Những điểm tích cực
Xác định rõ các nguồn lực và tỷ lệ huy động của từng nguồn lực
Theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn ngân sách chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 40% tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiếp đến là vốn tín dụng (khoảng 30%), vốn từ các DN và các tổ chức kinh tế khác (khoảng 20%) và huy động đóng góp của cộng đồng dân cư (khoảng 10%).
Việc quy định tỷ lệ huy động từ các nguồn vốn như trên cho thấy vai trò của nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) trong xây dựng nông thôn mới là rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong phát triển nông thôn, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế - xã hội nông thôn Việt Nam đang có nhiều thay đổi (do quá trình thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế nói chung và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp, nông thôn nói riêng).
Vai trò của nguồn vốn tín dụng trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, các dự án phát triển sản xuất ở địa phương cũng được chú trọng với tỷ lệ vốn đầu tư được xác định khoảng 30%. Nguồn vốn tín dụng được huy động vào xây dựng nông thôn mới thông qua kênh tín dụng đầu tư phát triển nhà nước và tín dụng thương mại. Vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước được thực hiện thông qua Chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn.
Ngoài ra, các DN đầu tư ở khu vực nông thôn có dự án thuộc danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư hoặc có hợp đồng xuất, nhập khẩu các mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng vay vốn tín dụng xuất khẩu sẽ thuộc đối tượng hưởng chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu theo Nghị định 75/2011/ NĐ-CP ngày 30/8/2011 sẽ được hỗ trợ lãi suất.
Nguồn vốn thực hiện tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước khá đa dạng, bao gồm nguồn vốn từ NSNN, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi, nguồn vốn huy động (trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, các loại trái phiếu, kỳ phiếu của Ngân hàng phát triển Việt Nam…) và vốn nhận ủy thác (của chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cho vay các dự án đầu tư phát triển, các chương trình xuất khẩu hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan ủy thác). Bên cạnh đó, một số đối tượng ở nông thôn cũng là đối tượng cho vay của một số chương trình cho vay theo chính sách của Ngân hàng chính sách xã hội như cho vay hộ nghèo, cho vay vốn đi xuất khẩu lao động, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Ngoài ra, NSNN hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/ QĐ-TTg ngày 14/11/2013.
Vốn tín dụng thương mại được thực hiện thông qua chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010. Theo đó nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gồm: (i) Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng và các tổ chức cho vay khác; (ii) Vốn vay, vốn nhận tài trợ, ủy thác của các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước; (iii) Nguồn vốn ủy thác của Chính phủ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; (iv) Vốn vay Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng, tổ chức tài chính thực hiện cho vay các đối tượng chính sách, các chương trình kinh tế của Chính phủ ở nông thôn, được Chính phủ bảo đảm nguồn vốn cho vay từ ngân sách chuyển sang hoặc cấp bù chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng. Đặc biệt, phạm vi và đối tượng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được mở rộng, mức cho vay tối đa không phải đảm bảo bằng tài sản được nâng lên so với quy định tại Quyết định 67/1999/QĐ-TTg ngày 30/3/1999 và Quyết định 148/1999/QĐ-TTg ngày 07/7/1999 sửa đổi bổ sung Quyết định 67/1999/QĐ-TTg ngày 30/3/1999 về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Về huy động nguồn lực từ DN, nhằm khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013/ NĐ-CP ngày 19/12/2013. Theo đó, DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước thông qua chính sách về đất đai như miễn, giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; được hỗ trợ thuê đất, mặt nước của hộ gia đình, cá nhân; được miễn, giảm tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ngoài ra còn được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển thị trường, trong đó hỗ trợ chi phí quảng cáo đến 70%, được hỗ trợ dịch vụ tư vấn, hỗ trợ áp dụng khoa học và công nghệ, hỗ trợ cước phí vận tải…
Việc quy định tỷ lệ huy động đóng góp từ cộng đồng dân cư thấp thể hiện mức độ “khoan thư sức dân” khi đời sống của người dân khu vực nông thôn hiện còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, “chính quyền địa phương không quy định bắt buộc nhân dân đóng góp, chỉ vận động bằng các hình thức thích hợp để nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Nhân dân trong xã bàn bạc mức tự nguyện đóng góp cụ thể cho từng dự án, đề nghị Hội đồng nhân dân xã thông qua” (khoản 3, mục VI của Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010). Như vậy, người dân có sự chủ động trong việc huy động đóng góp nguồn lực và tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi cũng được ưu tiên sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Điều này được khẳng định tại điểm 4, điều 7, Nghị định 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013.
Các hình thức huy động đa dạng:
Đối với nguồn hỗ trợ từ ngân sách bao gồm: các nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình; ngân sách tỉnh hỗ trợ; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án. Nguồn vốn tín dụng được huy động chủ yếu thông qua hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng phát triển Việt Nam. Vốn huy động từ DN được thực hiện chủ yếu thông qua hình thức hỗ trợ tiền mặt hoặc sản phẩm của DN (như xi măng, sắt thép, gạch, ngói...), tham gia đầu tư trực tiếp. Các hình thức huy động từ cộng đồng bao gồm tiền mặt; hiện vật (như đất đai, hoa màu và các tài sản gắn liền với đất…) ngày công lao động, và các hình thức xã hội hoá khác...
Cơ chế huy động linh hoạt và theo hướng đa dạng hóa các nguồn vốn:
Cơ chế huy động linh hoạt đã tạo sự chủ động cho các địa phương trong huy động nguồn lực. Nhiều địa phương đã vận dụng chính sách của Trung ương để ban hành thêm nhiều cơ chế, chính sách phù hợp với địa phương như chính sách cấp xi măng để dân tự làm đường (Thái Bình, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình), chính sách hỗ trợ lãi suất để khuyến khích nông dân vay chuyển đổi cơ cấu sản xuất (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng) hoặc mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp (An Giang, Đồng Tháp, Thái Bình), chính sách phát triển mỗi làng một sản phẩm (Quảng Ninh) hay xây dựng cơ chế vốn mồi nhằm lôi cuốn, kích thích nguồn vốn huy động đóng góp từ các cá nhân, tổ chức kinh tế trên địa bàn (Đồng Nai, Thái Bình)…
Những hạn chế và thách thức
Theo Báo cáo tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tháng 5/2014, thực tế triển khai thực hiện Chương trình trong 3 năm (2011- 2013) đã huy động được hơn 485.000 tỷ đồng. Trong đó, NSNN chiếm 33,4%, vốn tín dụng 47,7%, vốn huy động từ các DN 6% và dân đóng góp chiếm 12,9%. Ngoài ra, trong giai đoạn 2014-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ thêm 15.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ, trong đó bố trí cho năm 2014 là 4.765 tỷ đồng. Bên cạnh những ưu điểm trong quá trình triển khai chương trình, một số hạn chế cũng đã bộc lộ, bao gồm:
Quy mô huy động nguồn lực giữa các năm không ổn định, cơ cấu các nguồn lực huy động chưa đạt mục tiêu đề ra:
- Quy mô huy động giữa các năm không ổn định: Năm 2012, huy động tăng 40% so với năm 2011 nhưng sang năm 2013 quy mô huy động lại giảm 17,6% so với năm 2012.
- Xét về cơ cấu nguồn lực, nguồn huy động từ NSNN và từ DN đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Hai nguồn vốn còn lại là nguồn vốn tín dụng và huy động từ dân cư có tỷ lệ huy động đạt cao hơn so với mục tiêu đề ra. Nguồn vốn tín dụng chiếm tỷ lệ cao nhất (47,7%), cao hơn so với mục tiêu (30%).
Khi xem xét cơ cấu của từng nguồn vốn theo năm cho thấy, nguồn NSNN trong 3 năm 2011-2013 cơ bản ổn định trong khi vốn lồng ghép và vốn huy động từ DN, đóng góp của cộng đồng dân cư vào Chương trình có xu hướng giảm. Riêng chỉ vốn tín dụng là có xu hướng tăng rõ rệt trong cơ cấu nguồn vốn huy động cho Chương trình.
Nguồn ngân sách trung ương bố trí cho Chương trình trong 3 năm qua còn chưa đảm bảo theo cam kết. Nguồn ngân sách trung ương mới đạt khoảng 30% so với kế hoạch phân bổ được Quốc hội thông qua cho cả giai đoạn 2011-2015), nguồn vốn hỗ trợ chuyển về còn chậm đã ảnh hưởng tới kế hoạch và tiến độ triển khai thực hiện.
Cơ chế lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án chưa rõ ràng và chưa quan tâm tới đặc thù từng địa phương. Thực tế các địa phương mới chỉ tiến hành ghép vốn đối với các công việc, mục tiêu có cùng nội dung. Tuy nhiên, điều này lại gây khó trong tổng hợp kết quả đạt được của từng dự án, chương trình từ việc ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn. Ngoài ra, thực tế mức độ lồng ghép vốn giữa các địa phương cũng khác nhau như đồng bằng sông Hồng tỷ lệ vốn lồng ghép trong tổng vốn huy động được 3 năm qua đạt 12,86% nhưng ở vùng Đông Nam Bộ thì con số này chỉ là 1,82%.
Nguyên nhân của những hạn chế
- Chương trình được triển khai thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những yếu kém nội tại chưa được giải quyết, dẫn đến khả năng huy động vốn hạn chế.
- Năng lực tham gia thị trường tín dụng nông thôn của nông dân còn hạn chế do trình độ và khả năng tiếp cận nguồn vốn. Các tổ chức tín dụng chưa quan tâm, chú trọng đến phát triển hoạt động tín dụng ở thị trường nông thôn.
- Việc cải thiện môi trường đầu tư ở khu vực nông thôn còn hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng mặc dù đã được quan tâm nhưng nhiều nơi còn yếu kém, trình độ lao động khu vực nông thôn chưa cao nên việc thu hút vốn đầu tư cũng như sự tham gia của DN vào xây dựng nông thôn mới còn hạn chế.
- Sự phối hợp của các cấp, các ngành còn thiếu kịp thời, chặt chẽ nên ảnh hưởng đến định hướng đầu tư và huy động vốn.
Vấn đề đặt ra
Xây dựng và phát triển nông thôn mới là một quá trình lâu dài và cần có một chiến lược, kế hoạch huy động nguồn lực cụ thể. Do đó, để đảm bảo thực hiện tốt việc huy động nguồn lực cho Chương trình cần chú trọng những điểm sau:
Thứ nhất, về tính bền vững trong huy động nguồn lực: Cần xác định lại vai trò, vị trí của chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới để xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước. Theo đó cần sửa đổi các quy định về phân cấp nguồn thu ngân sách cho địa phương trên cơ sở phân cấp nhiệm vụ chi tại Luật NSNN theo hướng tăng thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phân cấp nguồn thu.
Thứ hai, về tính hiệu quả trong huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới nói riêng và thu ngân sách địa phương nói chung: Để đảm bảo tính hiệu quả trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới thì nguồn lực ngân sách trung ương hỗ trợ cần phải được đảm bảo về mức và thời hạn theo cam kết. Đối với các nguồn lực khác thời điểm huy động cũng là yếu tố cần xem xét nghiên cứu để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi trong thực hiện huy động (vì không thể huy động nhân dân đóng góp vào thời điểm mất mùa, thất bát…).
Thứ ba, về tính công khai trong huy động nguồn lực cần được đảm bảo: Việc công khai huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới vừa đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch cho người dân, vừa tạo ra cơ hội cho họ quyền tiếp cận với các quyết định sử dụng nguồn lực hiệu quả.
Thứ tư, về tính cân đối phù hợp: Vấn đề này hàm ý cần có sự gắn kết giữa nguồn lực huy động và việc sử dụng nguồn lực. Đối với những công trình, lĩnh vực đầu tư xây dựng nông thôn mới đòi hỏi vốn lớn và ít có khả năng xã hội hoá cao cần phải được huy động và tài trợ từ các nguồn ngân sách, viện trợ, còn ngược lại cần được tiến hành huy động thông qua cơ chế đối ứng hay vay.
Một số kiến nghị
Xây dựng và phát triển nông thôn mới là một quá trình lâu dài và cần có một chiến lược, kế hoạch huy động nguồn lực cụ thể. Do đó, để đảm bảo thực hiện tốt việc huy động nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cần chú trọng những điểm sau:
Thứ nhất, ngân sách trung ương cần đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình theo cam kết cũng như đảm bảo nguồn vốn được cấp đúng thời gian để bảo đảm tiến độ thực hiện Chương trình. Đẩy nhanh việc thực hiện giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ thực hiện Chương trình năm 2014 theo Quyết định 195/QĐ-TTg ngày 25/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, tăng cường nguồn thu cho ngân sách địa phương thông qua việc xác định lại nguồn thu phân cấp cho các địa phương trên cơ sở Luật NSNN sửa đổi. Đồng thời tăng cường nguồn thu cho ngân sách địa phương từ đất thông qua rà soát xác định quỹ đất, tạo quỹ đất sạch để thực hiện đấu giá; tăng cường công tác đấu giá quyền sử dụng đất và thu hẹp đối tượng giao đất; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thứ ba, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thông qua: (i) đơn giản hóa thủ tục hành chính về cho vay, nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt đối tượng, phạm vi và điều kiện cho vay, tạo thuận lợi cho người dân trong vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp; (ii) đa dạng hóa sản phẩm tín dụng và phát triển bảo hiểm nông nghiệp…
Thứ tư, cải thiện môi trường đầu tư ở nông thôn thông qua tăng đầu tư từ NSNN cho phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở các vùng khó khăn. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người dân nông thôn, gắn với nhu cầu thiết thực của người dân. Từ đó nâng cao khả năng kinh tế của người dân nông thôn nhằm tăng mức đóng góp trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thứ năm, thực hiện tốt Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 15/7/2014 về tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Công văn số 1447/TTg-KTN ngày 13/8/2014 về huy động vốn góp của dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo việc huy động vốn thực hiện Chương trình linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với từng địa phương.
Ngoài ra, cần quan tâm tới vai trò của các tổ chức đoàn thể trong huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Quan tâm thu hút sự hỗ trợ nguồn lực từ bên ngoài thông qua việc xây dựng công khai, kế hoạch về các dự án cụ thể theo từng năm để huy động nguồn lực cho xây dựng Chương trình nông thôn mới.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Minh Yến (2013) Xây dựng nông thôn mới, khảo sát và đánh giá;
2. Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TW 6 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
3. Đoàn Xuân Thuỷ (2011), Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay;
4. Chu Tiến Quang (2005) Huy động và sử dụng các nguồn lực trong phát triển kinh tế nông thôn: Thực trạng và giải pháp.
Theo tapchitaichinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn