Tham dự hội nghị có ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, các lãnh đạo cấp cao của tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo một số tỉnh, thành trong nước; Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây (Trung Quốc); đại diện lãnh đạo khu Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cùng 200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản Việt Nam và Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam phát biểu khai mạc hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho biết, với lợi thế và tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, đa dạng; đến nay, các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu sang 180 thị trường trên thế giới. Việt Nam đang đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hội nghị này là sự kiện quan trọng, nhằm thúc đẩy quảng bá, tạo cơ hội kết nối các đơn vị đầu mối nhập khẩu, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc theo hướng chính ngạch, đảm bảo tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, bao bì, mẫu mã theo tiêu chuẩn của Trung Quốc.
Theo thống kê của Bộ NN&PTN, những năm gần đây, xuất khẩu nông sản Việt Nam tăng trưởng vượt bậc. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản đạt 36,53 tỷ USD. 9 tháng năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước đạt 29,55 tỷ USD, tăng 9,3 % so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 15,2 tỷ USD (tăng 4,4%); thủy sản đạt trên 6,4 tỷ USD (tăng 7,2%); lâm sản ước đạt 6,37 tỷ USD (tăng 14,4%); chăn nuôi ước đạt 0,41 tỷ USD (tăng 5,2%). Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng mạnh và vượt mục tiêu như gạo, lâm sản và rau quả…
200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản Việt Nam và Trung Quốc tham dự hội nghị |
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc ngày càng nâng lên và đang là xu hướng chung trên thị trường thế giới, trở thành thách thức đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Thông qua hội nghị, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, thương nhân, các hiệp hội ngành hàng hai nước cung cấp, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối hợp tác doanh nghiệp, nhận diện được khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, đồng thời đề xuất các giải pháp bền vững, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Đức Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - nhận định: Quảng Ninh đã và đang là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường tỉnh Quảng Tây và vùng Đông Nam (Trung Quốc) mà còn là trung tâm của hành lang Bắc - Nam trong hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa phương liên tục tăng ở mức cao, trong đó các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ngày càng có vị trí quan trọng trong tổng kim ngạch. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp qua các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh đạt trên 4,38 tỷ USD, trong đó các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt 0,68 tỷ USD, tăng 17,97% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng nhấn mạnh: Quảng Ninh và các sở, ngành luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng; thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; đơn giản hóa các thủ tục hành chính với mong muốn giảm đầu mối, giảm chi phí, thời gian và tiện ích thông quan cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Các doanh nghiệp của Quảng Ninh (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) ký biên bản ghi nhớ kinh doanh các mặt hàng nông sản |
Tại hội nghị, các ngành chức năng, các địa phương và doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về một số vấn đề như: Thực trạng cung ứng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu bền vững nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc; cơ chế chính sách, thủ tục xuất nhập khẩu đối với hàng nông, lâm, thủy sản qua các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh; cơ chế chính sách và quy định quản lý đối với nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào Trung Quốc; trực tiếp trao đổi, giải đáp những ý kiến, câu hỏi của doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản, logistics Việt Nam và Trung Quốc.
Trong khuôn khổ hội nghị, đã có 20 doanh nghiệp của Quảng Ninh (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) ký biên bản ghi nhớ kinh doanh các mặt hàng nông sản. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng tổ chức Tuần Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP năm 2018, diễn ra từ ngày 2 đến 6-11 tại TP.Móng Cái với mục đích quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn