Ưu tiên hỗ trợ các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGap, GlobalGap... là một trong những mục tiêu của chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ thời gian tới
Các mục tiêu trên được ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết 5 năm chương trình hợp tác thương mại giữa Sở Công Thương TPHCM và các tỉnh thành Đông, Tây Nam bộ giai đoạn 2011-2015, triển khai kế hoạch 2016-2020, diễn ra vào sáng nay 22-3. Việc tập trung, ưu tiên hỗ trợ các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGap, GlobalGap là nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng vùng, miền. Việc xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết chặt chẽ, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động sản xuất nuôi trồng tới hoạt động phân phối là nhằm nâng cao hoạt động của hệ thống phân phối, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, giảm chi phí trung gian. Để làm được điều này, ông Kiên cho biết, Sở Công Thương TPHCM sẽ kết hợp với sở công thương các tỉnh, thành đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa lưu thông, cung ứng ngay tại nguồn, tức là tại các tỉnh, thành. Chỉ những sản phẩm đạt chứng nhận an toàn tại các tỉnh mới được phép lưu thông, kinh doanh tại TPHCM và ngược lại. Ông Kiên cũng cho biết, hiện tại Sở Công Thương TPHCM đang cùng với các sở, ngành liên quan xây dựng một bộ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và sẽ công bố trong thời gian tới. Ngoài ra, theo ông Kiên, đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đến năm 2020, cũng như các chương trình hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh thành liên quan đến công nghiệp hỗ trợ trọng yếu là một trong những mục tiêu, điểm khác biệt của chương trình hợp tác thương mại giữa Sở Công Thương TPHCM và các tỉnh thành Đông, Tây Nam bộ giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, khuyến khích, thu hút và hỗ trợ đầu tư cho phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, sức cạnh tranh của một số sản phẩm, hàng hóa đặc trưng. Đặc biệt, chương trình hợp tác sẽ gắn kết giữa các tỉnh, thành trong việc phát triển bốn ngành công nghiệp trọng yếu gồm chế biến lương thực, thực phẩm, hóa chất, cao su – nhựa, cơ khí chế tạo và điện tử - công nghệ thông tin… Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình hợp tác thương mại thông qua triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường và chương trình kết nối cung cầu hàng hóa tại mỗi địa phương; kết nối doanh nghiệp với ngân hàng… cũng là những mục tiêu sẽ thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Báo cáo tại hội nghị của Sở Công Thương cũng cho thấy, qua 5 năm triển khai chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM với các tỉnh đã có gần 1.400 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các địa phương, giao thương hai chiều có doanh thu đạt hơn 22.100 tỉ đồng, các doanh nghiệp ở thành phố tiêu thụ hàng hóa trị giá gần 15.500 tỉ đồng của tỉnh, thành Đông – Tây Nam bộ và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành trị giá hơn 6.630 tỉ đồng. Cũng qua 5 năm, chương trình đã tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hệ thống phân phối, mở rộng thị trường bán lẻ, thúc đẩy phát triển kênh phân phối hiện đại. Tính đến nay tại TPHCM có 39 trung tâm thương mại, 181 siêu thị, 240 chợ truyền thống và gần 836 cửa hàng tiện lợi. Các doanh nghiệp tại thành phố cũng đã công bố 308 địa điểm bán hàng đạt chuẩn an toàn (VietGap, GlobalGap, HACCP…). TBKTSG Online |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn