Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của giai cấp nông dân Việt Nam. Đại hội diễn ra trong thời điểm nước ta sau 27 năm thực hiện công cuộc đổi mới đạt được nhiều thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại. Đây cũng là thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, nhằm đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ và khá toàn diện của giai cấp nông dân Việt Nam trên con đường hòa nhập với sự phát triển chung của toàn xã hội trong giai đoạn cách mạng mới. Không chỉ tổng kết, đánh giá công tác hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2008-2013, với tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, chủ động, hội nhập, phát triển bền vững”, Đại hội lần này còn tập trung thảo luận, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2013-2018, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh, phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua, bên cạnh những thuận lợi cơ bản do tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế tạo ra, nước ta cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do những yếu kém vốn có của nền kinh tế; thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu trở thành những vấn đề nghiêm trọng… Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân cả nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn, góp phần ổn định chính trị-xã hội, tăng cường quốc phòng-an ninh, giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị trí cao trên thị trường thế giới. Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp tăng trưởng khá, chỉ tính riêng năm 2012 đạt 23,9 tỷ USD, chiếm 1/5 kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Khoa học công nghệ, cơ giới hóa nông nghiệp được áp dụng rộng rãi góp phần tăng năng suất lao động, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nông dân nước ta chiếm gần 70% dân số và hơn 50% lực lượng lao động xã hội; có truyền thống yêu nước và cách mạng, luôn trung thành với Đảng, có sự đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, giai cấp nông dân cùng nhân dân cả nước tạo nên những thành tựu to lớn trên mặt trận sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Chỉ tính riêng năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 9,6% (theo tiêu chí mới); thu nhập bình quân đầu người tăng gần 2 lần so với năm 2008. Trình độ dân trí được nâng lên và ngày càng thích ứng với cơ chế thị trường; dân chủ được mở rộng, quyền làm chủ của nông dân được phát huy; vị thế chính trị của giai cấp nông dân và Hội Nông dân ngày càng được nâng cao, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của xã hội, của đất nước.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế của đời sống người nông dân và trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những hạn chế, yếu kém kéo dài, chậm được khắc phục. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) chỉ rõ: Những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn nhân lực cho phát triển sản xuất, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán. Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; chênh lệch giàu-nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn lớn; phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc… Vai trò của Hội Nông dân các cấp tuy đã được khẳng định nhưng cũng chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của nông dân. Phương thức hoạt động của các cấp hội nhiều nơi còn chậm đổi mới, mang nặng tính hình thức và kém hiệu quả.
Từ những kết quả đạt được, cũng như những hạn chế, yếu kém trong thực tiễn đời sống của nông dân và sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn đặt ra yêu cầu rất cao đối với cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong đó đặc biệt là vai trò nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam. Bởi vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI chính là nơi quy tụ trí tuệ, thể hiện bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm rất cao của từng đại biểu để thảo luận, tìm ra giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống của người nông dân. Điều đáng quan tâm hơn và cũng chính là sự kỳ vọng của giai cấp nông dân, của mỗi người nông dân ở đại hội lần này là làm thế nào để có được những giải pháp đồng bộ, thiết thực tập trung tháo gỡ những khó khăn, bất cập mà thực tiễn sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn và chất lượng cuộc sống của người nông dân đang đặt ra hiện nay.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH-HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh-quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Do vậy, yêu cầu đặt ra là các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Cần nhận thức một cách đầy đủ rằng: Ở nước ta, CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình CNH-HĐH đất nước. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản, phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt.
Nắm vững những vấn đề căn bản, cốt lõi nêu trên để xây dựng được hệ thống giải pháp đồng bộ, thể hiện rõ vai trò tổ chức đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của người nông dân, tạo ra động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển là trách nhiệm và nhiệm vụ chính trị của từng đại biểu tại Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI.
QĐND
Theo qdnd.vn