Kinh nghiệm từ Tân Trào
Từ 575 hộ nghèo khi bắt tay vào xây dựng NTM, hiện Tân Trào chỉ còn 46 hộ nghèo, 83 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/người/năm, hiện đã đạt 30,3 triệu. Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định, trở thành điển hình trong xây dựng NTM.
Người dân thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương) thu hái chè. Ảnh: T.T.Đ.T
Văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc chính là động lực để các xã trong huyện nỗ lực đạt các tiêu chí NTM. Vì vậy nên bên cạnh việc thực hiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, thu nhập, huyện Sơn Dương còn xác định giữ gìn bản sắc văn hóa có vai trò quan trọng, nhiều câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, giữ gìn bản sắc văn hóa đã được thành lập và hoạt động hiệu quả. |
Nói về kinh nghiệm trong xây dựng NTM, ông Hoàng Cao Khải - Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho rằng: "Để trở thành một trong những xã cán đích 19 tiêu chí sớm nhất tỉnh, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã đã coi trọng và đặt lên hàng đầu việc tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu về lợi ích của việc xây dựng NTM, bởi khi người dân đã hưởng ứng thì việc khó mấy cũng có thể vượt qua”.
Đồng thời, xã cũng thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tinh thần làm chủ thể thực sự của người dân - dân đóng góp, dân họp bàn, dân làm, dân kiểm tra, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ các cấp chính quyền đến người dân ở tận các thôn bản.
Trong phát triển kinh tế, các hộ ở Tân Trào đã chủ động áp dụng KHKT vào sản xuất. Hiện nay, toàn xã có 2ha thanh long, 1ha táo, 1ha na, 2 mô hình kinh tế chăn nuôi gia trại…
Chị Hoàng Thị Phong ở thôn Bòng (xã Tân Trào) chia sẻ, năm 2009, gia đình chị vay vốn ngân hàng mua giống, phân bón trồng 800 gốc thanh long. Sau 2 năm chăm sóc, cây bắt đầu cho quả. Sau khi hạch toán, thấy trồng thanh long có lãi, chị đầu tư mở rộng diện tích. Từ 800 gốc ban đầu, đến nay gia đình có 2.000 trụ thanh long, mỗi năm cho 10 tấn quả. Với giá bán trung bình từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, mỗi năm trung bình gia đình chị thu về trên 250 triệu đồng. Nhờ trồng thanh long nên năm 2013, chị Phong đã thoát khỏi diện hộ nghèo, xây được nhà kiên cố và có tiền cho con đi du học tại Hàn Quốc.
Nhờ chương trình NTM, bộ mặt kinh tế - xã hội ở Tân Trào không ngừng đổi thay. Hiện, tất cả các thôn có nhà văn hóa, sân thể thao đạt chuẩn; xã không còn nhà tạm, nhà dột nát; trên 97% hộ dân sử dụng điện an toàn; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% đường liên xã được bê tông hóa...
"Dù đã về đích nhưng chúng tôi không chủ quan mà tiếp tục nỗ lực phấn đấu tiếp tục nâng cao các tiêu chí và nâng cao thu nhập cho bà con. Ngoài sản xuất nông nghiệp, Tân Trào còn tiếp đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, hàng hóa… Xã phấn đấu đến năm 2020, thu nhập đạt trên 36 triệu đồng/người” - ông Khải cho hay.
Phấn đấu có 30% số xã đạt chuẩn NTM vào 2020
Bà Phạm Thị Nhị Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết, với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức đạt được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Năm 2017, tổng sản lượng lương thực toàn huyện đạt 87.150,6 tấn; trồng mới hơn 2.307ha rừng; thu ngân sách nhà nước đạt 107.760,8 triệu đồng, tăng 9% so với năm 2016; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia…
Đặc biệt, các xã vùng ATK gồm: Tân Trào, Minh Thanh, Bình Yên, Hợp Thành, Lương Thiện và Trung Yên đã có nhiều đổi thay rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 5 - 7%/năm.
"Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay, các xã ATK trung bình đạt 13/19 tiêu chí, riêng xã Tân Trào đạt 19/19 tiêu chí và đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sơn Dương đang phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn NTM” - bà Bình cho biết.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn