Đặc biệt 5 ngành hàng chủ lực như lúa, cá tra, xoài, vịt và hoa kiểng, có sự thay đổi mạnh mẽ sau khi được tái cơ cấu.
Đồng Tháp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên 5 ngành hàng chủ lực: lúa, cá tra, xoài, vịt và hoa kiểng. |
Cụ thể, nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, manh mún chuyển sang trồng cây ăn trái, hoa màu, hoa kiểng, nuôi thủy sản..., giúp người nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 370 - 450 triệu đồng/ha so với canh tác lúa trên cùng đơn vị diện tích. Bình quân 1ha đất lúa chuyển sang nuôi thủy sản cho lợi nhuận tăng thêm 450 triệu đồng, trồng cây ăn trái mang lại lợi thuận tăng thêm 370 triệu đồng, canh tác hoa kiểng mang lại lợi thuận tăng thêm 400 triệu đồng.
Tốc độ tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt tới 4,12%/năm, nhiều mô hình SX theo quy trình an toàn, giảm giá thành, thích ứng với biến đổi khí hậu đã được triển khai và mang lại kết quả tích cực, cùng với giải pháp xả lũ để lấy phù sa và đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, ước giá trị SX ngành hàng lúa gạo năm 2019 đạt hơn 17.630 tỷ đồng, tăng 0,5% so với năm 2018, tương đương 100 tỷ đồng. Giải pháp cơ giới hóa được đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào SX lúa làm giảm chi phí SX.
Bên cạnh việc mở rộng SX hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái thì các mô hình SX sạch, an toàn để nâng cao giá trị nông sản tiếp tục được nhân rộng. Ngành hàng xoài từng bước phát triển. Đáng chú ý là cấp mã số vùng trồng và ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc xoài để XK. Tập huấn cho nhà vườn đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng của trái xoài. Xoài Cao Lãnh đã được XK sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc…
Ngành hàng hoa kiểng đã tạo được sự kết nối giữa người dân với doanh nghiệp để phát triển du lịch nông nghiệp cộng đồng. Tổng diện tích hoa kiểng năm 2019 là 2.850 ha, ước giá trị SX ngành hàng hoa kiểng năm nay đạt 3.516 tỷ đồng, tăng 117 tỷ đồng.
Đối với ngành hàng vịt, toàn tỉnh có 5 tổ hợp tác chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học. Thực hiện tái cơ cấu ngành hàng cá tra, toàn tỉnh hiện có 20 DN nuôi cá tra XK với diện tích 932,91ha (chiếm 62% diện tích nuôi toàn tỉnh). Trong đó có 827ha nuôi cá tra được chứng nhận SX an toàn, hình thành chuỗi SX ổn định, phát triển nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, góp phần tăng giá trị toàn ngành.
Theo: Lê Hoàng Vũ/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn