BÀI 2: Chưa đem lại lợi ích cho toàn dân
Bất bình đẳng trong việc đảm bảo các quyền về đất
Đối với hầu hết nông dân Việt Nam, đất đai là tư liệu sản xuất và cũng là tài sản cơ bản. Luật Đất đai hiện tại cho phép nông dân quyền sử dụng, chuyển giao, cho thuê, thừa kế, thế chấp, cho/tặng, và góp vốn. Theo đúng luật, nông dân phải được chính quyền cho phép để chuyển từ mục đích sử dụng đất nông nghiệp này sang mục đích nông nghiệp khác. Thời hạn giao đất bị hạn chế (đối với hộ gia đình và cá nhân canh tác cây hàng năm và nuôi trồng thuỷ sản, thời gian giao đất là 20 năm; và đối với cây lâu năm, đất rừng là 50 năm). Luật cũng đặt mức hạn điền cho mỗi hộ theo từng loại đất (hạn mức giao đất nông nghiệp ở miền Bắc và miền Trung là 4ha và ở miền Nam là 6ha, đối với cây lâu năm, mức hạn điền là 20ha ở vùng đồng bằng và 50ha ở vùng trung du và miền núi). Nói chung quyền sử dụng đất của nông dân bị hạn chế, chi phí giao dịch cao và thời gian tiến hành dài.
Người dân Văn Giang trong vụ cưỡng chế đất ngày 24.4.2012. Việc bồi thường không thoả đáng khiến người dân khiếu kiện.Ảnh: Chí Hiếu |
Trong khi đó, người sử dụng đất ở đô thị được hưởng lợi nhiều hơn từ cơ chế chính sách: không bị giới hạn về thời gian, quy mô, thủ tục giao dịch thuận lợi hơn, mức độ bồi hoàn cao hơn khi bị thu hồi, quy hoạch rõ ràng hơn, giá trị đất đai cao hơn, thế chấp vay vốn dễ hơn rất nhiều so với đất nông nghiệp.
Các nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thiệt thòi trong tiếp cận và sử dụng đất để đảm bảo sinh kế, đồng thời cũng là nhóm dễ bị tổn thương trước các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Đối với đối tượng này, vai trò của cộng đồng thôn bản là rất quan trọng, có nhiều dân tộc có tập quán quản lý đất đai theo cộng đồng (đất sản xuất hoặc đất rừng, sông suối, mặt nước…) Mặc dù luật Đất đai 2003 công nhận quyền quản lý và sử dụng đất của một số cộng đồng, nhưng cộng đồng lại không có quyền ngang bằng với cá nhân hay tổ chức trong chuyển đổi mục đích sử dụng, không được phép chuyển nhượng, trao đổi, cho thuê, cho tặng và thế chấp. Chính sách phát triển các nông lâm trường quốc doanh đã lấy đi rất nhiều diện tích đất của đồng bào một cách tuỳ tiện, không tính đến lịch sử về quyền sở hữu đất đai của họ.
Thất thu thuế đất làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng ở Việt Nam. Những người có khả năng tiếp cận với đất và bất động sản đang gia tăng tích luỹ của cải mà không phải đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước. Trong khi nông dân, nông thôn lại chịu thiệt thòi vì không được đầu tư bù đắp. |
Chưa hài hoà lợi ích giữa các đối tượng
Khi tiến hành thu hồi đất để xây dựng các dự án phát triển, phần địa tô tăng lên do chuyển đổi mục đích sử dụng chủ yếu làm lợi cho nhà đầu tư, chưa đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Hiệu quả của việc giao đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án sử dụng đất còn hạn chế. Nhiều quỹ đất có địa tô rất cao về vị trí, đầu tư kết cấu hạ tầng, độ phì… nhưng Nhà nước chưa thực hiện tốt vai trò điều tiết chênh lệch địa tô từ đất hình thành nhờ quy hoạch, đầu tư.
Ở Việt Nam, các loại thuế đất đai và bất động sản vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Thị trường đất và bất động sản thành thị có giá trị giao dịch khổng lồ, nhưng bộ Tài chính báo cáo thuế đất tại Việt Nam không phải là nguồn thu thuế đáng kể, đặc biệt cho ngân sách địa phương. So với các quốc gia khác, khoản thu từ thuế đất đai của Việt Nam khá thấp. Trong hai thập kỷ trở lại đây, mức độ đóng góp trung bình trong GDP từ thuế đất và nhà ở tại các nước có nền kinh tế phát triển (OECD) là 2%. Các nước đang phát triển khác cũng đạt 0,5%, và các nước chuyển đổi đạt 0,6%. Nếu tính riêng tiền thu từ thuế đất đai và nhà cửa của Việt Nam thì chỉ chiếm 0,07% GDP trong năm 2010. Theo tổng cục Thống kê, tổng các nguồn thu từ đất của Việt Nam chiếm khoảng 5 – 8% tổng thu ngân sách nhà nước, trong đó chủ yếu là thu tiền sử dụng đất.
Thất thu thuế đất làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng ở Việt Nam. Những người có khả năng tiếp cận với đất và bất động sản đang gia tăng tích luỹ của cải mà không phải đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước. Trong khi nông dân nông thôn lại chịu thiệt thòi vì không được đầu tư bù đắp.
Chính sách thu hồi đền bù chưa thực sự thoả đáng, hầu hết các dự án thu hồi đền bù chưa tính đến sinh kế lâu dài cho người nông dân mất đất. Thời gian qua, mặc dù Nhà nước và các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng đền bù, hỗ trợ giải quyết việc làm, nhưng 53% thu nhập của số hộ bị thu hồi đất bị giảm, và có tới 34,5% số hộ có điều kiện sống thấp hơn so với trước khi bị thu hồi đất. Nông dân bị thu hồi đất mất đi tư liệu sản xuất, nhưng thường chỉ được bồi thường bằng tiền. Đặc biệt, các dự án tái định cư thuỷ điện còn nhiều bất cập, tác động tiêu cực đến sinh kế một bộ phận lớn người dân tộc thiểu số. Ở nhiều nơi, việc đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư chưa quan tâm đúng mức đến phong tục, tập quán của người dân tộc, thiếu sự gắn bó với truyền thống văn hoá lâu đời của người dân bản địa.
Nhìn chung, trong thu hồi và bồi thường đất nông nghiệp, tình trạng bồi thường không công bằng, thiếu cơ chế phản ánh khiếu nại và xử lý tranh chấp, tiếng nói của người dân ít được coi trọng đang tạo nguy cơ lạm dụng, tham nhũng cao, gây nên tình trạng khiếu kiện, bất ổn xã hội ở nhiều nơi.
TS ĐẶNG KIM SƠN
VIỆN TRƯỞNG VIỆN CHÍNH SÁCH VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn