Người dân xã Châu Thái làm đường GTNT
Vài năm trở lại đây, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã chỉ đạo người dân áp dụng tiến bộ KHKT, đưa các giống cây trồng, vật nuôi triển vọng vào SX. Bây giờ, ít ai ngờ rằng, vùng đất Phủ Quỳ bạt ngàn mỏ khai khoáng lại có bước đột phá mạnh mẽ đến thế trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thay áo mới
Ông Cao Thanh Long, Bí thư Huyện uỷ Quỳ Hợp, cho biết: “Trước đây, nói đến Quỳ Hợp, nhiều người nghĩ ngay đến công nghiệp, dịch vụ và thương mại. Nhưng đây là giai đoạn mà nền kinh tế toàn cầu đang bị chững lại, vì thế tập trung vào mặt trận nông nghiệp là bước tiến vững chắc nhất để phát triển KTXH, xoá đói giảm nghèo bền vững”.
Song song với việc áp dụng tiến bộ KHKT vào SX, huyện cũng đã mạnh dạn đưa các giống lúa mới như LC25, PHB71, GS9, Thiên Nguyên ưu 9 trồng khảo nghiệm tại các xã: Châu Quang, Nghĩa Xuân, Châu Thái, Đồng Hợp và Châu Lý để thay thế cho Nhị ưu 838 đang chững lại.
Giống lúa lai 3 PHB71 hợp đất nên phát triển nhanh, chiều cao trên 100 cm, thời gian sinh trưởng từ 110 - 125 ngày, có khả năng chống gãy đổ tốt. Chưa hết, lúa PHB71 còn có ưu điểm là đẻ nhánh khoẻ, bông, hạt dài, chắc, tỷ lệ hạt lép thấp, gạo thơm ngon, năng suất cao.
Mô hình trồng lúa lai bón phân dúi mới được đưa vào áp dụng nhưng đã cho thấy hiệu quả hơn hẳn những phương thức cũ nên có sức lan toả rất nhanh, được bà con đón nhận và triển khai rộng khắp. Phân được làm hỗn hợp từ đạm urê, kali, lân, chỉ cần bón duy nhất một lần/vụ là cây lúa đã có đầy đủ chất dinh dưỡng để phát triển, giúp năng suất lúa nước của các hộ dân tăng từ 10 - 20 % so với trước kia.
Không những “làm cách mạng” trên các loại cây trồng, huyện Quỳ Hợp còn định hướng sẵn cho người dân trong việc lựa chọn con giống phù hợp, đảm bảo thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trò chuyện với PV, ông Lô Văn Hoạt ở bản Chảo (xã Châu Thái) không giấu được niềm vui: “Nhà tôi được cấp 6 con dê giống, đây là loại con vật dễ nuôi, thức ăn sẵn có nên đàn dê phát triển rất nhanh. Sau 2 năm, đã có tổng cộng 13 con”.
Ở Châu Thái, trường hợp như gia đình ông Hoạt không hiếm gặp, phần lớn những hộ nằm trong diện khó khăn, sau khi được thụ hưởng nhiều chính sách ưu tiên từ các Chương trình như 134, 135, 30a đều đã thoát nghèo; cái ăn, cái mặc không còn ám ảnh họ như trước kia.
Bộ mặt Châu Thái hôm nay được tô điểm thêm nhiều gam màu tươi mới, những con đường đất cũ gập gềnh, chi chít ổ gà, ổ voi đã được bê tông hoá, thuận lợi cho việc đi lại cũng như buôn bán SX; nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát, cơ sở vật chất, điện, đường, trường, trạm có nhiều chuyển biến, dần đáp ứng tiêu chí mà chương trình đặt ra.
Nông nghiệp phát triển là tiền đề giúp Quỳ Hợp đẩy lùi đói nghèo, đồng thời giúp người dân tránh xa những tệ nạn xã hội, từ đó tạo dựng những đề án phù hợp để đẩy mạnh hơn nữa phong trào xây dựng NTM trong toàn dân.
Nông nghiệp làm đòn bẩy
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân Quỳ Hợp đang khởi sắc, các chỉ số kinh tế đều tăng so với cùng kỳ năm 2012, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 21 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 22%.
Ông Hoàng Văn Thái, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Quỳ Hợp, cho biết: "Trong năm 2013, Quỳ Hợp đã triển khai lồng ghép trên 30 mô hình SX gắn với Chương trình NTM, trong đó ưu tiên phần lớn cho những vùng sâu vùng xa để cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế. Nguồn vốn của chương trình là 860 triệu đồng và UBND huyện trích ngân sách hơn 1 tỷ đồng. Trong năm 2014, bên cạnh công tác dồn điền đổi thửa, huyện sẽ ưu tiên xây dựng các mô hinh kinh tế có triển vọng, từ đó làm bàn đạp thuận lợi xây dựng NTM". |
Về Chương trình MTQG xây dựng NTM, sau hơn 3 năm triển khai, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân, đơn vị xuất sắc với cách làm hay, sáng tạo, góp phần đưa kinh tế của huyện đi lên.
Kinh phí do nhân dân Quỳ Hợp đóng góp đến thời điểm này là 60 tỷ đồng, tạo điều kiện không nhỏ giúp huyện hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng 37,423 km đường GTNT; tu sửa nâng cấp xong đập thuỷ lợi bản Bom, đập thuỷ lợi Bai Phúng (xã Châu Thái); có 4 xã đạt từ 9-13 tiêu chí…
Trong xây dựng NTM, Châu Quang được cho là điểm sáng, dù mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí nhưng địa phương này đã xây dựng được nền móng phát triển khá vững chắc. Bằng chiến lược dài hơi cùng sự cố gắng không ngừng nghỉ, sau hơn 2 năm triển khai, Đảng bộ và nhân dân xã Châu Quang cho thấy họ đang đi đúng hướng.
Cụ thể hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, quy hoạch đất đai, cấp đầy đủ sổ đỏ cho các hộ gia đình. 100% hộ gia đình hăng hái tham gia hiến đất làm đường, trong đó có nhiều trường hợp hiến từ 250 - 300 m2 đất ruộng; hệ thống bê tông hoá đường nông thôn và hệ thống hoá kênh mương được đánh giá rất cao.
Bên cạnh đó, nhận thức của bà con nông dân về nông nghiệp có sự thay đổi nhờ bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích trồng lúa năm 2013 tăng 7% so với cùng kì (640 ha).
Ông Sầm Ngọc Dự, Bí thư Đảng uỷ xã cho hay, Đảng bộ và nhân dân xã Châu Quang luôn cố gắng hết sức mình, phát huy tất cả những thế mạnh sẵn có để từng bước hoàn thành tiêu chí mà Chương trình NTM đã đặt ra.
Việt Khánh
Nguồn nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn