Nhìn từ các xã điểm Ngay từ năm 1996, UBND TP. Hà Nội đã “thai nghén” đề án phát triển sản xuất rau an toàn (RAT) trên địa bàn. Tuy nhiên, phải đến năm 2009, đề án mới hoàn thành, với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, thực hiện đến năm 2015, trong đó, Đan Phượng được chọn là một trong những địa phương thực hiện đề án. Theo chủ trương đầu tư đã được UBND thành phố phê duyệt, Đan Phượng triển khai thí điểm dự án sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ RAT tại 3 xã điểm là Đồng Tháp, Phương Đình và Song Phượng, với diện tích hơn 84ha. Sau một thời gian thực hiện, đề án đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần cải thiện bức tranh nông thôn trên địa bàn. Lãnh đạo xã Song Phượng cho biết, nếu năm 2011, toàn xã mới có 105 hộ chấp thuận cho doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ RAT với diện tích gần 4ha thì giờ đây, diện tích trồng RAT của xã lên tới hàng chục hecta, số hộ dân tham gia cũng đông hơn nhiều. Đây cũng là bước đệm quan trọng trong công cuộc XDNTM ở những xã điểm như Song Phượng. Đến nay, Song Phượng đã đạt 16/19 tiêu chí XDNTM, trở thành điểm sáng trong việc thực hiện chương trình này, được Ban chỉ đạo Chương trình XDNTM của thành phố đánh giá là địa phương dẫn đầu trong công tác XDNTM so với các xã được chọn làm điểm… Tương tự, nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa năng suất thấp sang trồng RAT mà nông dân xã Phương Đình đã thu lợi nhuận cao. Ban đầu, toàn xã chỉ có 15 thành viên tham gia vào HTX RAT Phương Đình, nhưng sau hơn 1 năm, HTX thu hút gần 100 hộ trồng RAT, thu nhập bình quân đạt hơn 10 triệu đồng/sào/năm (270 triệu đồng/ha/năm). Điển hình như hộ chị Nguyễn Thị Mậu, ban đầu chị chỉ chuyển một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, nhưng qua vài vụ thu hoạch thấy hiệu quả, gia đình chuyển toàn bộ diện tích đất sang trồng đậu trạch, cà chua, thu về gần 20 triệu đồng/năm…, nhờ đó, đời sống khá lên trông thấy. Đến thăm khu chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau của xã Đồng Tháp, chúng tôi khá bất ngờ khi thấy cánh đồng chỉ độc canh cây lúa ngày nào nay phủ đầy rau xanh, cà chua, các loại đậu đỗ… Bà con ở đây cho biết, tuy trồng RAT tốn công chăm sóc nhưng thu nhập có thể cao gấp 7-8 lần so với cấy lúa.
Ông Nguyễn Thạc Hùng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho biết, năm 2012, Đan Phượng đặt mục tiêu mỗi xã thực hiện ít nhất một dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, tập trung vào các sản phẩm rau, hoa, cây ăn quả, vật nuôi đặc sản, sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi... trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Phấn đấu đến năm 2015, Đan Phượng nâng diện tích trồng RAT lên 224ha, cộng với 421ha trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP... Sản xuất RAT bền vững Ông Nguyễn Hồng Anh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.Hà Nội cho rằng, để các vùng chuyên canh RAT của Thủ đô phát triển bền vững, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm theo hướng ổn định, lâu dài, gắn liền với xây dựng thương hiệu. Theo đó, nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của dự án trồng RAT ở Đan Phượng theo hướng bền vững, UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ RAT tại huyện này với tổng giá trị đầu tư trên 47 tỷ đồng.
Quy mô đầu tư xây dựng công trình khoảng 6.000 tấn rau quả/năm, trong đó sản lượng rau là 200 tấn/năm, củ quả 3.600 tấn/năm, rau ăn lá 1.200 tấn/năm, địa điểm triển khai tại các xã Phương Đình, Đồng Tháp, Song Phượng trên diện tích hơn 760.300m2. Về hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư sẽ triển khai xây dựng các tuyến đường giao thông nội đồng, các trạm bơm khai thác mặt nước sông Đáy, xây dựng tuyến mương cấp, thoát nước, công trình điện, bể chứa bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, nhà lưới, xưởng sơ chế RAT, nhà kho, nhà quản lý, kho lạnh và các công trình phụ trợ… Trong đó, chi phí xây dựng khoảng 23,826 tỷ đồng, thiết bị 10,528 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 5,784 tỷ đồng… Được biết, trong tổng số vốn đầu tư trên 47 tỷ đồng thì ngân sách thành phố chi cho các hạng mục tạo lập hạ tầng vùng sản xuất RAT khoảng 15,078 tỷ đồng, còn lại doanh nghiệp tự huy động (32,404 tỷ đồng). Thời gian thực hiện dự án từ 2013-2014. Để giải quyết khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, ông Nguyễn Hồng Anh cho biết: Sắp tới Đan Phượng cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như: ưu tiên cho các doanh nghiệp tham gia vào quy trình sản xuất RAT, trong đó doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; phải đa dạng kênh bán hàng từ việc mở rộng sàn giao dịch, mở cửa hàng, siêu thị mini… đến thành lập từng nhóm khách hàng tiêu thụ RAT tại các tổ dân phố, cụm dân cư, chung cư cao tầng… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo thời gian tới sẽ cấp nhãn mác cho các HTX, doanh nghiệp để mở rộng hệ thống bán lẻ. Có như vậy, việc sản xuất RAT mới tiến tới đa dạng, thuận lợi hơn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Ngoài ra, để đẩy mạnh vấn đề đầu ra cho RAT, Hà Nội sẽ thực hiện quy hoạch các chợ đầu mối RAT gắn với vùng sản xuất lớn và trục đường giao thông chính. Bên cạnh đó, tùy theo quy mô khu dân cư, Hà Nội cũng tập trung bố trí từ 1- 3 cửa hàng bán RAT ở mỗi khu dân cư, với tổng số cửa hàng kinh doanh RAT được hỗ trợ lên tới 520 cửa hàng.
Thành vinh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn