Ảnh minh họa
Theo đó, dự thảo bổ sung tiêu chí quy định về số lượng biên chế công chức, số lượng người làm việc tối thiểu khi thành lập vụ, cục và tổ chức tương đương vụ, cục và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Cụ thể, vụ được thành lập khi cần tối thiểu 15 biên chế công chức để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cục được thành lập khi cần tối thiểu 30 biên chế công chức để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập cần tối thiểu 20 người làm việc để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định về trường hợp đặc biệt thành lập phòng trong vụ, để thực hiện chủ trương của Đảng về thành lập phòng trong vụ như sau: Không tổ chức phòng trong vụ. Riêng trường hợp có nhiều mảng công tác và khối lượng công việc lớn cần tối thiểu 30 biên chế công chức, Bộ trình Chính phủ quyết định số lượng phòng trong vụ tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về số lượng cấp phó người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ. Đối với vụ: Số lượng cấp phó người đứng đầu theo số lượng biên chế của vụ. Cụ thể: Vụ có từ 15 biên chế đến 20 biên chế công chức thì bố trí tối đa không quá 02 người; vụ có trên 20 biên chế công chức thì bố trí tối đa không quá 03 người.
Đối với Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, số lượng cấp phó theo số lượng phòng, cụ thể: có 3 phòng trở lên được bố trí 1 người, có từ 4 đến 6 phòng trở lên được bố trí không quá 2 cấp phó, có trên 6 phòng được bố trí không quá 3 người.
Bố trí tối đa 2 Phó Trưởng phòng mỗi phòng
Việc thành lập phòng trong tổ chức thuộc và trực thuộc Bộ (thanh tra, văn phòng, cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ…) đáp ứng đủ tiêu chí như sau: Công việc hoặc lĩnh vực do phòng thực hiện phải có quy trình quản lý hoặc đối tượng quản lý theo ngành, lĩnh vực; cần tối thiểu 9 biên chế công chức để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đối với phòng trong đơn vị sự nghiệp công lập: Việc thành lập đối với phòng thuộc cơ cấu tổ chức của cục, văn phòng, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục, phòng thuộc chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau: Công việc hoặc lĩnh vực do phòng thực hiện phải có quy trình quản lý hoặc đối tượng quản lý theo ngành, lĩnh vực; cần tối thiểu từ 07 biên chế công chức để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Về số lượng Phó Trưởng phòng: Đối với phòng trong tổ chức thuộc, trực thuộc bộ (thanh tra, văn phòng, cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ…) có từ 9 đến 11 biên chế được bố trí tối đa 01 Phó Trưởng phòng; Phòng có từ 12 biên chế bố trí tối đa 02 Phó Trưởng phòng.
Đối với phòng thuộc cơ cấu tổ chức của cục, văn phòng, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục, phòng thuộc chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục, tổng cục có từ 7 đến 10 biên chế được bố trí tối đa 01 Phó Trưởng phòng; Phòng có từ 11 biên chế trở lên bố trí tối đa 02 Phó Trưởng phòng.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Lan Phương
http://baochinhphu.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn