô hình "Mỗi làng, xã một sản phẩm".
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Lâm Đồng trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp NNCNC cho các công ty tại Lâm Đồng. |
Để tạo được chuyển biến rõ nét trong thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, để tạo “đột phá” trong cơ cấu lại nông nghiệp.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tiếp tục khẳng định, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khâu then chốt tạo sự đột phá, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phục vụ phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Dịp này, Bộ Nông Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp NNCNC cho các công ty tại Lâm Đồng và quyết định công nhận Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Phiên, TP Đà Lạt.
Theo nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn