Ai một lần tới Đồng Văn thì sẽ thấu hiểu và cảm thông với những khó khăn, vất vả của bà con các dân tộc nơi đây cũng như những gian khó mà cán bộ, công chức, viên chức nơi này thường gặp trong quá trình công tác, quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nằm trọn trong Công viên địa chất toàn cầu, Đồng Văn có địa hình phức tạp, dân cư ở không tập trung, kinh tế của nhân dân vô cùng khó khăn, trình độ dân trí thấp, một số hủ tục lạc hậu vẫn còn len lỏi tồn tại... Bên cạnh những khó khăn chung của địa phương, Trung tâm Dạy nghề Đồng Văn luôn phải đối mặt với một số khó khăn còn tồn tại như đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu, biên chế giáo viên các ngành chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo của xã hội; trang thiết bị vật tư phục vụ cho học tập cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, không chỉ thiếu về số lượng mà những thiết bị, vật tư tiên tiến cũng tương đối thiếu,... Những hạn chế, khó khăn của người dân cũng là những thách thức không nhỏ dành cho cán bộ, giáo viên Trung tâm; sự thiếu thốn về kinh tế và trình độ dân trí chưa cao của bà con các dân tộc khiến công tác đào tạo và vận động đi học cũng luôn là công việc vất vả đối với mỗi cán bộ làm công tác tuyển sinh cũng như giảng dạy. Bên cạnh đó, hỗ trợ của Nhà nước dành cho học viên chưa thu hút được họ nhiệt tình tham gia; học xong, cơ hội việc làm được tạo ra từ phía Nhà nước còn hạn chế...
Ông Hoàng Văn Mức, Phó giám đốc Trung tâm, cho biết: Khó khăn là vậy nhưng được sự quan tâm của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và sự giúp đỡ của các cấp ngành, đặc biệt là của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Văn luôn bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, bám sát định hướng phát triển kinh tế của địa phương để xây dựng những kế hoạch đào tạo sao cho phù hợp, sát với thực tế. Những năm qua, chúng tôi đã linh hoạt trong việc mở lớp, trong việc sắp xếp thời gian học nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên; có nhiều phương án, nhiều địa điểm dạy và học được triển khai như mở lớp dạy tại trung tâm, hoặc mở lớp tại các thôn bản, mở lớp dạy và học lưu động,... Tính từ năm 2010 tới nay, Trung tâm đã đào tạo được 6.499 học viên; trong đó nhóm nghề nông nghiệp đào tạo được 3.954 học viên, chiếm trên 60%; nghề phi nông nghiệp 2.545 học viên. Đáng mừng hơn cả là, tỷ lệ học viên sau đào tạo có công ăn việc làm cao, số người tự tạo việc làm cho thu nhập ổn định cũng đang phát huy rất tốt; số lao động đào tạo được làm việc đúng với nghề, sống được bằng nghề chiếm tỷ lệ trên 70%.
Hướng và cách đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Văn là gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương đồng thời mạnh đẩy mạnh đào tạo nghề phát huy giá trị các sản phẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn,… Hướng đi đã phù hợp lại được thực hiện bởi một tập thể đoàn kết, chúng ta tin tưởng rằng dù khó khăn đến mấy thì mọi nhiệm vụ được giao trung tâm đều hoàn thành để đồng hành cùng bà con đẩy mạnh phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao thu nhập và đảm bảo được thu nhập một cách bền vững.
Đình Hợi
nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn