02:45 EST Thứ tư, 27/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Tăng cường tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận về công tác cán bộ trong tình hình mới

Thứ hai - 19/06/2017 11:21
Công tác cán bộ là vấn đề then chốt của then chốt trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa rất quan trọng quyết định sự thành bại của cách mạng. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta càng phải nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc hơn ý nghĩa quan trọng, tính chất phức tạp của vấn đề cán bộ và công tác cán bộ. Có rất nhiều vấn đề mới đặt ra, đòi hỏi phải có quan điểm và phương pháp đánh giá đúng thực trạng, phân tích nguyên nhân, có biện pháp giải quyết kịp thời, đồng thời hoạch định chính sách lâu dài và cơ bản. Tuy nhiên, việc tổng kết thực tiễn, đặc biệt là công tác nghiên cứu lý luận về vấn đề này còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt các đồng chí Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt các đồng chí Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Thực tế cho thấy, tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận về công tác cán bộ là đòi hỏi tất yếu khách quan trong quá trình phát triển đất nước. Muốn có được các cơ chế, chính sách cán bộ phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, có khả năng đi vào cuộc sống, cần phải đầu tư nghiên cứu cơ bản, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận một cách khoa học, bài bản. Như vậy mới có thể xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu, mới có thể “có lãi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”(1).

Mối quan hệ giữa tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận trong công tác cán bộ

Việc tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận về công tác cán bộ có mối quan hệ biện chứng với nhau. Thực tiễn là hoạt động hiện thực khách quan, mang tính năng động, sáng tạo của con người trong đời sống xã hội nên rất đa dạng, phong phú. Tổng kết thực tiễn là hoạt động nhằm tìm ra những quy luật, những điểm chung, những nhân tố tích cực, những tác động tiêu cực, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, những giải pháp thúc đẩy tính tích cực và hạn chế tiêu cực hoặc để thay đổi cách làm nhằm đạt hiệu quả nhất, tìm ra xu hướng khách quan để chỉ đạo hành động thực tiễn.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tổng kết thực tiễn là cơ sở của nghiên cứu lý luận. Mọi lý luận phải thông qua thực tiễn để kiểm chứng. Thực tiễn là tiêu chuẩn chân lý của lý luận. C.Mác nói rằng, “vấn đề tìm hiểu xem tư duy con người có thể đạt đến chân lý khách quan không hoàn toàn không phải là vấn đề lý luận mà là vấn đề thực tiễn. Chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lý”(2). V. Lê-nin từng đề cập tới mối quan hệ biện chứng trong nhận thức chân lý, theo đó “từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn - đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức thực tại khách quan”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”(4). Tổng kết, khái quát kinh nghiệm thực tiễn chính là sự tích lũy dần về lượng để bổ sung, hoàn thiện và phát triển thêm độ sâu sắc của lý luận. Người lưu ý cán bộ, đảng viên, “từ nay, công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới. Có như thế thì người mới có tài, tài mới có dụng”(5).

Chỉ rõ quan hệ biện chứng giữa tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”, “thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin”(6). Bác Hồ đã vận dụng tốt các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và lý luận “dùng người” linh hoạt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ. Người cho rằng, cần có phương pháp khách quan, toàn diện trong việc xem xét, đánh giá cán bộ, tránh cứng nhắc, hời hợt. Khi xem xét cán bộ không nên chỉ nhìn bề ngoài, xem trong một lúc, một việc mà phải xem xét một cách toàn diện, suốt cả quá trình trưởng thành, phát triển của họ, những lúc gặp khó khăn cũng như lúc thuận lợi.

Có thể nhận thấy rõ, thực tiễn về công tác cán bộ phong phú, đa dạng hơn nhiều so với lý luận; việc tổng kết thực tiễn triển khai công tác cán bộ có vai trò rất quan trọng trong phát triển lý luận về công tác này. Nếu không nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thì không có được những căn cứ khoa học, nguyên tắc, quan điểm, phương pháp…, để trên cơ sở đó xây dựng những tiêu chuẩn, tiêu chí, quy định, quy trình… công tác cán bộ một cách phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. Qua tổng kết thực tiễn công tác cán bộ để có cơ sở khoa học và những bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc chỉ đạo và phát triển chiến lược cán bộ tiếp theo, góp phần ngăn ngừa “bệnh kinh nghiệm”, giáo điều, áp đặt, chủ quan trong công tác cán bộ. Tổng kết thực tiễn về công tác cán bộ cũng là để kiểm chứng tính đúng sai, sự phù hợp của các quyết sách cán bộ trước đó, trên cơ sở đó xây dựng các luận cứ khoa học cho những chính sách tiếp theo.

Nghiên cứu lý luận về công tác cán bộ đóng vai trò quan trọng trong thực hành công tác cán bộ. Nghiên cứu lý luận góp phần cung cấp, bổ sung, hoàn thiện phương pháp tổng kết thực tiễn đúng đắn, khoa học cho các chủ thể thực hiện tổng kết thực tiễn về đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ; góp phần định hướng cho công tác tổng kết thực tiễn về cán bộ, hạn chế khả năng duy ý chí, phiến diện, áp đặt chủ quan. Nghiên cứu lý luận về công tác cán bộ đòi hỏi phải tiếp cận với các lý thuyết hiện đại về khoa học tổ chức, quản lý nhân lực, lãnh đạo học, tâm lý học,… để hiểu sâu sắc hơn về mọi khía cạnh của con người trong hệ thống tổ chức như nhu cầu, động lực, năng lực, cách lựa chọn, sử dụng, đánh giá…

Như vậy, việc tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác cán bộ có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng. Cùng với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn thì căn cứ khoa học không thể thiếu trong quá trình xây dựng các quyết sách về cán bộ, góp phần làm cho công tác xây dựng Đảng có hiệu quả và thiết thực hơn.

Thực trạng tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận về công tác cán bộ thời gian qua

Trong quá trình lãnh đạo đất nước từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn bám sát các nguyên tắc cơ bản về mối quan hệ biện chứng giữa tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận để chỉ đạo và triển khai công tác cán bộ. Chỉ tính trong giai đoạn đổi mới từ năm 1986 đến nay, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết chỉ đạo công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về lĩnh vực xây dựng Đảng nói chung và về công tác cán bộ nói riêng. 

Nghị quyết số 01-NQ/TW, ngày 28-3-1992 của Bộ Chính trị về công tác lý luận đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy, đi sâu tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận một cách sáng tạo. Việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn cần nắm vững các phương châm, quán triệt bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy tính độc lập sáng tạo, kế thừa những tinh hoa trí tuệ của dân tộc, những kinh nghiệm và thành tựu khoa học thế giới; gắn lý luận với thực tiễn, giữa yêu cầu trước mắt với nhiệm vụ lâu dài; kết hợp thống nhất tính khoa học với tính đảng, giữa khoa học với chính trị.

Tiếp đến, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa IX, ngày 18-3-2002 về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận nhằm “đề cao trách nhiệm của mỗi tổ chức đảng và đảng viên đấu tranh loại trừ tham nhũng, lãng phí, quan liêu ở cơ quan, đơn vị, cơ sở mình. Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, tự học tập, tự rèn luyện, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng và tình trạng thoái hóa, biến chất trong Đảng. Kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước”.

Trên cơ sở nghiên cứu và tổng kết thực tiễn hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TW, ngày 28-3-1992 của Bộ Chính trị về công tác lý luận, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9-10-2014 về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030. Nghị quyết đã đề ra các phương châm, nhiệm vụ, biện pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác lý luận đến năm 2030, trong đó có các chỉ đạo quan trọng về tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận trong công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chỉ ra 10 nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, trong đó có giải pháp “Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng; đầu tư thích đáng cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận, nhất là chuyên gia đầu ngành; nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đáp ứng yêu cầu mới”(7). Bài học rất quan trọng được rút ra trong quá trình tổng kết 30 năm đổi mới là phải tôn trọng quy luật khách quan, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra.

Quán triệt các nghị quyết,chỉ thị và sự chỉ đạo của Đảng, việc tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận về công tác cán bộ được các cơ quan ở Trung ương, các địa phương tích cực triển khai và đã thu được những kết quả tích cực, góp phần cho sự thành công của công cuộc đổi mới. Nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ, ngành, địa phương; nhiều cuộc tổng kết thực tiễn lớn đã được tiến hành trên quy mô cả nước, như tổng kết 20 năm đổi mới (1986-2006) và 30 năm đổi mới (1986-2016), 20 năm thực hiện Cương lĩnh (1991-2011), 20 năm thực hiện Hiến pháp (1992-2012)… Qua tổng kết thực tiễn, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn, góp phần đổi mới tư duy lý luận của Đảng, tạo cơ sở khoa học cho đổi mới lĩnh vực xây dựng Đảng, trong đó có công tác cán bộ.

Những kết quả tổng kết thực tiễn về công tác cán bộ là cơ sở quan trọng cho việc ban hành các nghị quyết, kết luận liên quan tới công tác cán bộ trong thời gian qua. Đó là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá VI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khoá VII “Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khoá VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khoá VIII về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị về “Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị về “Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; Kết luận số 37 của Ban Chấp hành Trung ương, khóa X “Tiếp tục đẩy mạnh chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; Quyết định số 67-QĐ/TW, ngày 4-7-2007 của Bộ Chính trị ban hành “Quy định về phân cấp quản lý cán bộ”; Quyết định số 68-QĐ/TW, ngày 4-7-2007 của Bộ Chính trị ban hành “Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử”; Kết luận số 24 - KL/TW của Bộ Chính trị, khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Kết luận số 12-KL/TW, ngày 22-3-2017 của Bộ Chính trị về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ…

Hiện tại, nhiều đề án liên quan tới công tác cán bộ đang được Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết thực tiễn một cách bài bản, có hệ thống, làm cơ sở khoa học cho việc chỉnh sửa, bổ sung và ban hành các quyết sách mới về công tác cán bộ. Cụ thể như các đề án về phân cấp quản lý cán bộ; giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ; xác định tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ; việc luân chuyển cán bộ; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và bí thư cấp ủy các cấp; quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ; quy định về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng…

Thực tế cho thấy, không ít nội dung trong các quy định, quy chế, quy trình… ban hành trước đây về công tác cán bộ không còn phù hợp. Nếu không kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện sẽ cản trở đối với công tác cán bộ nói riêng và đối với sự phát triển của đất nước nói chung. Việc triển khai các đề tài, chuyên đề, công trình nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ là yêu cầu tất yếu trong quá trình xây dựng các đề án về công tác tổ chức cán bộ. Do có phương pháp khoa học, tiếp cận một cách hệ thống, toàn diện, đa chiều các vấn đề nẩy sinh trên thực tế trong công tác cán bộ nên kết quả nghiên cứu, tổng kết bảo đảm khách quan, có tính chính xác cao, làm căn cứ để xây dựng các quyết sách phù hợp, có thể đi ngay vào cuộc sống, có tính khả thi cao. 

Tuy vậy, việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Nhìn chung, lý luận còn lạc hậu, tính dự báo thấp, kết quả nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn, “thiếu gắn bó mật thiết giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, giữa cán bộ lý luận và cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, giữa công tác nghiên cứu lý luận và công tác giảng dạy, đào tạo lý luận”(8). Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa có chiều sâu, không theo kịp tình hình thực tế; Việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận còn hạn chế. Chính vì thế, một số nội dung trong nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi.

Trên thực tế, còn rất nhiều hạn chế trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về công tác cán bộ. Chủ nghĩa kinh nghiệm, bảo thủ, tư duy máy móc theo lối mòn cũ đã cản trở việc tiếp cận tri thức mới, phương pháp khoa học, hiện đại trong nghiên cứu và tổng kết thực tiễn. Hậu quả là có không ít quy định, quy chế, tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể về cán bộ mới được ban hành nhưng không thể thực hiện được, phải chỉnh sửa vì thiếu cơ sở khoa học, xa rời thực tiễn cuộc sống.

