08:04 EDT Thứ năm, 02/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

TRIỂN VỌNG HỢP TÁC CÔNG TƯ TRONG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Thứ hai - 17/09/2018 20:58
Trong chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Chính phủ Việt Nam đã coi nông nghiệp là một mục tiêu quan trọng, đặt nông nghiệp làm động lực cho phát triển bền vững kinh tế xã hội.

Để đạt những mục tiêu phát triển, phải hiện đại hóa ngành nông nghiệp dựa trên sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước và huy động được các nguồn lực đầu tư xã hội. Trong điều kiện ngân sách Chính phủ hạn hẹp và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ưu đãi giảm dần, Hợp tác công-tư được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư , góp phần thiết thực vào phát triển nông nghiệp bền vững.

Hiện trạng hợp tác công-tư nông nghiệp, nét mới những năm gần đây 

Thời gian qua đã xuất hiện nhiều hình thức hợp tác công-tư trong nền nông nghiệp Việt Nam.Trên lĩnh vực công nghệ, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu một số loại giống cây trồng, vật nuôi và thuốc bảo vệ thực vật với sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước. Theo đó, khu vực tư nhân cũng đã tham gia tích cực cùng khu vực nhà nước để đầu tư và cung cấp nhiều loại hàng hóa và dịch vụ công ích phục vụ sản xuất và đời sống.

Nông nghiệp kết hợp với du lịch đang là hướng đi nhiều triển vọng

Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã cùng cơ quan nhà nước cấp địa phương cung cấp các dịch vụ khuyến nông cho các hộ nông dân theo mô hình “cánh đồng liên kết” và “cánh đồng mẫu lớn” để phát triển sản xuất ngành lúa gạo theo hướng xuất khẩu. Với các dự án sản xuất thử nghiệm sử dụng vốn ngân sách nhà nước, Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đã nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc kháng ruồi cho cây ăn trái. Từ năm 2009, Viện này đã ký hợp đồng thương mại hóa kháng ruồi với công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Tiền Giang để tiêu thụ tại thị trường trong nước.Từ nguồn thuốc do Viện cung cấp, công ty BVTV Tiền Giang đã đóng chai, nhãn mác và thương mại hóa sản phẩm qua hệ thống phân phối của mình.Với số tiền thu được từ thương mại hóa, SOFRI đã hoàn trả được phần vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và tiếp tục khai thác sản phẩm này. Cũng từ nguồn vốn ngân sách nhà nướcSOFRI đã nghiên cứu, lai tạo thành công giống thanh long mới có năng suất,chất lượng cao và ký hợp đồng mua bản quyền sử dụng loại giống này vớimột doanh nghiệp tư nhân để sản xuất và xuất khẩu thanh long tới một số thị trườngSOFRI cũng đã có nhiều thành công trong cung cấp dịch vụ khuyến nông cho các hộ nông dân trồng thanh long theo hợp đồng với doanh nghiệp.     

Hình thức liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân và nhà nước ở Việt Nam cũng đã xuất hiện ở nhiều loại hình hàng hóa, dịch vụ công như các công trình thủy điện, thủy lợi, cấp nước sạch, đường giao thông, công trình vệ sinh môi trường nông thôn...Trong những mô hình này, đối tác công đã xây dựng nhiều trạm biến thế, hệ thống đường dây tải điện, trạm bơm sau đó chuyển giao cho các tổ nhóm hợp tác khai thác và sử dụng để cung cấp dịch vụ cho các hộ nông nghiệp (tỉnh An Giang đã đầu tư xây dựng 936 trạm bơm điện, phục vụ tưới, tiêu cho 137.000 ha đất nông nghiệp; dự án cấp nước sạch nông thôn tại Thị trấn Chũ, tỉnh Bắc Giang, đã cấp nước sinh hoạt cho 2.000 khách hàng với hơn 8.000 người sử dụng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân). Những mô hình phổ biến ở nhiều địa phương cho thấy, đối tác công giữ vai trò quan trọng trong tạo môi trường pháp lý và cơ chế hỗ trợ, chuyển giao tài sản đầu tư ban đầu cho nhà đầu tư và đảm nhiệm việc kiểm tra chất lượng định kỳ.

Xuất khẩu nhóm ngành rau, củ quả, hoa và cây cảnh ngày càng chiếm tỷ trọng cao

Thời gian gần đây, nhiều hình thức hợp tác sản xuất có sự tham gia của doanh nghiệp, nhà nước và người dân cùng phối hợp thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Những kết quả thu nhận được của các hình thức hợp tác này rất đáng ghi nhận. Sản lượng sản xuất tăng từ 2 - 3 lần, thu nhập của người dân tăng 10 - 15%. Đáng chú ý là, sau khi hợp tác, nông dân đã thay đổi cách thức, tập quán canh tác truyền thống theo mô hình sản xuất hiện đại với hiệu quả cao hơn (Ngô Thị Phương Thảo 2016).

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có nhiều động thái tích cực nhằm thúc đẩy PPP trong các ngành hàng chủ lực. Bộ đã quyết tâm thúc đẩy PPP thông qua việc thành lập và vận hành Nhóm công tác Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp. Nhiều công ty đa quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với đầu tư PPP để sản xuất và thúc đẩy kinh doanh một số mặt hàng nông sản chủ yếu tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ sáng kiến “tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), 15 doanh nghiệp nông nghiệp quốc tế đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng và khả năng cạnh tranh bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường của các ngành hàng ưu tiên bao gồm: cà phê, thủy sản, rau quả, chè và hàng hóa chung (đậu tương, ngô).... Với hoạt động khá rộng, từ thử nghiệm tiến bộ kỹ thuật đến tổ chức tín dụng, sản xuất, tiêu thụ, khi tham gia vào dự án của các nhóm ngành hàng, doanh nghiệp phải đầu tư nguồn vốn lớn và người nông dân phải sẵn lòng chi trả chi phí dịch vụ khi hệ thống hạ tầng được hoàn thành.  Kết quả bước đầu triển khai thử nghiệm cho thấy, hướng phát triển này đạt được thành công đáng khích lệ. Nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ tích cực cho nông dân về vốn và kỹ thuật để đẩy mạnh sản xuất nông sản sạch.

Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và khối tư nhân thông qua các Nhóm công tác đối tác công tư (PPP) ngành hàng trong đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp. Đến nay, PSAV đã triển khai thành công 7 nhóm công tác PPP ngành hàng: Cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hồ tiêu và gia vị, lúa gạo và hóa chất nông nghiệp.

Các nhóm công tác PPP ngành hàng đã gắn bó, phối hợp với các đối tác trong chuỗi giá trị để xử lý các vấn đề mà nông nghiệp Việt Nam cần giải quyết như: Xây dựng các chuỗi giá trị liên kết bền vững (chuỗi sản xuất và chế biến khoai tây của PepsiCo, chuỗi gạo của Bayer và Vinafood 2, chuỗi cà phê của Néstle, chuỗi chè của Unilever, v.v…); kết nối nông dân với các tổ chức chứng nhận quốc tế (4C, UTZ, Rainforest Alliance...) để nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập, qua đó tăng xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường có yêu cầu cao. Đến nay, gần 220.000 nông dân đã được hỗ trợ tham gia các mô hình trình diễn kỹ thuật, được tập huấn và áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. Các mô hình này đảm bảo các tiêu chí kinh tế-xã hội, môi trường nằm trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (Lê Quốc Doanh 2018).

Các nhóm công tác PPP đã thực hiện vai trò kết nối doanh nghiệp đầu tàu với một số địa phương thí điểm để tạo đột phá về chính sách, thể chế nhằm thu hút đầu tư tư nhân và tái cơ cấu nông nghiệp. Trong quá trình hoạt động, hợp tác công-tư đã nâng số hộ nông dân tham gia dự án PSAV từ 43 nghìn hộ (năm 2016) lên 217 nghìn hộ (năm 2018). Đặc biệt, nhóm Cà phê đã áp dụng các tiêu chuẩn GAP trong sản xuất và mở rộng hợp đồng tới 66.500 hộ sản xuất trong vùng dự án. Chuỗi cà phê hiện có trên 80.000 hộ nông dân tham gia với 97.000ha cà phê, đã thu hút được nhiều đối tác nước ngoài như các công ty Nestlé Việt Nam, GCP, IDH, Yara, Bayer, EDE, ACOM…( Đức Hiệp 2018).

 Hoạt động của các hiệp hội ngành nghề nông nghiệp ngày càng đa dạng góp phần thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp

Chủ trương, giải pháp của chính phủ đối với hợp tác công tư nông nghiệp và những tồn tại, hạn chế cấn tháo gỡ

Khái niệm PPP chính thức được đề cập ở Việt Nam kể từ khi có Quyết định 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm quy chế đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Theo đó, Đầu tư theo hình thức đối tác công tư được xác định là “ việc Nhà nước và Nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện Dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở Hợp đồng dự án”..(Thủ tướng Chính phủ 2010).Tuy nhiên, chính sách này mới hướng tới lĩnh vực giao thông và xây dựng , chưa đề cập cụ thể đối với ngành nông nghiệp.

Chính phủ và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam rất  quan tâm thu hút nguồn vốn tư nhân cũng như nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước để đầu tư vào các dự án công ích nhằm giảm áp lực chi tiêu ngân sách nhà nước, mặt khác khai thác một cách hiệu quả hoạt động của khu vực tư nhân. Bên cạnh chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người nông dân, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, ưu đãi và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Nghị định 210/2013/NĐ-CP, Nghị quyết 01/NQ-CP về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, Quyết định 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Gần đây, Chính phủ đã ban hành  Nghị định số 63/2018/NĐ-CP  về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, áp dụng đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ,nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, bên cho vay và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đầu tư theo hình thức đối tác công tư.  Theo đó, Nông nghiệp và phát triển nông thôn; dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là một trong những lĩnh vực quan trọng được Nhà nước khuyến khích thực hiện đầu tư theo hình thức PPP (Chính phủ 2018).  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thông tư 14/2017 hướng dẫnviệc thực hiện một số nội dung đầu tư (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn 2017). Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn e ngại và gặp nhiều khó khăn khi tham gia đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Theo các nhà phân tích, các chính sách thu hút đầu tư tư nhân đã được ban hành trong nhiều năm qua, nhưng doanh nghiệp vẫn thiếu kênh thông tin để tiếp cận. Những chính sách hỗ trợ và ưu đãi chưa thực hiện tốt, chủ yếu là do thiếu nguồn lực và quy trình thủ tục còn phức tạp. Mặt khác, còn nhiều vướng mắc trong liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp với các bộ, ban, ngành, các địa phương giầu tiềm năng phát triển nông nghiệp và với bản thân người nông dân. Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nhưng vẫn chưa lựa chọn được phương thức kinh doanh phù hợp. Không ít doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư nhưng gặp khó khăn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định hoặc tập trung đất đai để mở rộng sản xuất. Theo Ngân hàng thế giới, tỉ lệ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hiện còn quá thấp (khoảng 3 - 4%) và hình thức PPP trong nông nghiệp khai thác thiếu hiệu quả.

Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã tạo khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh cho PPP và cung cấp cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các hình thức PPP trong nông nghiệp Việt Nam. Đầu tư PPP nông nghiệp là đầu tư vào “Công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, đây là một điểm mới, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy PPP trong nông nghiệp. Cùng với quy trình tuyển chọn nhà đầu tư tư nhân được thắt chặt thông qua hình thức đấu thầu, doanh nghiệp nhà nước chỉ được tham gia các dự án PPP khi liên danh cùng đơn vị tư nhân. Tuy nhiên, chi tiết trong từng nhóm lĩnh vực nông nghiệp lại chưa được làm rõ; một số loại hợp đồng chưa có mẫu hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Ngành Nông nghiệp và Chính phủ hai nước Việt Nam - Nhật Bản ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp

Nguyên tắc hiệu quả dự án là một nội dung quan trọng nhưng chưa được nhấn mạnh, đối tượng áp dụng chưa bao gồm những chủ thể đóng vai trò quan trọng như các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ và các nhà tài trợ. Cách thức xây dựng và đề xuất dự án PPP nông nghiệp còn là những câu hỏi lớn đối với các bên tham gia. Trong quá trình triển khai thực hiện, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương cho rằng, hiện chưa có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Doanh nghiệp vẫn phải đi tìm hiểu rồi tự liên kết với nông dân. Ông cho biết, diện tích hồ tiêu phát triển đã cao gấp 3 lần tích quy hoạch, dẫn đến nguồn cung tăng, giá tiêu giảm mạnh. Thực tế này đòi hỏi phải có sự liên kết, chia sẻ của doanh nghiệp trong việc chăm sóc vườn cây, bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng. Đối với nhiều ngành hàng, thuốc bảo vệ thực vật đang còn là rào cản chất lượng nông sản hàng hóa  xuất khẩu (Đức Hiệp 2018).

Hạn chế nổi bật trong hoạt động phát triển đối tác công tư nông nghiệp ngày nay là thiếu hành lang pháp lý, cơ chế chính sách chưa minh bạch và nhất là khó thu gom được quỹ đất đủ lớn. Theo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đầu tư vào nông nghiệp nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài còn rất hạn chế. Đến hết năm 2015, ngành nông nghiệp mới thu hút được 521 dự án, chiếm 2,6% tổng các dự án đầu FDI, với tổng số vốn đăng ký 3,6 tỉ USD, chưa tới 1,3% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nông nghiệp là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro. Rủi ro gây ra không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn cả về thị trường, giá cả bấp bênh. Hiện chưa có sự chia sẻ rủi ro giữa khu vực công và khu vực tư và quan trọng là ngân hàng chưa tìm thấy lợi nhuận cũng như chia sẻ rủi ro trong lĩnh vực này.

Cùng với những hạn chế gợi ra, khó khăn phổ biến trong các ngành hàng kinh doanh nông nghiệp là ruộng đất manh mún, khó ứng dụng khoa học kỹ thuật. Nhiều doanh nghiệp đã phải thuê đất của nông dân và sau đó lại thuê nông dân làm việc trên chính mảnh đất của họ, khó có khả năng tích tụ ruộng đất (Kiều Phong 2016).

Phân tích những mô hình hợp tác công tư trong nông nghiệp Việt nam, các nhà phân tích có chung nhận xét, Mục tiêu thực hiện mô hình đều nhằm vào giúp nông dân nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp; các đối tác tham gia hướng đến trọng tâm xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đều được hưởng lợi. Trưởng Đại diện Qũy Hỗ trợ Phát triển Nông nghiệp Thế giới (IFAD) tại Việt Nam, Atsuko Toda, cho rằng mô hình PPP sẽ giúp nông dân nâng cao năng lực sản xuất, cung cấp thông tin thị trường cho nông dân, dùng truyền thông để có những phản hồi về thị trường tiêu thụ sản phẩm và những điều chỉnh cơ chế chính sách kịp thời; nông dân có thêm nhiều việc làm, nhiều lợi nhuận hơn; sự tham gia của doanh nghiệp sẽ giúp nông dân tăng giá trị nông sản (Xuân Thân 2012).

Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách, Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ NN&PTNT), thực hiện mô hình hợp tác công-tư không phải do nhà nước thiếu tiền đầu tư mà mục đích của phương thức hợp tác này là tạo ra một sân chơi để các đối tác (nhà nước, doanh nghiệp, nông dân) cùng tham gia. Tại sân chơi này, mỗi đối tác đều có thế mạnh riêng của mình, họ sẽ cùng nhau làm gia tăng giá trị cho nông sản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định, khung hành lang pháp lý để thực hiện mô hình còn chưa rõ ràng.

Trong hợp tác công-tư nông nghiệp, cùng với vai trò điều hành của Chính phủ, vị trí trung tâm của người sản xuất, doanh nghiệp là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị các ngành hàng. Chỉ có chủ thể này mới hội đủ các điều kiện để giải quyết 3 điểm nghẽn lớn nhất là nguồn vốn cho đầu tư sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ hàng hóa và ứng dụng khoa học công nghệ để  nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh nông sản.

Theo các nhà phân tích, để thu hút đầu tư mạnh mẽ của khu vực tư nhân vào phát triển nông nghiệp, cần quan tâm đến các giải pháp: Trước hết, Chính phủ và các Bộ, ngành cần hoàn thiện các chính sách khuyến khích cụ thể đối với khu vực tư nhân có chính sách phát huy vai trò của Nhà nước và tư nhân bao gồm cả các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân thông qua việc tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư.  Theo đó, Nhà nước trực tiếp quản lý, thiết lập các quy chuẩn; công khai quy hoạch và chính sách trực tiếp đến doanh nghiệp và người nông dân. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình triển khai, vận động người dân tham gia vàò các dự PPP. Dưới sự bảo hộ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân có cam kết cụ thể bằng văn bản.

Chính sách khuyến khích cần hướng vào đơn giản hóa quy trình thủ tục đầu tư, đẩy nhanh quá trình triển khai thực hiện và không phân biệt đối xử giữa các khu vực (công, tư và đầu tư trực tiếp nước ngoài...). Từ những khó khăn trong bước dầu khởi tạo PPP, chính sách ưu đãi về về đất đai, thuế và tín dụng cần đủ mạnh để thu hút đầu tư phát triển cơ sơ hạ tầng đầu mối; ưu đãi đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ khoa học công nghệ cho doanh nghiệp và xây dựng quy định về quản lý chất lượng hàng hóa nông sản; thương hiệu quốc gia và hỗ trợ phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành thông tư số 14/2017/TT-BNNPTNTthực hiện một số nội dung về đầu theo hình thức PPP trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, trong chỉ dạo thực thi hướng dẫn này cần nhấn mạnh đến đặc thù, sự khác biệt của các dự án PPP trong nông nghiệp đồng thời cung cấp các hướng dẫn về lập kế hoạch và thực hiện dự án ở cả cấp quốc gia và địa phương.

PPP nông nghiệp cần bao hàm đầy đủ và chi tiết về lĩnh vực dự án đầu tư. Để thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị thuận lợi, hiệu quả cần đặc biệt quan tâm tâm đến mối quan hệ liên ngành trong các dự án có nhiều doanh nghiệp tham gia, Theo đó, nghiên cứu thành lập cơ quan quản lý nhà nước về PPP có đủ năng lực thực hiện đàm phán ký kết các hợp đồng PPP, hỗ trợ địa phương hay giải quyết các vấn đề vướng mắc có liên quan. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết trước khi mời gọi nhà đầu tư cho từng dự án cụ thể.

Hợp tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp đang được triển khai dưới nhiều góc độ tích cực, năng động phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam

Thay lời kết luận

Trong bối cảnh đất nước với môi trường kinh doanh nông nghiệp chưa thuận lợi, còn nhiều bất cập về đất đai, thuế, tín dụng; đặc biệt, cơ chế chính sách chưa thực sự đồng bộ, đầu tư nông nghiệp còn nhiều rủi ro. Từ những ưu thế của đối tác công-tư trong hợp tác chia sẻ, sử dụng hiệu qủa tổng hợp tiền vốn và các nguồn lực xã hội, phát triển mở rộng PPP trong nông nghiệp có thể là hình thức đầu tư chủ yếu và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Đầu tư theo cơ chế PPP là giải pháp quan trọng và cần thiết nhằm tăng cường hiệu quả, huy động tối đa nguồn lực xã hội và vai trò quản lý của nhà nước để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam

Mặc dù đã được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng do đặc thù của ngành nông nghiệp hình thức này vẫn chưa mang lại hiệu quả tương xứng. Từ những tồn tại hạn chế đã được phân tích và những kinh nghiệm rút ra qua xu thế phát triển thành công ở những quốc gia đi trước, hy vọng sẽ được các nhà hoạch định chính sách tham khảo, đề xuất những chủ trương thiết thực nhằm hoàn thiện và thống nhất khung pháp lý cơ bản, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư và triển khai các dự án PPP, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững nông nghiệp trong thời gian tới.

TS. Lê Thành Ý - ThS. Vương Xuân Nguyên

(Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam)

Nguồn: http://khoe365.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: nông nghiệp

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 196

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 195


Hôm nayHôm nay : 49356

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 103892

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 60425849