Ngày 15/4, các bệnh viện sẽ đồng loạt áp dụng giá viện phí mới. Theo đó, 447 dịch vụ y tế sẽ tăng lên, đồng nghĩa Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ tiêu tốn thêm hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng trong năm nay sẽ chưa tăng mức đóng BHYT, vì vậy, nhiều chuyên gia lo ngại việc vỡ quỹ BHYT.
Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Khi thực hiện chính sách viện phí mới, ước tính chi phí Quỹ BHYT sẽ tăng thêm bao nhiêu, thưa ông?- Dự tính Quỹ sẽ phải tăng chi thêm 26% so với chi phí đã được chi trả trong năm 2011, tương đương tăng thêm khoảng 6.000 - 8.000 tỷ đồng/năm. Năm 2010 và 2011, Quỹ BHYT tiếp tục kết dư gần 7.000 tỷ đồng nên trong năm 2012 sẽ chưa tăng mức đóng BHYT.
Nhưng sang năm 2013, khi không cân đối được nguồn quĩ, BHXH Việt Nam đã tính toán đến tăng mức đóng BHYT?- Từ lâu cơ quan BHXH đã kiến nghị với các cơ quan liên quan cần tuân thủ nguyên tắc thanh toán trên cơ sở tính đúng, tính đủ, từ đó đảm bảo tính minh bạch giữa người cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý dịch vụ. Trong năm 2012, Quỹ BHYT vẫn có thể cân đối được nên chưa tăng mức phí tham gia BHYT. Tuy nhiên trong thực tế, đó mới chỉ tính trên con số dự báo, chưa tính đến sự gia tăng đột biến lượt khám chữa bệnh khi giá viện phí tăng. Việc quyết định điều chỉnh mức phí đóng vào thời điểm nào còn phụ thuộc vào kết quả đánh giá tác động khi tăng viện phí đối với Quỹ BHYT trong thời gian tới, phải tính toán trên cơ sở mức đóng - mức hưởng, số người tham gia BHYT, khả năng hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, khả năng đóng góp của người tham gia BHYT. Trong năm 2013, tăng lương mà vẫn không cân đối được Quỹ BHYT, BHXH Việt Nam sẽ đề nghị tăng mức đóng BHYT từ 4,5% như hiện nay lên 5% mức lương cơ bản/tháng.
Nhiều người lo ngại tăng giá viện phí sẽ dẫn đến việc lạm dụng quỹ BHYT, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện những giải pháp gì để hạn chế tình trạng này?- Để hạn chế việc lạm dụng Quỹ BHYT, cơ quan bảo hiểm sẽ giám sát, kiểm soát chặt chẽ các kỹ thuật cao, chi phí tốn kém. Đồng thời, thực hiện phân bổ nguồn quỹ hàng tháng, đảm bảo quỹ chuyển về các tỉnh và từ các tỉnh chuyển về các bệnh viện không bị "thừa" giúp các bệnh viện thanh toán hợp lý, không chuyển sang đầu tư các hình thức khác. Cụ thể sẽ giám sát quy trình thực hiện dịch vụ y tế và các loại vật tư tiêu hao, thuốc đã sử dụng, đảm bảo chất lượng theo quy định. Thứ hai, giám sát việc thực hiện khám bệnh, tình trạng bệnh nhân nằm nội trú. Thứ ba, giám sát chặt chẽ để phối hợp với cơ sở giải quyết tình trạng thu thêm tiền của người bệnh khi thực hiện các dịch vụ y tế nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người tham gia BHYT…
Xin cảm ơn ông!
Theo ktdt