Có thể nói nông dân sản xuất trong lĩnh vực nông, thủy sản ở ĐBSCL đang chịu nhiều sức ép từ thiên tai, nguồn vốn trong bối cảnh vật giá đầu vào luôn tăng, giá đầu ra luôn bấp bênh. Vì vậy, họ là đối tượng dễ bị tổn thương khi xảy ra thiên tai hoặc giá nông sản sụt giảm. Hiện nay, dịch bệnh trên tôm sú, giá cá tra sụt giảm thê thảm làm hàng loạt nông hộ phải phá sản. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối tượng này và mang lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để giúp họ thoát nghèo bền vững cần có những chiến lược gắn với chính sách đồng bộ. Nhắc lại trận dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa vừa qua, anh Hoàng Danh, ở xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang buồn rười rượi: “Lúa chỉ lên cao hơn gang tay rồi đứng yên, ruộng như bãi cỏ hoang, chẳng thấy lúa đâu cả. Năm đó, tôi bán bốn trong số bảy công đất ông già cho để trả đủ thứ tiền như làm đất, bơm rút nước, tiền phân, thuốc trừ sâu”. Nói rồi anh Danh lặng thinh. Bởi sau đó hai năm, vợ anh mắc bệnh nặng phải kiếm tiền lo thuốc men, anh bán đứt 3 công đất còn lại và trắng tay. Từ đó, anh rơi vào gia cảnh diện nghèo, vợ chồng phải đi làm thuê để chạy cơm từng ngày nuôi hai đứa con. Trường hợp của anh Hoàng Danh khá điển hình cho một lớp nông dân nghèo, thu nhập thấp hiện nay.
Theo kết quả khảo sát điều tra năm 2010 của Viện Phát triển bền vững vùng Đông Nam bộ từ các gia đình (phân theo 10 nhóm đối tượng trong giai tầng xã hội cho thấy) nông dân là lực lượng đa số trong cơ cấu xã hội của ĐBSCL, chiếm gần 48%. Trong đó, nông dân lớp trên chiếm 7,2% (bao gồm những hộ có nhiều ruộng đất, là lao động có kỹ thuật trong nông lâm ngư nghiệp, có ruộng đất bình quân nhân khẩu hộ 5.000m² trở lên); lớp giữa chiếm 21,9% (bao gồm những người có mức ruộng đất trung bình, lao động có kỹ thuật, có ruộng đất bình quân nhân khẩu hộ 1.000 - 1.500m²) và lớp dưới chiếm 18,5% (bao gồm những người ít hoặc không có đất, có ruộng đất bình quân nhân khẩu hộ dưới 1.000m²). Như vậy, nông dân lớp giữa và lớp dưới ở vùng này chiếm trên 40%. Đây là những nông hộ rất dễ bị tổn thương khi xảy ra các rủi ro về thiên tai, giá cả sụt giảm hoặc gia cảnh có biến cố.
Trong khi đó, kết quả điều tra về thu nhập cho thấy: Thu nhập bình quân nhân khẩu trong 1 năm của hộ gia đình ở ĐBSCL là 11,6 triệu đồng, Đông Nam bộ là 17,2 triệu đồng và TPHCM là 28 triệu đồng. Nói cách khác, so với ĐBSCL, thu nhập của hộ gia đình vùng Đông Nam bộ cao gấp 1,48 lần, và TPHCM cao gấp 4,9 lần. Theo GS-TS Bùi Thế Cương (Viện Phát triển bền vững vùng Đông Nam bộ), ở ĐBSCL, 20% hộ giàu sở hữu hơn một nửa cái bánh thu nhập (52,1%), 40% dân cư thuộc nhóm giàu và khá giàu sở hữu 72,3% cái bánh, 40% hộ nghèo và cận nghèo chỉ có 14,2% cái bánh thu nhập. Số liệu này cho thấy, mức bất bình đẳng thu nhập ở ĐBSCL là cao. Theo tiêu chí của ngân hàng thế giới (WB), trong một xã hội, khi 40% dân cư bên dưới hưởng 17% chiếc bánh thu nhập thì xã hội ấy được xem là có mức bình đẳng xã hội trung bình. Khi 40% dân cư bên dưới chỉ còn hưởng 12% chiếc bánh thu nhập xã hội đó đạt tới trạng thái bất bình đẳng cao. Hoặc mới đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng quyết định cho tất cả các người thuộc diện hộ cận nghèo trong tỉnh được hỗ trợ 100% chi phí mua bảo hiểm y tế. Đây cũng chỉ là giải pháp để giúp hộ nghèo tiếp cận dịch vụ y tế. Nhìn chung hộ nghèo và cận nghèo vẫn là những gia đình đang chịu nhiều thiệt thòi và cần sự quan tâm đầu tư đúng mức để giúp hộ thoát nghèo bền vững hơn.
Khó khăn đối với hộ diện cận nghèo hiện nay là phần lớn “thiếu đất, thiếu sổ đỏ” để thế chấp ngân hàng vay vốn sản xuất hoặc làm dịch vụ nhỏ ở nông thôn. Tổ chức quốc tế Oxfam tại Việt Nam (chuyên về chống đói nghèo) giữa tháng 10-2012 đã công bố báo cáo “Vun trồng một tương lai no đủ”. Theo đó, Oxfam cho rằng cuộc chiến chống đói nghèo, thiếu lương thực, bất bình đẳng vẫn chưa đến hồi kết. “Với gần 8 triệu nông hộ nhỏ, chiếm hơn 80% tổng số nông hộ trên cả nước đang sở hữu không đến nửa hécta đất, nông dân quy mô nhỏ và lĩnh vực nông nghiệp phải được coi là thành phần quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp của đất nước. Nếu Việt Nam muốn giải quyết được ba thách thức bao gồm sản xuất bền vững, công bằng và khả năng phục hồi thì đầu tư vào những mô hình sản xuất nhỏ bền vững chính là chìa khóa thành công” - đại diện Oxfam tại Việt Nam nói. Vấn đề đặt ra hiện nay là xác lập kênh đầu tư đủ mạnh và giúp các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cần nguồn vốn “không phải qua nhiều thủ tục nhiêu khê” để họ sản xuất theo mô hình phù hợp là vấn đề rất bức xúc.
CAO PHONG |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn