Nguồn nguyên liệu cho sản xuất vôi công nghiệp Việt Nam hiện rất dồi dào. Ảnh: Gia Huy
Thị trường lớn…
Theo Quy hoạch Phát triển công nghiệp vôi Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nhu cầu vôi trong nước sử dụng cho các ngành, lĩnh vực sản xuất trong năm 2015 vào khoảng 5,49 triệu tấn, dự báo đến năm 2020 vào khoảng 8,18 triệu tấn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, cho đến nay, ngành sản xuất vôi đa phần được sản xuất theo công nghệ nung thủ công, công suất thấp.
Cụ thể, Việt Nam còn khoảng 1.000 lò sản xuất vôi theo phương pháp thủ công với công nghệ sản xuất gián đoạn hoặc liên hoàn. Các lò kiểu này thường có công suất nhỏ, chủ yếu từ 6-7 tấn sản phẩm/mẻ hoặc từ 10-35 tấn sản phẩm/ngày.
Các cơ sở này tập trung tại Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang với tổng công suất khoảng 2 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, với công nghệ như hiện tại, sản phẩm vôi của Việt Nam thường có chất lượng không ổn định, sản phẩm sản xuất ra chỉ có thể được sử dụng vào các ngành có yêu cầu chất lượng thấp và còn gây ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, Bộ Xây dựng vừa xây dựng đề án phát triển ngành vôi dự kiến đến năm 2020 xóa bỏ 100% lò vôi thủ công gián đoạn và cho đến năm 2025, xóa bỏ lò thủ công liên hoàn.
Theo TS. Mai Ngọc Tâm, Phó viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, để thực hiện được Quy hoạch, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạm dừng cấp phép đầu tư mới các cơ sở sản xuất vôi khi chưa có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng. Đồng thời, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư khai thác, chế biến vôi đã cấp khi chưa thẩm định về mỏ nguyên liệu phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, trong đó có khoáng sản làm vôi (tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ); hoặc chưa thẩm định nội dung về trình độ, quy mô công nghệ, đánh giá tác động môi trường, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.
“Đây là điều hoàn toàn đúng để phát triển thị trường vôi công nghiệp, bởi hiện thị trường này có nhiều điểm mạnh. Đơn cử, nguồn nguyên liệu đá vôi tại Việt Nam là rất lớn, nhu cầu vôi cũng cao, trong khi các công ty, nhà máy sản xuất vôi công nghiệp lại quá ít. Khi Chính phủ xóa bỏ những lò nung vôi thủ công, đây sẽ là sân chơi chính cho những doanh nghiệp mạnh tay đầu tư nhà máy sản xuất vôi công nghiệp ngay từ đầu”, ông Tâm cho biết.
… Nhưng không dễ
Trên thế giới, theo Viện Vật liệu xây dựng, thị trường vôi công nghiệp đã phát triển khá lâu và các lò nung vôi thường được sử dụng với công suất 50-500 tấn/ngày, chỉ có khoảng 10% số lò có công suất thấp hơn 50 hoặc cao hơn 500 tấn/ngày, ngoại trừ các lò tự cung, tự cấp.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, đại diện Công ty cổ phần Savina cho biết, việc phát triển vôi công nghiệp không đơn giản. Về công nghệ và thiết bị, yêu cầu các cơ sở sản xuất vôi được đầu tư mới phải lựa chọn công nghệ tiên tiến đảm bảo môi trường, cơ giới hóa và tự động hóa, đáp ứng một số chỉ tiêu như tiêu hao nhiệt năng dưới 900 Kcal/kg; tiêu hao điện năng dưới 30 kWh/tấn; phát thải bụi dưới 30 mg/Nm3...
Để đầu tư một dây chuyền như vậy, ngoài quỹ đất, nhà máy, doanh nghiệp còn phải có nguồn vốn cả trăm tỷ đồng, trong khi nguồn vốn các doanh nghiệp hiện đều thiếu.
“Ngay như dây chuyền sản xuất vôi tại Công ty TNHH một thành viên Vôi Việt Nam được đầu tư bài bản, nhưng hiện đang vận hành chỉ với khoảng 70% công suất thiết kế, sản phẩm của dây chuyền chủ yếu được xuất khẩu và một phần được tiêu thụ trong nước cho các ngành nông nghiệp và ngành vật liệu xây dựng”, đại diện Savina nói.
Đặc biệt, hiện doanh nghiệp có thể đầu tư sản xuất vôi công nghiệp tại Việt Nam đa phần đến từ các công ty sản xuất xi măng, nhà máy sản xuất thép sản xuất vôi kèm theo để tự tiêu thụ. Tuy nhiên, một số dây chuyền sản vôi đi kèm dây chuyền sản xuất giấy đã ngừng sản xuất do việc tiêu thụ giấy cầm chừng, đồng thời sản phẩm vôi sản xuất ra có giá thành cao, kém sức cạnh tranh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn