Nhiều đại biểu đã đề xuất như vậy tại Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - những vấn đề cần đặt ra” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức sáng nay (29/8/2017) tại Đà Nẵng. Hội thảo là dịp để các địa phương, cơ quan chức năng lẫn các ngư dân... đóng góp ý kiến, góp phần sửa đổi Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ 67), tạo ra những đột phá mạnh mẽ hơn giúp “tàu sáu bảy” tiếp tục vững vàng vươn khơi.
Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, NĐ 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản, phát triển bền vững...
Đến nay, theo báo cáo của các địa phương có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu. Trong đó, đóng mới 1.510, đạt 66,11% (tàu vỏ thép và vật liệu mới là 768 tàu, chiếm 51%; tàu vỏ gỗ là 742 tàu, chiếm 49%). Số tàu cá phân theo nhóm nghề: tàu làm nghề câu 85 chiếc, nghề lưới rê 420 chiếc; nghề lưới vây 427 chiếc; nghề lưới chụp 341 chiếc và tàu dịch vụ hậu cần là 237 chiếc; số tàu nâng cấp là 438 tàu.
Đến 31/7/2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất. Về giải ngân nguồn vốn vay đóng mới, nâng cấp tàu: Tính đến ngày 15/7/2017, các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.005 tàu (880 tàu đóng mới và 125 tàu nâng cấp), số tiền cam kết cho vay là 9.931 tỷ đồng; giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng, tăng 15,2% so với 31/12/2016. Ngoài ra, các NHTM cũng đã thực hiện giải ngân cho 267 lượt khách hàng với tổng số tiền trên 110 tỷ đồng. Hiện có 78 khách hàng còn dư nợ với số tiền gần 31 tỷ đồng...
Tuy nhiên, do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên nhiều ngư dân còn lúng túng trong việc chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công; công tác đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ. Một số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Thuận bị rỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, một số trang thiết bị khai thác như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn hoạt động kém... gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, năm 2017 do hướng dẫn chậm, các DN bảo hiểm không tiếp tục thực hiện bảo hiểm theo NĐ 67 đã phát sinh vướng mắc từ đầu năm đến nay làm cho các NHTM không tiến hành giải ngân cho các tàu đang đóng hoặc ngư dân có tàu đã đóng xong do không có bảo hiểm nên không đi biển được. Ngoài ra, việc vận hành tàu vỏ thép, hiện đại còn hạn chế. Một số ngư dân chưa phát huy tính năng kỹ thuật của các trang thiết bị hiện đại được trang bị trên tàu trong quá trình khai thác hải sản...
Góp ý cho việc sửa đổi NĐ 67, tại hội thảo một số đại biểu cho rằng, chính sách hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá nên chuyển từ chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng đóng mới tàu cá sang chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá theo hình thức hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Quyết định 47/2016/QĐ-TTg.
Ngoài ra, theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Chính phủ cần sớm xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ 67 quy định thêm một số vấn đề như: Hỗ trợ chi phí giám sát đóng tàu để chủ tàu thuê tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm giám sát quá trình đóng tàu đảm bảo chất lượng; hỗ trợ về đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 trở lên cho tàu cá đóng mới theo NĐ 67; Quy định cơ chế xử lý đối với các trường hợp bất khả kháng. Nên xem xét cho nhiều DN bảo hiểm tham gia chính sách bảo hiểm tàu cá theo NĐ 67, để ngư dân có nhiều lựa chọn cho DN tham gia bảo hiểm...
Phát biểu tham luận tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, đến nay sau 3 năm triển khai thực hiện, tổng số vốn Agribank cam kết cho vay theo các hợp đồng tín dụng đã ký là 4.605 tỷ đồng, dư nợ hiện tại là 3.883 tỷ đồng. Số khách hàng đang vay vốn là 554 khách hàng, trong đó có 510 khách hàng vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu (40 khách hàng vay vốn nuôi trồng, chế biến thủy hải sản)...
Theo bà Phượng, các khó khăn, vướng mắc của Agribank trong triển khai chương trình tín dụng theo NĐ 67 là phần lớn đối tượng khách hàng vay vốn tại Agribank là hộ gia đình và cá nhân: 470/510 khách hàng (chiếm 92,2%). Nhiều người vay lúng túng trong việc lập hồ sơ vay vốn, không biết lập phương án kinh doanh, không chứng minh được khả năng tài chính, không chứng minh được nguồn nhân lực đạt trình độ quản lý và vận hành trang thiết bị hiện đại khi chuyển đổi từ phương thức đánh bắt truyền thống sang hiện đại; hoặc có những trường hợp ngư dân đã được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt đủ điều kiện, nhưng sau đó lại thay đổi ngành nghề khai thác, thay đổi vật liệu vỏ tàu, thay đổi kích thước tàu, thay đổi công suất máy chính, dẫn đến thay đổi dự toán, phải thực hiện lại thủ tục, quy trình phê duyệt …
Nghi Lộc
thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn