Xuất siêu trên 10 tỷ USD
Con số trên khiến tất cả các lĩnh vực kinh tế vĩ mô khác phải “thèm thuồng”. Trong khi các ngành sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ liên tục phải nhập siêu, thì nông nghiệp xuất siêu đến hơn 10 tỷ USD. Đây là nguồn ngoại tệ vô cùng quý giá, nó không những giúp Việt Nam giảm thiểu được những rủi ro trong đà suy thoái kinh tế của thế giới, mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu của thế giới.
Đóng góp lớn và đáng kể nhất phải nói đến việc xuất khẩu thủy sản. Tổng kim ngạch mà mặt hàng này đã xuất khẩu cả năm ước đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2011, và chiếm đến 1/5 tổng kim ngạch của toàn ngành. Một điều đáng mừng là chúng ta vẫn tiếp tục duy trì và phát triển được việc xuất khẩu thủy sản vào những thị trường lớn, khó tính như Mỹ (19,6% thị phần), Nhật Bản (17,6% thị phần). Tiếp theo là Hàn Quốc (8,1% thị phần), EU...
Xuất khẩu gạo tạo bước đột phá lớn trong năm nay khi lần đầu tiên Việt Nam vươn lên là cường quốc thứ nhất thế giới. Tổng sản lượng xuất khẩu gạo năm 2012 đạt gần 8 triệu tấn, kim ngạch gần 4 tỷ USD, tăng đến gần 10% về lượng. Tuy nhiên, do giá gạo thế giới trên đà giảm liên tục so với đầu năm và cả năm 2011 nên giá xuất khẩu cũng giảm theo. Cơ cấu thị trường xuất khẩu mặt hàng này cũng từng bước thay đổi với nhiều thị trường mới. Nếu như năm ngoái, chúng ta tập trung mạnh vào Philippines, Indonesia và một số nước châu Phi, thì năm nay lượng gạo vào thị trường Trung Quốc tăng mạnh, gấp 6,2 lần về lượng và 5,3 lần về giá trị so với năm ngoái. Đây cũng là điều đáng mừng, bởi nó góp phần thu hẹp cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Những mặt hàng xuất khẩu hàng tốp đầu được tính bằng đơn vị tỷ USD còn có cao su với kim ngạch khoảng 3 tỷ USD, gỗ và các sản phẩm gỗ 5 tỷ USD, sắn 1,3 tỷ USD, hạt điều 1,4 tỷ USD...
Ảnh minh họa
Trong khi xuất khẩu về đích thì các ngành khác cũng không chịu kém cạnh. Ở lĩnh vực trồng trọt, mặc dù gặp nhiều bất thuận về thời tiết, điển hình là cơn bão số 8 đổ bộ khá bất ngờ vào đồng bằng Bắc bộ gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, nhưng bằng nỗ lực của toàn ngành, kết quả đạt được vẫn rất đáng kể.
Hết vụ mùa đến vụ đông, dù thời tiết không thuận, nhưng thống kê cho thấy, các tỉnh miền Bắc vẫn khẩn trương xuống giống, gieo trồng. Tổng diện tích vụ đông năm nay đạt 357 nghìn ha, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ở các tỉnh miền Nam và đồng bằng sông Cửu Long, vụ lúa thu đông cũng đã kết thúc an toàn với gần 650 nghìn ha được gieo trồng, năng suất bình quân 50 tạ/ha. Giá lúa những tháng cuối năm cơ bản thuận lợi đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Khai thác thủy sản tiếp tục khẳng định là thế mạnh của ngành nông nghiệp. Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt gần 3 triệu tấn, tăng 4,4% cùng kỳ năm 2011, trong đó khai thác biển đạt khoảng 2,5 triệu tấn, tăng 4,7% năm ngoái. Song song với khai thác, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng có những bước tiến mới với việc tăng 5% sản lượng so với cùng kỳ. Đồng bằng sông Cửu Long, điển hình là Đồng Tháp, tiếp tục là “vựa” thủy sản của cả nước.
Tái cơ cấu toàn diện
Tuy đạt được những kết quả đáng tự hào, nhưng theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, giá trị nông sản vẫn còn thấp, chưa xứng với tiềm năng. Để nâng cao vị thế và vai trò của ngành, xứng đáng là mũi nhọn kinh tế, thì điều kiện tiên quyết là phải tái cơ cấu toàn diện theo hướng tăng giá trị nông, lâm, thủy sản.
Các chuyên gia quốc tế nhận định trong thời điểm khó khăn của kinh tế, tầm quan trọng của nông nghiệp ngày càng lớn, minh chứng rõ nhất là nông nghiệp đạt thành tựu vượt bậc trong năm 2012. Tuy vậy, để tiếp tục nỗ lực duy trì phát triển nông nghiệp nông thôn thì phải có sự điều chỉnh toàn diện. Trước hết cần thay đổi cách tiếp cận, thay đổi tư duy: quan tâm nhiều hơn tới lợi ích, hạnh phúc của nông dân.
Nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy, về lâu dài, tiêu thụ lúa gạo bình quân đầu người sẽ giảm xuống khi thu nhập tăng lên. Theo ông Sugatani Susumu, đại diện JICA, chế độ dinh dưỡng và khẩu phần ăn của người dân sẽ thay đổi theo hướng dùng nhiều thịt, cá, trứng, sữa hơn. Nông nghiệp Việt Nam phải dựa vào những nghiên cứu về định hướng an ninh lương thực để có chiến lược phù hợp.
Còn ông Steven Jaffee (Ngân hàng Thế giới) lại cho rằng, thành công của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp là không chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu bao nhiêu tấn gạo mà phải hướng đến lợi ích người tiêu dùng, lợi ích của người nông dân. Tương lai, lợi nhuận từ khai thác lúa sẽ giảm, vì thế Việt Nam phải tính đến đa dạng hóa các loại cây trồng và hợp tác công tư nên chú trọng nhiều hơn tới các lĩnh vực chăn nuôi, tới các sản phẩm rau, cá…
Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Trong những năm gần đây, Quốc hội và Chính phủ thực hiện nghiêm túc chủ trương cứ 5 năm lại tăng gấp đôi ngân sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, đầu tư đó vẫn còn hạn hẹp so với yêu cầu phát triển. Đặc biệt là đầu tư của nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp Việt Nam đang có xu hướng tăng chậm lại. Tỷ trọng FDI nông nghiệp trong tổng FDI chung của cả nước giảm từ 8% năm 2001 xuống còn 1% năm 2010. Đây là một vấn đề lớn mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt”. |
Trước những tham vấn của nhiều nhà tài trợ quốc tế rằng nông nghiệp Việt Nam nên chuyển sang đa dạng hóa các mặt hàng nông sản, Bộ trưởng Cao Đức Phát bày tỏ quan điểm: vấn đề chính là cách tạo điều kiện cho người nông dân có quyền tự chủ để có được lựa chọn tốt nhất. “Chính phủ đã quyết định đến năm 2020 sẽ duy trì 3,8 triệu ha đất lúa. Chúng tôi xác định cây lúa là một trong những cây lợi thế của Việt Nam, là sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thế giới. Phát huy ngành trồng lúa là cách tốt nhất hiện nay để đem lại thu nhập cho nông dân. Nhưng nông dân cũng có thể trồng ngô, rau, đào ao nuôi cá… để có thu nhập cao hơn”.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện giá trị gia tăng của ngành còn thấp, tổn thất sau thu hoạch còn lớn. Tốc độ tăng GDP nông nghiệp giai đoạn 1995-2000 đạt 4%/năm, giảm xuống còn 3,3%/năm trong giai đoạn 2006-2010. Công nghiệp chế biến nông sản vẫn còn kém phát triển. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, đồng nghĩa với việc nông dân, DN Việt Nam đang tự làm thất thoát giá trị hàng nông sản của mình.
Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng khẳng định: “Ngành đang nghiên cứu, đề xuất một chương trình toàn diện hơn, những giải pháp cụ thể hơn để đưa hợp tác công tư trở thành một kênh quan trọng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Đồng thời, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút nhiều hơn đầu tư của các thành phần kinh tế, kể cả các DN tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Có như vậy, nông nghiệp Việt Nam mới phát triển bền vững, hiệu quả, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, với biến động của nền kinh tế quốc tế.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn