Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập
Quảng Ngãi đã sớm thành lập và kiện toàn hệ thống tổ chức chỉ đạo, bộ máy quản lý thực hiện Chương trình MTQG về XDNTM từ cấp tỉnh đến xã, thôn để kịp thời chỉ đạo, điều phối việc thực hiện Chương trình.
Cùng với nguồn ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, tỉnh đã cố gắng cân đối bố trí ngân sách địa phương để bổ sung nguồn lực cho việc thực hiện Chương trình; huy động được sự đóng góp của các doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhờ vậy, bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét.
Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn được quan tâm đầu tư; các nội dung về văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường bước đầu được quan tâm, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân nông thôn lành mạnh hơn, văn minh hơn; hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường và củng cố; an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn tiếp tục được giữ vững.
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các huyện, thành phố, kết quả thực hiện Bộ tiêu chí NTM trên địa bàn tỉnh đến 31/12/2018 có chuyển biến tốt. Nhóm 1 (đạt 19 tiêu chí) có 59 xã, tăng 48 xã so với năm 2015; nhóm 2 (15 - 18 tiêu chí) 15 xã; nhóm 3 ( 10 - 14 tiêu chí) 47 xã; nhóm 4 (5 - 9 tiêu chí) 43 xã; nhóm 5 (dưới 5 tiêu chí): không có xã nào.
Hàng năm, UBND tỉnh đều xem xét phân bổ vốn Trung ương cho các xã đạt chuẩn NTM để duy tu bảo dưỡng công trình, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt và đạt chuẩn xã NTM bền vững.
Chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành hỗ trợ xây dựng thí điểm 3 khu dân cư nông thôn kiểu mẫu; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí các xã NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020 đối với các xã đã đạt chuẩn NTM.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung phát triển sản xuất, gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với XDNTM; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao chất lượng môi trường nông thôn. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao, tạo điều kiện để phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn xã; giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn.
Ưu tiên tập trung nguồn vốn
Từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương, tỉnh thực hiện Chương trình năm 2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phân bổ 55 tỷ đồng và phê duyệt 260 danh mục dự án, mô hình để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với 164 xã. Các mô hình dự án chủ yếu là chăn nuôi (bò lai sinh sản, hươu lấy nhung, gà an toàn sinh học, heo bản địa, dê ...) và trồng trọt (trồng chuối, cam, cau, hành ...). Đến nay, 26 mô hình dự án được UBND các huyện phê duyệt để tổ chức thực hiện.
So với nhiều địa phương trong cả nước, Quảng Ngãi bắt tay triển khai thực hiện Chương trình MTQG về XDNTM tương đối muộn. Trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, bình quân cả tỉnh chỉ đạt 4,1 tiêu chí/xã (năm 2011), do đó, để XDNTM đạt kết quả thì nhu cầu vốn đầu tư không hề nhỏ, ngân sách các cấp cho XDNTM chưa đáp ứng nhu cầu, trong khi các nguồn huy động khác như tín dụng, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư cho XDNTM không đáng kể nên tình trạng nợ đọng kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng để đạt chuẩn đúng kế hoạch là không tránh khỏi.
Trong khi ngân sách các cấp đầu tư trực tiếp cho Chương trình còn nhiều hạn chế, khó khăn, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã và đang tập trung xây dựng giải pháp huy động các nguồn lực khác, các nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện: Lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác; tăng cường huy động vốn qua kênh tín dụng, vốn đầu tư từ doanh nghiệp, HTX; huy động nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng, để giảm mức tối đa phát sinh tình trạng nợ đọng trong những năm tiếp theo.
Sau gần 9 năm triển khai thực hiện XDNTM, Quảng Ngãi đã có 59 xã/164 xã đạt chuẩn NTM. Năm 2019, Quảng Ngãi phấn đấu có thêm 25 xã về đích NTM.
Theo Hải Yến/kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn