Mô hình độc đáo Trước đây, mỗi dịp lễ, tết hoặc ngày cuối tuần, bà Nguyễn Thị Dung ở thôn An Cơ Bắc phải đưa các cháu của mình lên tận Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh hoặc Quảng trường 14/10 ở thành phố Thái Bình để vui chơi. Nhưng từ khi xã khánh thành và đưa vào hoạt động công viên văn hóa thể thao thì các cháu nhỏ của bà và nhiều gia đình khác không phải đi xa mà vẫn có chỗ vui chơi. Bà Dung chia sẻ: Trước đây cuộc sống khó khăn, tôi nghĩ những công viên văn hóa thể thao như thế này chỉ có ở thành phố, không ngờ giờ quê mình cũng có. Công viên được quy hoạch, đầu tư xây dựng khang trang, hoạt động rất tốt với đầy đủ các trò chơi, giá vé hợp lý lại không phải đi xa.
Phòng tập gym tại công viên văn hóa thể thao xã Thanh Tân thu hút người dân đến luyện tập. Công viên văn hóa thể thao xã Thanh Tân đi vào hoạt động từ cuối năm 2015 trên diện tích 7.400m
2, vốn đầu tư 1,6 tỷ đồng. Ðể giảm bớt áp lực ngân sách cho địa phương, người dân vẫn có nơi vui chơi giải trí, xã mời gọi các doanh nghiệp cùng đầu tư xây dựng công viên theo hình thức xã hội hóa. Ông Vũ Văn Lượng ở thôn Tử Tế cho biết: Tôi là người dân địa phương, rất phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương nên quyết định bỏ ra 7 tỷ đồng xây dựng khu vui chơi cho trẻ em và phòng tập gym, thời gian tới tiếp tục đầu tư thêm phòng tập erobic, yoga, bể bơi. Khi xã hội càng phát triển, đời sống được nâng lên chắc chắn công viên văn hóa thể thao sẽ thu hút đông đảo người lớn, trẻ nhỏ đến vui chơi, luyện tập, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Chị Trần Thị Kim Liên ở thôn An Thọ chia sẻ: Việc đầu tư, xây dựng công viên văn hóa thể thao là cách làm độc đáo, sáng tạo của địa phương. Nơi đây thực sự là địa điểm lý tưởng để mọi người gặp gỡ, giao lưu, luyện tập nâng cao sức khỏe sau một ngày làm việc, qua đó bó bện thêm tình đoàn kết xóm làng. Cùng với công viên văn hóa thể thao, hiện nay xã Thanh Tân đang đầu tư xây dựng và hoàn thiện hồ trung tâm với tổng vốn đầu tư 4 tỷ đồng cũng theo hình thức xã hội hóa để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí và rèn luyện sức khỏe của nhân dân.
Hưởng chất lượng cuộc sống đô thị Ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: Khi các thiết chế văn hóa được hoàn thiện, người dân được chăm lo đời sống tinh thần sẽ tạo nguồn lực to lớn để xây dựng nông thôn mới (NTM). Vì vậy, cùng với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, cấp ủy, chính quyền xã chú trọng xây dựng đời sống văn hóa NTM với mục tiêu là làm sao để bà con Thanh Tân tuy ở nông thôn nhưng được hưởng thụ chất lượng cuộc sống đô thị, xây dựng đô thị nhưng vẫn giữ được nét bình yên của làng quê Việt Nam. Ðể nâng cao thu nhập cho người nông dân, xã đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, liên kết với Công ty TNHH Hưng Cúc sản xuất lúa hàng hóa với diện tích 11ha năm 2016, sẽ mở rộng 30ha năm 2017. Hiện nay, Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã về địa phương đầu tư thí điểm mô hình sản xuất rau hữu cơ, dự kiến sẽ mở rộng sản xuất 50ha. Hàng năm, diện tích lúa giống, lúa chất lượng cao chiếm 50% tổng diện tích trồng lúa toàn xã. Chăn nuôi chiếm 40% giá trị sản xuất trong nông nghiệp. Tốc độ cơ giới hóa trong sản xuất nhanh thể hiện ở việc làm đất, chế biến nông sản 100% bằng máy, 80% diện tích gặt máy, 60% diện tích gieo sạ và cấy bằng máy. Thanh Tân đã quy hoạch cụm công nghiệp với diện tích 13ha, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp vào đầu tư. Trên địa bàn xã hiện có 3 hợp tác xã, 7 doanh nghiệp, gần 50 tổ hợp nghề tạo việc làm cho 2.000 lao động. Ðời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Lao động trong nông nghiệp hiện chỉ chiếm 21% tổng số lao động toàn xã. Năm 2016, thu nhập bình quân của người dân Thanh Tân ước đạt 38 triệu đồng. Nhiều năm liên tục, xã dẫn đầu phong trào thi đua của huyện; Ðảng bộ, chính quyền đạt trong sạch, vững mạnh.
Khu vui chơi cho trẻ em tại công viên văn hóa thể thao xã Thanh Tân. Cũng theo ông Bùi Mạnh Hà, sau khi về đích NTM năm 2013, xã tiếp tục đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây dựng chợ, hồ trung tâm, công viên văn hóa thể thao, lát vỉa hè, hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng ở khu trung tâm… Ðến nay, chất lượng nhiều tiêu chí NTM của địa phương đã vượt xa so với quy định. Thanh Tân phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành đô thị loại V.
Thành công của Thanh Tân hôm nay bắt nguồn từ sự đoàn kết, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân. Xây dựng NTM chính là việc làm mang lại lợi ích cho dân nên địa phương làm việc gì cũng xin ý kiến nhân dân, xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Cùng với phát huy dân chủ, cấp ủy, chính quyền xã khuyến khích “Mỗi người dân Thanh Tân góp một ý tưởng để xây dựng NTM”, “Mỗi con đường đẹp, mỗi ngôi nhà đẹp, mỗi nụ cười là góp phần cho quê hương thêm đẹp”…, qua đó động viên nhân dân phấn khởi, tự hào và tin tưởng, tự giác góp công, góp của xây dựng quê hương. Ông Nguyễn Trung Liên ở thôn Nam Lâu chia sẻ: Sống gần hết đời người, chứng kiến sự đổi thay của quê hương, tôi thấy cuộc sống của người dân Thanh Tân bây giờ sướng gấp trăm lần ngày xưa, thụ hưởng các điều kiện không khác gì người dân thành thị. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục được đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Mạnh Cường/baothaibinh.com.vn