Là một trong 62 huyện nghèo nhất nước, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Sơn La, giao thông đi lại còn nhiều hạn chế nên khi bắt tay XDNTM, Quỳnh Nhai gặp không ít khó khăn, thử thách. Song với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự thống nhất cao của nhân dân, đến nay, huyện đã có xã điểm dẫn đầu tỉnh về số tiêu chí đạt chuẩn.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Quỳnh Nhai có 11 đơn vị hành chính cấp xã, với 190 bản, 13.191 hộ (60.228 khẩu), gồm 7 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 106.090ha, trong đó đất nông nghiệp 13.943ha, lâm nghiệp 72.803ha. Với lợi thế diện tích đất đai rộng lớn nên những năm gần đây, chính quyền huyện Quỳnh Nhai đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, huyện đã và đang thực hiện những chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa nguồn lực đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và XDNTM.
Khi bắt tay thực hiện chương trình XDNTM, Quỳnh Nhai luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự giúp đỡ của các sở, ban ngành, đặc biệt là sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân trong huyện. Quỳnh Nhai đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo chương trình XDNTM cấp huyện và Ban chỉ đạo ở 11 xã; thành lập Ban phát triển bản ở các xã Mường Giàng, Chiềng Ơn, Mường Giôn và Chiềng Khoang. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và tích cực triển khai các nội dung, công việc của chương trình đến từng cộng đồng dân cư nông thôn; ban hành các văn bản hướng dẫn xuống tận các xã, thôn, bản để người dân hiểu rõ, hiểu đúng về XDNTM.
Đặc biệt, Quỳnh Nhai đã quan tâm đến công tác tuyên truyền như thường xuyên cập nhật thông tin, phổ biến quán triệt bằng các văn bản, tuyên truyền thông qua các hội nghị về nông nghiệp, nông thôn… Đến nay, huyện đã phát 190 cuốn sổ tay về XNDTM cho 191 bản; sao in 201 tờ rơi có nội dung 19 tiêu chí NTM phát cho 11 xã; cấp phát 12 bản pa nô in 19 tiêu chí cho 11 xã treo tại trụ sở, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo XDNTM của huyện; chỉ đạo các xã triển khai, phổ biến, quán triệt các văn bản về chủ trương, chính sách liên quan tới XDNTM đến mọi tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo UBND các xã ký giao ước thi đua XDNTM, từ đó phổ biến rộng rãi đến các thôn bản.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Quỳnh Nhai cũng chỉ đạo UBND các xã lập đề cương, dự toán quy hoạch XDNTM trình UBND huyện phê duyệt, tổng kinh phí lên tới 4.991,22 triệu đồng. Sau khi được phê duyệt, các xã đã chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai lập đề án quy hoạch tổng thể. Đến nay, 11/11 xã đã được phê duyệt đồ án quy hoạch, đạt 100% kế hoạch của huyện và vượt 22,2% so với kế hoạch tỉnh giao. Đặc biệt, huyện có 4/11 xã công bố Đề án quy hoạch tổng thể và đã bắt tay vào triển khai thực hiện.
Những kết quả bước đầu
Nhờ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án nên đến nay, Quỳnh Nhai đã đạt được những kết quả khả quan trong quá trình XDNTM. Huyện đã rải nhựa được 295,67km đường trục xã, liên xã; bê - tông hóa 80,8km đường liên thôn, xã, đạt 27,3%, trong đó có 27,5km đạt chuẩn quốc gia; cứng hóa 19,12/310,02km đường trục bản, xóm. Hiện, huyện đang tích cực triển khai thi công hồ chứa nước thủy lợi Thó Loóng ở xã điểm Mường Giàng, với tổng vốn đầu tư lên tới 65 tỷ đồng.
|
|
Theo rà soát, đến năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm tới 42%, đến năm 2012 giảm còn 33,3%. Đến nay, 11/11 xã trên địa bàn đã có trạm y tế, trong đó có 3 trạm đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2012 đạt trên 95%.Từ năm 2011 đến nay, huyện đã thành lập thêm được 7 HTX nông, lâm, thủy sản, nâng tổng số HTX trên địa bàn lên 14 đơn vị, hầu hết đều hoạt động hiệu quả. Cơ cấu kinh tế đang có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp; tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại dịch vụ. Đến hết năm 2012, cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp chiếm 43,2%, giảm 3,8% so với năm 2010; công nghiệp - xây dựng chiếm 15,2%, tăng 1,5% so với năm 2010; thương mại dịch vụ 41,6%, tăng 2,1% so với năm 2010.Đặc biệt là tại xã điểm Mường Giàng, nhờ có sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự đồng thuận của nhân dân mà đến nay, diện mạo nông thôn ở đây đã có sự thay đổi rõ rệt, đường vào trung tâm UBND xã đã được cứng hóa, trụ sở được xây dựng khang trang. Theo đánh giá, đến nay, Mường Giàng đã đạt 10/19 tiêu chí NTM, đứng đầu tỉnh Sơn La về số tiêu chí đã đạt.Theo đánh giá của huyện, Phiêng Ban là bản thể hiện sự thay đổi rõ nét nhất trong quá trình XDNTM ở xã điểm Mường Giàng. Phiêng Ban có 65 hộ với 307 khẩu, 100% dân số là người Mông. Với đặc thù địa hình bị chia cắt nên trước đây, người dân trong bản sinh sống ở dưới khe núi, không có điện lưới, không có nước sạch sinh hoạt, thu nhập chính của đồng bào chủ yếu dựa vào cây ngô nên đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Để có nước sinh hoạt, bà con phải đi xa nhiều cây số để lấy nước, các em học sinh thì phải đi gần 8km mới tới trường, ban đêm phải học bài dưới ánh đèn dầu. Thế rồi cuộc sống của người dân trong bản thực sự được thay đổi khi Mường Giàng bắt tay triển khai XDNTM, nhất là từ khi cán bộ huyện, xã xuống tận nơi vận động người dân chuyển lên sinh sống ở gần đường lớn, vừa thuận lợi trong đi lại, vừa tiếp cận được các dịch vụ phục vụ đời sống sinh hoạt như điện, y tế, học tập, chợ…Đặc biệt là giờ đây, trường tiểu học đã được xây ngay tại bản nên các em không phải đi học xa vất vả như trước, 100% trẻ trong độ tuổi được tới trường học chữ. Hai công trình trọng điểm là hệ thống dẫn nước sinh hoạt và mạng lưới điện quốc gia cũng đã kéo về, chỉ chờ ngày khánh thành là người dân có thể sử dụng.Trao đổi với phóng viên, ông Sùng Nhía Dì, Trưởng bản Phiêng Ban phấn khởi cho biết: “Trước đây, cuộc sống của người dân trong bản khổ cực trăm bề vì không có điện, nước sinh hoạt, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản hết sức khó khăn. Ngoài ra, do sản xuất nhỏ lẻ, người dân chưa biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất không cao, chất lượng sản phẩm thấp. Từ khi thực hiện XDNTM, cuộc sống người dân đã bớt khổ đi nhiều, hiện trong bản chỉ còn 2 hộ nghèo, học sinh đi học cũng gần hơn. Mai kia có điện, tôi sẽ mua máy xay ngô để giúp bà con bớt vất vả”.Ông Lưu Bình Khiêm, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết thêm: “Đến nay, Quỳnh Nhai là huyện đầu tiên của tỉnh thực hiện xong công tác quy hoạch. Giờ đây, nhận thức của đội ngũ cán bộ và người dân về XDNTM đã có nhiều thay đổi, bà con đã hiểu rõ, hiểu đúng về chương trình nên tham gia rất tích cực. Đặc biệt là bằng các nguồn vốn lồng ghép, huyện đã đầu tư một số hạng mục trọng điểm như công trình nước sạch và điện lưới quốc gia tới bản Phiêng Ban (xã Mường Giàng); công trình hồ chứa thủy lợi Thó Loóng (xã Mường Giàng)”.Cần sự hỗ trợTheo ông Khiêm, tuy đã gặt hái được một số kết quả trong XDNTM, nhưng hiện nay Quỳnh Nhai vẫn gặp phải những khó khăn riêng, cần có sự hỗ trợ, quan tâm của tỉnh và Trung ương, mà khó khăn lớn nhất chính là nguồn vốn để đầu tư cho các hạng mục công trình cơ bản. Ngoài ra, do địa hình huyện bị chia cắt, đường sá đi lại khó khăn, khi đầu tư vào xây dựng cơ bản, giá nguyên vật liệu cũng bị nâng lên cao. Mặt khác, do trình độ dân trí thấp, thiếu cán bộ chuyên trách về NTM nên khi triển khai thực hiện, một số địa phương còn lúng túng, bị động. Do đó, ông Khiêm đề nghị tỉnh Sơn La và Trung ương tạo điều kiện hơn nữa cho Quỳnh Nhai về nguồn vốn, đồng thời phân bổ cho địa phương 2 - 3 cán bộ chuyên trách về XDNTM; đề nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt quy hoạch khu nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La để huyện có cơ sở kêu gọi doanh nghiệp có đủ năng lực vào đầu tư, khai thác…
Hoàng Văn
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn