Vẫn đang tồn tại sự chồng chéo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định: “Trước đây, việc lập ra quy hoạch chồng chéo, thậm chí có các nhóm lợi ích chủ quan, thì nay việc tác động nhóm lợi ích, quy hoạch sau “đá” quy hoạch trước mà không ai phải chịu trách nhiệm”.
Dẫn chứng về điều này, Thứ trưởng Đông chia sẻ: “có vụ việc thay đổi quy hoạch ảnh hưởng đến doanh nghiệp đầu tư nước ngoài dẫn đến bị kiện. Lý do là địa phương thời gian trước căn cứ vào quy hoạch du lịch, về sau lại căn cứ vào quy hoạch khoáng sản áp dụng, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư.
Thứ trưởng Đông cũng bày tỏ quan điểm cá nhân về việc quy hoạch chợ, địa điểm kinh doanh là do thẩm quyền của địa phương căn cứ vào địa điểm kinh doanh, phạm vi, số lượng dân cư để xác định hiệu quả”.
Làm rõ hơn quan điểm của Thứ trưởng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch – Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Quang Các cho biết thêm: “Quy hoạch còn thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch”.
Theo thống kê của Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2011-2020, cả nước cần lập tới 19.285 bản quy hoạch (được xây dựng trên cơ sở 70 luật, pháp lệnh hiện hành), với tổng kinh phí lên đến gần 8.000 tỷ đồng. Đây là những con số quá lớn, thậm chí có những địa phương lên đến 200 bản quy hoạch trên một địa bàn. |
Một trong những nguyên nhân được Vụ trưởng Các nói đến là Việt Nam đã ban hành quá nhiều văn bản, quy phạm pháp luật liên quan đến việc điều chỉnh công tác quy hoạch và không thống nhất.
Cụ thể, theo thống kê, rà soát của Vụ Quy hoạch, hiện nay, nước ta có tới 70 luật và pháp lệnh điều chỉnh công tác quy hoạch, 72 nghị định của Chính phủ ban hành liên quan đến điều chỉnh công tác quy hoạch.
Sẽ cắt giảm 68 văn bản luật, pháp lệnh điều chỉnh Trước thực trạng đó, Vụ trưởng Các cho biết một trong những điểm mới quan trọng của Dự thảo Luật Quy hoạch là thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến các hoạt động về quy hoạch.
Hệ thống quy hoạch phải tuân thủ quy tắc từ cao xuống thấp, từ tổng thể đến chi tiết, quy hoạch của địa phương phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành và quy hoạch chi tiết phải dựa vào quy hoạch tổng thể. Quy hoạch phải thực sự là công cụ quản lý điều hành phát triển kinh tế xã hội.
“Về phạm vi điều chỉnh, sẽ điều chỉnh các hoạt động liên quan đến quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh. Theo đó, hệ thống văn bản pháp luật hiện nay đang từ 70 văn bản luật, pháp lệnh rút xuống còn 02 văn bản luật điều chỉnh về công tác quy hoạch, gồm: Luật Quy hoạch (điều chỉnh các quy hoạch cấp quốc gia đến cấp tỉnh) và Luật Quy hoạch đô thị (điều chỉnh các quy hoạch chi tiết từ cấp huyện đến cấp xã)”, Vụ trưởng Các cho biết.
Bên cạnh đó, việc xóa bỏ quy hoạch sản phẩm ngành nghề là điểm mới, khi đặt ra có tính đến tính khả thi ảnh hưởng đến lợi ích nhóm, địa phương, cùng với đó hàng loạt ngành nghề kinh doanh.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định, các cơ quan ngồi cùng nhau để làm chứ không phải các bản riêng lẻ độc lập, mà quay về hội đồng, các bản quy hoạch phải chịu sự cọ sát thẩm định với những phản biện khắt khe của hội đồng, các chuyên gia nên chất lượng cũng tăng lên…
“Ví dụ, khi quy hoạch 1 thành phố phải có hội đồng đánh giá về các tác động đến kinh tế, thủy lợi, môi trường không gian sống như thế nào… Hiệu quả kinh tế xã hội phải mang tính dẫn dắt, kỹ thuật chủ quan là cần thiết, tích hợp mang tính cọ sát cao, tránh trường hợp ra công trình dự án khác, ngành này khác đều có ý kiến”, Thứ trưởng Đông phân tích.
Dự thảo Luật Quy hoạch được xây dựng với kỳ vọng sẽ thể hiện sự đổi mới sâu sắc toàn diện về công tác quy hoạch, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, là động lực để thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh hiệu quả nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
Thứ trưởng Đông cho biết, đến nay, dự án Luật Quy hoạch đã hoàn thành, đang được Bộ Tư pháp thẩm định và trong tháng 7 này sẽ được báo cáo Chính phủ.
Theo Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, dự án Luật Quy hoạch sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 10 cuối năm nay và thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 05/2016)../.