Các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành về xây dựng Đảng trong hệ thống chính trị chưa được đầu tư thỏa đáng về lãnh đạo, chỉ đạo và các nguồn lực cần thiết cho công tác nghiên cứu chuyên sâu về tổ chức cán bộ. Đội ngũ nghiên cứu chủ yếu thiên về lý thuyết, chưa gắn chặt với thực tiễn về công tác tổ chức cán bộ; một số còn hạn chế về năng lực, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa có đủ khả năng để tiếp cận và ứng dụng các kết quả nghiên cứu, lý thuyết hiện đại của các nước trong lĩnh vực tổ chức cán bộ như khoa học về tổ chức, quản trị nhân lực trong khu vực công, tâm lý lãnh đạo, lãnh đạo học…Nhiều đề tài nghiên cứu còn chung chung, kém hiệu quả, thiếu khả năng ứng dụng thực tiễn.

Trong đội ngũ làm công tác tham mưu giúp việc về công tác tổ chức cán bộ có không ít người chưa được đào tạo bài bản theo chuyên ngành, không được cập nhật kiến thức mới thường xuyên nên năng lực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khái quát thành lý luận còn hạn chế. Nhiều người làm việc theo thói quen, lối mòn lạc hậu, nặng về chủ nghĩa kinh nghiệm trong xử lý vấn đề, rất ít người được đào tạo, hướng dẫn phương pháp nghiên cứu tiến tiến và tổng kết kinh nghiệm về công tác cán bộ. Hơn nữa, công tác cán bộ vốn được coi là “vùng đóng kín”, nhạy cảm nên ít được chia sẻ, phổ biến rộng rãi.

Những hạn chế, bất cập đó có nguyên nhân khách quan là quá trình đổi mới, phát triển đất nước nảy sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ. Chính vì thế, việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác cán bộ cũng không kịp thay đổi để thích ứng với yêu cầu.

Nguyên nhân chủ quan của hạn chế, bất cập trên là do:

Thứ nhất, một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự coi trọng công tác lý luận, nhất là tổng kết thực tiễn; không có quy định gắn nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn về công tác cán bộ, vì thế xem nhẹ việc chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết thực tiễn; việc vận dụng cơ sở khoa học để lãnh đạo không trở thành nguyên tắc trong công tác cán bộ. Một số nơi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ không dựa trên những căn cứ khách quan, bị chi phối bởi ý chí chủ quan của người đứng đầu, áp đặt, thiếu dân chủ, không minh bạch.

Thứ hai, thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu chuyên nghiệp với các cơ quan tham mưu giúp việc về công tác cán bộ. Do đó, nội dung nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn không ăn khớp với nhu cầu của các cơ quan tham mưu, kết quả nghiên cứu không có địa chỉ ứng dụng hoặc khả năng sử dụng các kết quả nghiên cứu không cao, gây lãng phí các nguồn lực, và quan trọng nhất là chất lượng ban hành các quyết sách về công tác cán bộ chưa được như mong muốn, nhiều nội dung không thể đi vào cuộc sống.

Thứ ba, sự hạn chế về năng lực chuyên môn, tư duy lý luận của đội ngũ tham mưu giúp việc về công tác cán bộ là nguyên nhân cơ bản dẫn tới chất lượng các quyết sách về công tác cán bộ không cao. Do hạn chế về trình độ, nhận thức và tầm nhìn nên cán bộ tham mưu, giúp việc về công tác cán bộ không phát hiện được những vấn đề có tính hệ thống, mang tính quy luật và không sử dụng được các phương pháp nghiên cứu hiện đại, khoa học để thực hiện tổng kết thực tiễn.

Thứ tư, một bộ phận cán bộ lãnh đạo và các nhà tổ chức chuyên nghiệp vẫn còn tư tưởng bảo thủ, không coi công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ là một môn khoa học tổ chức. Vì thế, không mở rộng nghiên cứu các lý thuyết liên quan tới công tác cán bộ của thế giới, không biết và cũng không dám vận dụng những kết quả nghiên cứu của các nước về khoa học tổ chức vào thực tế.

Một số nhiệm vụ, giải pháp tăng cường tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận về công tác cán bộ

Trong thời gian tới, để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và xây dựng lý luận về tổ chức cán bộ phải tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau: 

Một là, nắm vững nguyên lý, phương pháp luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận. Kiên trì thế giới quan, phương pháp luận khoa học và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; đồng thời, tiếp thu các thành tựu mới, tinh hoa của nhân loại, những nền tảng cơ bản cần vận dụng triệt để trong nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng.

Hai là, bảo đảm thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong công tác cán bộ. Lý luận phải gắn chặt với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng và phục vụ yêu cầu phát triển đất nước, bảo đảm hài hòa giữa những yêu cầu trước mắt với lâu dài, giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, triển khai. Khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí, kinh nghiệm trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác cán bộ.

Ba là, phát huy dân chủ, khuyến khích sáng tạo trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác cán bộ. Coi trọng việc xây dựng môi trường dân chủ đi đôi với nêu cao trách nhiệm chính trị của tổ chức và cá nhân hoạt động khoa học. Xây dựng không khí dân chủ, cởi mở và có nguyên tắc trong thảo luận, tranh luận.

Bốn là, xây dựng các chương trình, mục tiêu trong nghiên cứu và tổng kết thực tiễn về công tác cán bộ, đáp ứng tình hình mới. “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng tổ chức và con người làm công tác tổ chức, cán bộ. Xây dựng chương trình, kế hoạch và lộ trình thực hiện việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về tổ chức và cán bộ phù hợp với đặc điểm của nước ta trong tình hình mới”(9). Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là những mô hình mới, kinh nghiệm hay; khuyến khích phát triển tư duy lý luận phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng.

Năm là, xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác cán bộ. Thu hút đội ngũ cán bộ lý luận và các cơ quan nghiên cứu tham gia vào quá trình hoạch định đường lối, chiến lược, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có các quyết sách về công tác cán bộ. Có biện pháp phù hợp nhằm phát huy trí tuệ, năng lực sáng tạo của đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng và có trình độ chuyên môn cao (cả đương chức và nghỉ hưu), các chuyên gia vào xây dựng, góp ý và phản biện các quyết sách về công tác cán bộ.

Sáu là, nghiên cứu xây dựng quy định về gắn kết nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn. Phát huy vai trò của các cấp ủy, chính quyền trong công tác lý luận, chỉ đạo thường xuyên việc nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn; nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, định hướng nghiên cứu trong từng thời kỳ.

Bảy là, nghiên cứu xây dựng cơ quan nghiên cứu về khoa học tổ chức cán bộ có chức năng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về các quyết sách cán bộ của Đảng, tham mưu cho Đảng những quyết sách mới, đột phá. Xây dựng hệ thống chương trình nghiên cứu có mục tiêu, yêu cầu, nội dung cụ thể và thiết thực. Có chính sách khuyến khích, đãi ngộ thích đáng, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của các nhà khoa học, nghiên cứu về công tác cán bộ tổ chức. 

PGS.TS. Phạm Minh Chính
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng Ban Tổ chức Trung ương/xaydungdang.org.vn
http://hatinh.dcs.vn


(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 6, trang 46.  (2) C. Mác và Ph. Ăng ghen, Toàn tập, NXB CTQG, H, 1995, t.3, tr. 10.  (3) V.I. Lênin, Toàn tập, NXB Tiến bộ Mát-xcơ-va, 1981, t.29, tr.179.  (4) Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB CTQG, H, 2011, t.11, tr.96.  (5) Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB CTQG, H, 2011, t.5, tr. 283.  (6) Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB CTQG, H, 2011, t.5, tr. 283.  (7) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, VPTW, H, 2016, tr.201.  (8) Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9 tháng 12 năm 2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030.  (9) Kết luận của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 162

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 160


Hôm nayHôm nay : 27717

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1287544

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71514859