Sau hơn 9 năm triển khai, vùng rau an toàn (RAT) thôn Phú An, xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) không chỉ giúp người nông dân nâng cao thu nhập mà còn trở thành địa chỉ sản xuất, cung ứng RAT uy tín trên địa bàn TP.
Nông dân thôn Phú An, xã Thanh Đa thu hoạch rau an toàn. |
Bà Nguyễn Thị Thủy, ở thôn Phú An chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 2 sào các loại gồm bắp cải, su hào, cải ngọt, súp lơ, cà chua… Trừ các khoản chi phí, trung bình mỗi vụ thu lãi từ 15 – 20 triệu đồng”. Không chỉ có hộ gia đình bà Thủy, hàng trăm hộ dân địa phương đã có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhờ chuyển từ canh tác truyền thống sang trồng RAT. Hiện, vùng RAT Phú An có quy mô hơn 50ha với 330 hộ tham gia sản xuất. Hiệu quả kinh tế đạt trung bình trên 600 triệu đồng/ha/năm, gấp nhiều lần so với cấy lúa và trồng rau truyền thống.
Nằm ven sông Hồng, khu đất Bãi Nổi tại thôn Phú An thường xuyên được phù sa bồi đắp màu mỡ rất thuận lợi cho trồng RAT. Năm 2009, xã Thanh Đa đã quy hoạch 30ha tập trung tại khu đồng Bãi Nổi để trồng rau. Bắt tay vào thực hiện, xã được TP quan tâm hỗ trợ vật tư nông nghiệp, hạt giống rau, tập huấn kỹ thuật thông qua các lớp IPM (phòng trừ dịch hại tổng hợp) cho các hộ sản xuất. Cùng với đó, xã được TP đầu tư hơn 19 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng quy hoạch sản xuất RAT, gồm: Bê tông gần 7km giao thông nội vùng, xây dựng nhà sơ chế, trạm bơm, bể chứa, trạm điện và hệ thống đường dây, lắp đặt hệ thống tưới đến từng ruộng.
Chủ tịch UBND xã Thanh Đa Nguyễn Văn Mạnh cho hay, để duy trì và nâng cao hiệu quả sản xuất vùng RAT, xã thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, giám sát nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Chẳng hạn, hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại, cách ly đúng thời gian, bỏ bao bì vào thùng chứa đúng nơi quy định… Điều đáng mừng là RAT thôn Phú An đã được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp chứng nhận chất lượng RAT, được đăng ký mã số, mã vạch để quản lý, bước đầu tạo được uy tín, thương hiệu tại thị trường Thủ đô.
Trước nhu cầu sử dụng rau sạch ngày một tăng cao, nhiều hộ dân Phú An đang mạnh dạn xây dựng hệ thống nhà lưới để sản xuất, hạn chế cho cây rau trực tiếp chống chịu mưa nắng, ngăn sâu bệnh phá hại, điều tiết nước tưới qua hệ thống phun mưa... Nhờ đó năng suất, chất lượng rau tăng, giảm sức lao động và các chi phí khác. Ngoài ra, xã Thanh Đa cũng liên kết với các công ty, DN triển khai đầu tư hệ thống nhà kính phục vụ sản xuất RAT. Dự án thành công sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nông dân thôn Phú An tiếp cận với quy trình sản xuất mới, nâng cao chất lượng sản phẩm RAT, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo: Bình Minh/kinhtedothi.vn