Khách hàng tham quan, mua sắm tại siêu thị Co.opMart Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12, TPHCM.
Tham dự cuộc họp có ông Phùng Quốc Chí, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã (HTX) thuộc Bộ KH-ĐT, các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực HTX cùng hàng loạt đại diện sở ngành của TPHCM cũng như một số tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Thành lập nhiều, chờ giải thể cũng… nhiều
Thông tin mới nhất từ Bộ KH-ĐT, trong 3 năm (2013 đến cuối 2016), cả nước ta có 5.641 HTX được thành lập mới. Tính riêng trong năm 2016, Việt Nam có 2.030 HTX được thành lập mới, tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2016. Trong đó, vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ là hai vùng có số lượng HTX thành lập mới nhiều nhất cả nước, chiếm khoảng 55%.
Thống kê cũng cho thấy, các vùng miền núi, nghèo, khó khăn thì người dân càng muốn tham gia HTX vì không có mô hình nào phù hợp với nông dân hơn. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước ta có trên 19.500 HTX.
Tuy vậy, thống kê cũng chỉ ra tính đến cuối năm 2016 số HTX giải thể (theo quy định tại Điều 54 Luật HTX), chờ giải thể là 3.584 HTX, chiếm 18,3% tổng số HTX hiện có của cả nước. Vùng có số lượng HTX giải thể, chờ giải thể nhiều nhất cả nước là vùng Đông Bắc với 1.347 HTX, chiếm 34% tổng số HTX cả vùng. Trong đó, số HTX ngừng hoạt động chiếm hơn 72% trong tổng số HTX giải thể, chờ giải thể.
Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng HTX mới thành lập gia tăng, nhưng các HTX chờ giải thể cũng khá nhiều, được lý giải như sau. Đối với HTX mới được thành lập tăng nhiều, do tác động từ công tác tuyên truyền về bản chất, lợi ích khi tham gia HTX đến với người dân, nhất là người dân vùng kinh tế còn khó khăn. Thêm nữa, việc đăng ký HTX thành lập mới được cơ quan Nhà nước thực hiện đúng quy trình, thủ tục, nhanh gọn, công khai theo thủ tục một cửa.
Hiện tại, doanh thu bình quân của một hợp tác xã trong năm 2016 đạt trên 3 tỷ đồng/HTX, tăng 498,3 triệu đồng (tăng 19,8%); trong đó doanh thu bình quân của HTX với thành viên cũng tăng từ 1,5 tỷ đồng năm 2013 lên 1,9 tỷ đồng năm 2016, tăng 355,2 triệu đồng (tăng 22,56%, chiếm 64% doanh thu bình quân của một HTX). Theo đó, lãi bình quân của một HTX tăng từ 155 triệu đồng/HTX vào năm 2013 lên 196,8 triệu đồng/HTX vào năm 2016.
Ngược lại, đối với các HTX làm ăn ì ạch, kém hiệu quả thì các HTX cũng chủ động giải thể. Với các trường hợp giải thể, nhìn chung, hầu hết các địa phương đều có nhận thức việc giải thể dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, hoạt động không hiệu quả hoặc có tên nhưng không hoạt động.
Quan tâm đến các chính sách hỗ trợ
Theo bà Mai Thị Thu Hường ( Vụ HTX thuộc Bộ KH-ĐT), các HTX bước đầu đã hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên, góp phần tăng thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX.
Cụ thể, từ 22,8 triệu đồng năm 2013 lên 31,3 triệu đồng năm 2016, giúp cải thiện đời sống của thành viên và lao động trong HTX tăng lên. Tuy nhiên, bà Thu Hường cũng đưa ra nhận định, vẫn còn nhiều tồn tại khiến HTX chưa thực sự phát triển đúng như kỳ vọng. Chẳng hạn như, các HTX ít vốn, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, sức cạnh tranh kém, khả năng huy động vốn của xã viên còn hạn chế, khó vay vốn trung hạn, dài hạn từ ngân hàng; HTX chưa thể hiện vai trò kết nối giữa các thành viên với thị trường…
Về pháp luật, cơ chế, chính sách còn bị rối, chưa thống nhất dẫn đến quá trình thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương còn lúng túng. Ví dụ, một số quy định chưa được hướng dẫn cụ thể, khó triển khai, như việc xác định tài sản không chia, xử lý tài sản không chia sau chuyển đổi, giải thể HTX; thủ tục giải thể bắt buộc đối với HTX; công tác kiểm toán đối với HTX…
Bàn về yếu tố phát triển HTX, ông Phạm Việt Phương, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai, cho rằng, yếu tố con người là cực kỳ quan trọng. Bởi nhiều lãnh đạo trong HTX có trình độ nhận thức chưa cao, khả năng tiếp cận về khoa học kỹ thuật, sổ sách chứng từ… rất khó. Do vậy, cần giải quyết căn cơ yếu tố con người. Thêm nữa, một vướng mắc khác liên quan đến việc chuyển đổi HTX theo Luật HTX 2012.
Tại Đồng Nai, gần 400 HTX đã chuyển đổi hoàn toàn trước tháng 12-2016. Tuy nhiên vẫn còn 12 HTX muốn chuyển đổi từ HTX sang mô hình doanh nghiệp, nhưng bị vướng vì chưa có cơ chế chính sách phù hợp.
“Cần phải có cú hích để phát triển HTX hiện nay, thông qua việc cài cắm trực tiếp những con người hiểu biết, có trình độ tại địa phương vào trong HTX để phát triển HTX. Sau đó, khi HTX phát triển ổn định, những hạt nhân ưu tú này sẽ được điều động vào làm việc có biên chế tại các cơ quan chuyên trách”, ông Phạm Việt Phương kiến nghị.
Ông Claude- André Guillotte, chuyên gia pháp luật đến từ trường đại học của Canada chia sẻ, ở Brazil có một quỹ chung nhưng độc lập để phát triển HTX. Từ đó xây dựng các mô hình giáo dục đưa vào trường học giúp học sinh hiểu được mô hình, quy trình phát triển, cơ hội phát triển, kinh doanh từ HTX. Từ đây giúp hình thành một thế hệ trẻ hiểu rõ, có cơ hội gắn kết và phát triển HTX trong tương lai.
Ông Claude- André Guillotte nhấn mạnh: “Theo tôi, để HTX phát triển cần hình thành hệ thống pháp luật liên quan đến HTX sao cho dễ hiểu, dễ hoạt động. Chính phủ cần có công cụ thông tin để giám sát các hoạt động kinh doanh từ HTX với những con số thông tin khách quan, khoa học, “biết nói”, qua đó Chính phủ sẽ có các quyết sách hỗ trợ HTX phù hợp”.
Trong 3 năm (từ 2013 đến cuối 2016), cả nước ta có 5.641 HTX được thành lập mới. Tính riêng trong năm 2016, Việt Nam có 2.030 HTX được thành lập mới, tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2012. Tuy vậy, thống kê cũng chỉ ra tính đến cuối năm 2016 số HTX giải thể (theo quy định tại Điều 54 Luật HTX), chờ giải thể là 3.584 HTX, chiếm 18,3% tổng số HTX hiện có của cả nước. Vùng có số lượng HTX giải thể, chờ giải thể nhiều nhất cả nước là vùng Đông Bắc với 1.347 HTX, chiếm 34% tổng số HTX cả vùng. Trong đó, số HTX ngừng hoạt động chiếm hơn 72% trong tổng số HTX giải thể, chờ giải thể.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn