Xã Đồng Tâm được thành lập từ năm 2009, vốn là đất của Nông trường Yên Thế, dân cư trong xã phần lớn cũng là cán bộ, công nhân viên của nông trường định cư nên có trình độ dân trí khá cao, hạ tầng tương đối vững chắc. Tuy nhiên, do số dân ít nên khi triển khai vốn đối ứng khá hạn chế và đây là một trở ngại trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở đây. Trong điều kiện như vậy, việc hoàn thành ba tiêu chí trong năm đầu tiên thực hiện đã là một nỗ lực đáng khích lệ của Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã.
Báo cáo của Ban chỉ đạo cho thấy, trong năm 2012, tổng số vốn thực hiện chương trình tại Đồng Tâm là 2,797 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm 60%. Do cơ cấu vốn hạn chế như vậy nên Ban chỉ đạo xã đã lấy ý kiến nhân dân và chọn phương án đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào ba tiêu chí cấp thiết nhất, là xây dựng, cải tạo hệ thống lưới điện nông thôn II (RE II); xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục; nhà ở dân cư và một phần giao thông, thủy lợi nông thôn. Nhìn các hạng mục đầu tư trong năm qua, quả là Đồng Tâm đã lựa chọn toàn những tiêu chí yêu cầu đầu tư lớn, cũng như đòi hỏi vốn đối ứng từ nhân dân tương đối cao. Nhưng đúng là khi biết huy động và sử dụng đúng sức dân, những nhiệm vụ tưởng như khó khăn lại hóa ra vô cùng đơn giản.
Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Dương Văn Thế cho biết: Ban đầu cũng hơi khó khăn khi tính toán các biện pháp huy động vốn, thế nhưng, khi chúng tôi họp dân lấy ý kiến thì nhận được sự đồng thuận gần như tuyệt đối của nhân dân trong xã. Bà con đã đóng góp hơn 600 triệu đồng để nâng cấp đường điện và hỗ trợ xóa nhà tạm. Đáng chú ý là việc hiến, tặng đất để xây dựng các công trình công cộng của người dân Đồng Tâm là đáng trân trọng. Hơn một năm qua, đã có gần 200 hộ tự nguyện hiến 2,5 ha, 1.287 m tường bao, nhiều hoa màu và tài sản trên đất để làm NTM.
Cùng đồng chí cán bộ văn hóa xã đi trên con đường Liên Cơ - Hồng Lạc - Tân Sỏi đang gấp rút thi công, mới thấy sức dân, lòng dân Đồng Tâm thật đáng quý. Như thôn Tân Sỏi, vốn là thôn nghèo, xa nhất của xã, nhưng khi xã có chủ trương làm đường, người dân trong thôn đã tự nguyện "cắt" đất vườn, phá dỡ cổng, tường bao, chặt bỏ hoa màu để giải phóng mặt bằng mà không nhận bất cứ một khoản tiền nào. Tổng số bảy hộ dân có đường đi qua đã hiến hơn 4.000 m2 đất, tiêu biểu như ông Ngọc, hiến hơn 1.000 m2, ông Thành 992 m2, ông Tuấn, 800 m2... Nhấm nháp cốc trà xanh đặc sánh bên hiên nhà ông Ngọc, nhìn ông ngắm con đường rải nhựa cấp phối rộng thênh thang chạy qua cổng nhà với vẻ mặt mãn nguyện. Ông bảo: Có con đường này chúng tôi đỡ khổ vì lầy lội vào mùa mưa và bụi đường vào mùa khô, vợ chồng đi chợ bán ít rau quả, trẻ con đi học cũng mát mặt các anh ạ. Nói thật là nếu Nhà nước cần đất nữa chúng tôi cũng sẵn sàng.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phong trào xây dựng NTM được Ban chỉ đạo xã Đồng Tâm chú trọng là công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Một dự án trị giá 100 triệu đồng dành cho 20 hộ đầu tư chăn nuôi gà đồi; xây dựng mô hình trồng vải thiều VietGAP, mô hình cam Cara-Cara, nhãn muộn, chè... Xã cũng tìm một số nguồn đầu tư cho dự án phát triển đàn bò trị giá 200 triệu đồng. Cùng với những nỗ lực phát triển sản xuất, kinh tế hộ của người dân, chương trình xây dựng NTM của xã đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định đời sống, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.
Đồng chí Chủ tịch Dương Văn Thế khẳng định: Bên cạnh những biện pháp chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Đảng ủy, Ủy ban và các ban, ngành, đoàn thể thì việc huy động nguồn lực từ nhân dân có vai trò quyết định trong xây dựng NTM ở Đồng Tâm. Năm 2013 này, chúng tôi đặt mục tiêu hoàn thành bốn tiêu chí, đồng thời triển khai bốn tiêu chí khác. Ngoài việc vận dụng, sử dụng hợp lý nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nguồn vốn từ nhân dân, từ sự chung sức, đồng lòng vẫn là biện pháp then chốt để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn