Sau khi được tạm dừng xem xét thông qua ở Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án Luật, sáng nay (25/10), Dự thảo Luật Quy hoạch một lần nữa được đưa ra lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Dự kiến sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Quy hoạch, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quy hoạch. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
. |
Quy hoạch đô thị phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia
Thông tin cho biết, một trong những nội dung của Dự thảo Luật Quy hoạch khiến các đại biểu Quốc hội còn băn khoăn, đó là quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch không, cũng như là liệu quy hoạch của các thành phố trực thuộc Trung ương thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này hay Luật Quy hoạch đô thị.
Liên quan đến vấn đề này, theo Ban soạn thảo, mặc dù việc lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn đã được quy định ở luật riêng (Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng), nhưng để bảo đảm tính hệ thống, thì khoản 4 Điều 6 của Dự thảo Luật vẫn quy định rằng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Ngoài ra, sau tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật đã bổ sung một Điều 29 mới về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Theo đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng và chỉ có hiệu lực khi được tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Cùng với đó, theo quy định của Dự thảo Luật, việc công bố, công khai quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch, pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng.
Để làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật, cụm từ “hệ thống quy hoạch quốc gia” cũng đã được bổ sung vào phạm vi điều chỉnh. Theo đó, Luật Quy hoạch là luật quy định chung, quy định trình tự lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch quốc gia.
Ngoài ra, sau khi rà soát các quy định của Dự thảo Luật và đối chiếu với yêu cầu của các đại biểu Quốc hội, cũng đã loại trừ khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch các quy hoạch phát triển ngành không liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng thời, cũng bổ sung hành vi cấm lập, lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch sản phẩm và thể hiện tại các khoản 1, 5 và 10 của Điều 3, khoản 1 Điều 14, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 70 của dự thảo Luật Quy hoạch.
Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm phân định vùng để lập quy hoạch
Một trong những nội dung khác khiến các đại biểu Quốc hội băn khoăn, đó là Dự thảo Luật chưa quy định rõ vùng nào phải lập quy hoạch và quy hoạch vùng đó là quy hoạch gì.
Liên quan đến vấn đề này, theo lý giải của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc phân định các vùng phụ thuộc vào Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của Đảng trong từng thời kỳ, nhằm kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Mặt khác, vùng hiện nay không phải là 1 cấp hành chính. Vì vậy, việc không quy định cụ thể các vùng ngay trong Luật là để đảm bảo việc phân vùng sẽ phù hợp với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn phát triển và tính linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, phù hợp với quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý và phát triển kinh tế được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ. Do vậy, Dự thảo Luật sẽ giao cho Chính phủ quy định chi tiết..
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng quy định rằng, ở cấp vùng sẽ có quy hoạch vùng để xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường có tính liên ngành, liên tỉnh và liên vùng đồng thời nội dung quy hoạch vùng.
Đối với các thành phố trực thuộc trung ương, sẽ chịu sự điều chỉnh của cả Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, trong đó, các quy định của Luật Quy hoạch đô thị sẽ liên quan đến việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.
Sẽ dùng một luật để sửa nhiều luật liên quan đến quy hoạch
Góp ý Dự thảo Luật Quy hoạch tại Kỳ họp thứ 3, nhiều đại biểu cho rằng, quy định thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn 20 năm là chưa hợp lý, đối với quy hoạch quốc gia mà thời kỳ quy hoạch là 10 năm thì quá ngắn không ổn định cho phát triển lâu dài.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Dự thảo Luật Quy hoạch được đưa ra thảo luận lần này đã được chỉnh lý theo hướng điều chỉnh tầm nhìn của các quy hoạch dài hơn, cụ thể tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm; tầm nhìn của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm để đảm bảo tính kế thừa, ổn định lâu dài của quy hoạch.
Trong khi đó, liên quan đến việc sửa đổi các luật liên quan, lần này cùng với việc trình Dự thảo Luật, danh mục gồm 25 Bộ Luật và Luật cần được sửa đổi cũng đã được bổ sung.
Theo đó, việc sửa các quy định liên quan đến quy hoạch tại 25 Bộ Luật và Luật này về cơ bản liên quan đến quy trình và thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh các loại quy hoạch để bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch.
Do vậy, Ban soạn thảo và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dự kiến kiến nghị Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 dự án một luật để sửa đồng thời các luật này theo hướng chia nhóm các luật theo ngành, lĩnh vực mà các bộ quản lý.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tập hợp, rà soát nhằm xác định phương án sửa chữa. Việc sửa đổi như vậy là khả thi và đảm bảo có hiệu lực cùng với Luật Quy hoạch theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, để không bỏ sót các quy định liên quan đến quy hoạch, khoản 4 Điều 70 của Dự thảo Luật Quy hoạch cũng dự kiến giao Chính phủ rà soát và ban hành danh mục các quy hoạch được tích hợp quy định và các quy hoạch sản phẩm trước ngày 1/1/2019.
Theo dự kiến, Dự thảo Luật Quy hoạch sẽ được bấm nút thông qua vào ngày 24/11. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Quy hoạch, trong đó yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương chuẩn bị các công việc cần thiết để bảo đảm hiệu lực trong thực thi Luật Quy hoạch. Dự thảo Nghị quyết cũng sẽ được thông qua ngay sau khi Dự thảo Luật được biểu quyết thông qua.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn