17:07 EST Thứ bảy, 11/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại trong bối cảnh mới

Thứ hai - 15/05/2017 09:53
Yêu cầu tái cấu trúc ngành công nghiệp theo hướng hiện đại ngày càng trở nên quan trọng trong điều kiện thế giới hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại một cách thực chất các ngành công nghiệp. Thông qua việc chỉ ra các “nút thắt”, rào cản trong phát triển công nghiệp của Việt Nam, bài viết đưa ra những giải pháp nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp hiệu quả thời gian tới.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Phát triển công nghiệp - Những thành công và hạn chế

Ở Việt Nam, chính sách phát triển công nghiệp được đặt trong định hướng công nghiệp chung của quốc gia, đó là quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) chứng kiến bước ngoặt có tính lịch sử quan trọng, đột phá về đổi mới tư duy, trong đó có tư duy về định hướng phát triển công nghiệp.

Năm 1994, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII tiếp tục ban hành Nghị quyết 07-NQ/HNTW về phát triển công nghiệp, công nghệ đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn mới.

Các kỳ Đại hội Đảng sau đó tiếp tục khẳng định tầm quan trọng phát triển công nghiệp trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước nói chung và kinh tế nói riêng. Nghị quyết Đại hội Đảng lần XII nêu rõ: Cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng và Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã thể chế hóa thành khoảng 300 văn bản quy phạm pháp luật bao quát khá đầy đủ các nội dung có liên quan đến chính sách công nghiệp quốc gia.

Đặc biệt, từ khi Việt Nam gia nhập WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA), chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế, trong đó có đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng đã liên tục được bổ sung, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước cũng như đáp ứng đòi hỏi của bối cảnh mới.

Nhìn lại sự phát triển công nghiệp Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, nhất là trong 10 năm trở lại đây có thể thấy, sự phát triển công nghiệp đã có tác động tích cực đến sự tăng trưởng của nền kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị gia tăng công nghiệp tăng trưởng liên tục trong nhiều năm.

Giai đoạn từ 1991 đến 2011, công nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao, mức bình quân 10 năm trở lại đây đạt 15,09%/năm, khẳng định vị thế của công nghiệp trong thời kỳ hội nhập và phát triển, đóng góp vai trò ngày càng cao cho phát triển kinh tế.

Đáng chú ý, lĩnh vực công nghiệp đạt được tăng trưởng trải đều ở cả 3 khu vực: Nhà nước, ngoài Nhà nước và đầu tư nước ngoài. Trong đó, khu vực ngoài Nhà nước tăng trưởng cao đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong chuyển dịch cơ cấu các thành phần kinh tế, tăng tính chủ động của các doanh nghiệp (DN) trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Số liệu của Ban Kinh tế Trung ương đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” cho thấy, trong 10 năm qua (2006-2015), tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,42 lần. Tỷ trọng GDP công nghiệp cũng duy trì ổn định khoảng 31-32%/tổng GDP của cả nước.

Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Trong nhiều năm, lĩnh vực công nghiệp có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân. Tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp giai đoạn từ 2006-2015 bình quân đạt 6,9%/năm (giai đoạn 2006-2010 là 5,9%/năm và giai đoạn 2011-2015 là 7,9 %/năm).

Sau gần 10 năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng gần 3,5 lần. Cơ cấu xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chuyển dịch tích cực, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm tỷ trọng chủ yếu và tăng liên tục (năm 2007 chiếm 78%, năm 2015 tăng lên chiếm 97,3%). Ngoài ra, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, riêng năm 2016, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5% so với năm 2015.

Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%, đóng góp 7,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm…

Có thể nói, lĩnh vực công nghiệp đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Sản phẩm công nghiệp phát triển ngày càng đa dạng và phong phú hơn về chủng loại, chất lượng được cải thiện, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo cung cầu của nền kinh tế, giữ vững thị trường trong nước.

Không chỉ sản xuất, cung ứng đảm bảo nhu cầu những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất của các ngành kinh tế khác và tiêu dùng của nhân dân, mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, các loại sản phẩm công nghiệp ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước.

Phát triển công nghiệp trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập siêu trong nước. Trong đó, phải kể đến đóng góp ngày càng lớn của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vào đầu tư phát triển công nghiệp của đất nước.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển nhiều ngành công nghiệp và sản phẩm mới, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, như: Dầu khí, điện tử, thép, ximăng… làm tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế quốc dân nhờ có cơ cấu kinh tế tiến bộ hơn.

Giai đoạn 2011 - 2016 có thêm nhiều dự án quy mô lớn, với số vốn đầu tư từ 1 tỷ USD trở lên, đưa Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao của thế giới, như điện thoại di động, máy tính bảng, hàng điện tử...

Năm 2016 đã đóng góp trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó chủ lực là các mặt hàng chế biến, chế tạo, có giá trị gia tăng cao. Nhờ vậy, khu vực FDI vừa bù đắp được nhập siêu của DN trong nước, vừa tạo ra xuất siêu gần 3 tỷ USD, đóng góp khoảng 20% thu nội địa và 20% GDP.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển công nghiệp cũng đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung, điển hình như:

Một là, hệ thống chính sách và chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả dù hiện nay, các chính sách được ban hành khá nhiều. Ngoài một số ít chính sách có hiệu quả, có tác động lan tỏa và tạo sự đột phá, thì vẫn còn không ít chính sách được ban hành còn chưa kịp thời và ít tác dụng thực tiễn.

Hai là, thực tiễn, công nghiệp nước ta đang ở trình độ thấp, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, nội lực còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các DN FDI, sự liên kết giữa các DN FDI với các DN trong nước còn hạn chế. Hiện nay, giá trị gia tăng thấp trong nhiều ngành xuất khẩu sản xuất. Hầu hết phụ kiện phải nhập khẩu. Ngành công nghiệp phụ trợ dù đã được quan tâm, hỗ trợ đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra…

Ba là, tăng trưởng sản xuất công nghiệp thiếu bền vững. Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong vòng 6 năm qua.

Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,3%, đóng góp 5,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,4%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 11,4%, làm giảm 2,5 điểm phần trăm mức tăng chung… Nhìn lại năm 2016, có thể thấy chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng không cao, chỉ khoảng 7,5%. Nhóm ngành khai khoáng giảm sâu ở mức 5,9%, làm giảm 1,3 điểm phần trăm mức tăng chung. Như vậy, mức tăng trưởng của năm 2016 và quý I/2017 đều khá thấp so với các năm trước đó.

Bốn là, năng suất lao động công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến - chế tạo ở mức thấp. Tốc độ tăng năng suất lao động của ngành Công nghiệp giai đoạn 2006-2015 khoảng 2,4%/ năm, tốc độ tăng chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%. So với các quốc gia trong khu vực, năng suất lao động công nghiệp của Việt Nam, nhất là năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn khá thấp (Malaysia có mức năng suất lao động ngành chế biến chế tạo cao gấp 6,4 lần, Thái Lan cao gấp 6,4 lần, Philippine cao gấp 3,6 lần...).

Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ngành công nghiệp vẫn còn khá thấp, gia tăng vốn và lao động vẫn đóng góp chủ yếu, đóng góp của yếu tố công nghệ đối với tăng năng suất của ngành chế biến, chế tạo chỉ chiếm khoảng 11,1%. Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội Đảng lần XII đặt mục tiêu TFP đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm... trở thành thách thức không nhỏ đối với ngành công nghiệp hiện nay.

Năm là, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp trên cả nước chưa hợp lý. Hiện nay phân bố không gian công nghiệp đã bước đầu được hình thành theo hướng khai thác lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng của các địa phương. Tuy nhiên, có thể nhận thấy là không gian phát triển công nghiệp giai đoạn này được hình thành một cách tự nhiên theo thế mạnh của các địa phương, mà chưa có sự phân bố hợp lý trên phạm vi toàn quốc.

Định hướng phát triển công nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đã xác định những định hướng chủ yếu cho phát triển công nghiệp Việt Nam, theo đó, xác định đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế…

Chiến lược này cũng đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp đến năm 2020 đạt 6,5-7,0%/năm, giai đoạn 2021-2025 đạt 7,0-7,5%/năm và giai đoạn 2026 - 2035 đạt 7,5-8,0%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 12,5-13,0%/năm, giai đoạn 2021-2025 đạt 11,0-12,5%/năm và giai đoạn 2026-2035 đạt 10,5-11,0%/năm. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 42-43%, năm 2025 chiếm 43-44% và năm 2035 chiếm 40-41% trong cơ cấu kinh tế cả nước.

Tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu/tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 85-88%, sau năm 2025 đạt trên 90%. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt khoảng 45% tổng GDP, sau năm 2025 đạt trên 50%. Chỉ số ICOR công nghiệp giai đoạn 2011-2025 đạt 3,5-4,0%; giai đoạn 2026 - 2035 đạt 3,0-3,5%...

Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) nêu rõ: “Xây dựng và thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia, tạo khuôn khổ chính sách đồng bộ, trọng tâm, đột phá hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”.

Ngày 21/2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 27/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn, nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó cũng đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại một cách thực chất các ngành công nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các DN tư nhân trong các ngành công nghiệp ưu tiên theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách khuyến khích DN tư nhân lớn đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm và thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế; Phát triển và nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu về công nghiệp Việt Nam (bao gồm cả hệ thống cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ); Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và thực hiện hiệu quả các quy định về khuyến công, nhằm phát triển bền vững công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn gắn với bảo vệ môi trường…

Trong bối cảnh hiện nay khi thế giới đang hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chiến lược phát triển công nghiệp ở Việt Nam cũng cần phải gắn với xu thế này. Theo nhận định của Công ty ReedTradex (Thái Lan), hiện trình độ sản xuất tại Việt Nam đang ở giai đoạn công nghiệp 2.0 và công nghiệp 3.0, sản xuất chính vẫn ở trình độ thấp do thiếu hụt công nghệ mới, thông tin, cơ sở hạ tầng.

Do vậy, công nghiệp của Việt Nam cần hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bởi việc áp dụng công nghiệp 4.0 sẽ giúp DN sản xuất công nghiệp giảm 3,6% chi phí hoạt động và tăng hiệu suất 4,1% trong một năm. Trước mắt, cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghệ cao nhằm phát huy tiềm năng các mặt hàng có thế mạnh sản xuất trong nước; Tái cơ cấu ngành Công Thương mạnh mẽ hơn để tạo ra một số sản phẩm thế mạnh của Việt Nam…

Một số khuyến nghị về chính sách

Để tiếp tục thực hiện chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2035 và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, việc xây dựng khung khổ chính sách, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp một cách thực chất, đồng bộ, hiệu quả là hết sức cần thiết. Theo đó, cần chú trọng triển khai một số giải pháp sau:

Một là, đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận trong xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia, chú trọng tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Theo đó, cần đổi mới tư duy khi xây dựng chính sách thay vì chỉ tiếp cận theo hướng “đưa chính sách vào cuộc sống” cần kết hợp đồng bộ với “đưa cuộc sống vào chính sách”, tức là, trên cơ sở các định hướng và mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn, phải xuất phát từ những đòi hỏi của cuộc sống để ban hành những chính sách phù hợp. Chẳng hạn, các ưu đãi đề xuất cần phải được cân nhắc kỹ, căn cứ vào nguồn lực, để sau khi ban hành, chính sách có thể triển khai thực hiện được.

Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách phát triển công nghiệp của các quốc gia trên thế giới cho thấy: Quá trình phát triển công nghiệp đều theo các giai đoạn tuần tự, phát triển những ngành có lợi thế cạnh tranh, trong đó ngành cơ khí có vai trò quan trọng đối với mọi nền công nghiệp.

Nhiều chính sách công nghiệp thành công đều tạo ra một môi trường thuận lợi để thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển theo định hướng trên cơ sở phân bố các nguồn lực hợp lý, theo cơ chế thị trường; dựa trên các trụ cột về khoa học công nghệ và nguồn nhân lực, với sự tham gia của các thành phần kinh tế dưới sự định hướng và dẫn dắt của nhà nước.

Bên cạnh đó, chính sách phát triển cũng cần phải tạo điều kiện cho DN Việt Nam kết nối có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước tạo lập được thương hiệu riêng. Nhà nước tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ cần thiết cho công nghiệp tăng trưởng nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường, đẩy mạnh cạnh tranh, đồng thời hạn chế những khiếm khuyết do cơ chế thị trường đem lại.

Hai là, rà soát, điều chỉnh chính sách phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn. Việc rà soát, đánh giá chính sách công nghiệp hiện hành, hoàn thiện lý luận về chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam đặt trong lộ trình trung và dài hạn, bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong cấu trúc mới của quá trình sản xuất công nghiệp toàn cầu, từ đó xác định định hướng chính sách phát triển công nghiệp đúng đắn, hiệu quả.

Việt Nam cần phát triển ngành công nghiệp theo hướng giảm phụ thuộc vào lợi thế cạnh tranh không bền vững, từ dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ, than đá, quặng…), chuyển dịch sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh, phát triển bền vững. Tuy nhiên, trước mắt vẫn dựa vào công nghiệp giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học công nghệ cao, tài nguyên khoáng sản…

Ba là, xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng gắn với công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư vào phát triển các ngành công nghiệp. Theo đó, xác định rõ vai trò của các thành phần kinh tế trong phát triển công nghiệp để định hướng chính sách phát triển phù hợp.

Tập trung kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án quan trọng trong danh mục dự án trọng điểm quốc gia kêu gọi FDI. Tiếp tục khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia tích cực hơn nữa vào thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo động lực cho DN tư nhân lớn mạnh.

Bốn là, phát triển công nghiệp hỗ trợ: lựa chọn các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn. Xây dựng cơ chế và chính sách ưu đãi cụ thể cho các khu, cụm công nghiệp chuyên sâu và khu, cụm công nghiệp hỗ trợ đối với một số ngành công nghiệp mũi nhọn, quan trọng như công nghiệp ô tô, sản phẩm điện tử, cơ khí...

Năm là, điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ: Tăng cường sự liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển các ngành công nghiệp. Ban hành chính sách khuyến khích hình thành các cụm liên kết ngành theo các lĩnh vực công nghiệp có lợi thế, đặc biệt tại các vùng công nghiệp lõi và công nghiệp đệm.

Xây dựng và triển khai các dự án phát triển công nghiệp quy mô vùng, ưu tiên các dự án phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao (cơ khí chế tạo, tin học, điện tử, thông tin truyền thông...).

Sáu là, đẩy mạnh phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường; Thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Tiếp tục chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, DN và sản phẩm Việt Nam, tận dụng hiệu quả thị trường, nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế.

Xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường…

Bảy là, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp. Xây dựng và phát triển đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cả cán bộ quản lý lẫn phục vụ phát triển các ngành công nghiệp. Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp ưu tiên theo từng giai đoạn cụ thể.

Ban hành hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đào tạo ở tất cả các cấp, trước mắt là tiêu chuẩn kỹ năng nghề theo chuẩn quốc tế. Đổi mới chương trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề. Kết hợp mạnh mẽ công tác nghiên cứu giữa các viện, trường, đặc biệt đội ngũ khoa học công nghệ với các cơ sở sản xuất để tăng hàm lượng trí tuệ và trình độ khoa học công nghệ trong sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam…

Theo tapchitaichinh.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: ngành công

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 254

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 253


Hôm nayHôm nay : 63221

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 445885

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 73492856