Ông Phạm Văn Thức, Giám đốc HTX Đức Vinh cho biết, đơn vị được thành lập năm 2014, với 4-5 thành viên tham gia nuôi lươn giống. Lúc đầu, do nguồn giống không ổn định, giá cả đầu ra bấp bênh, mô hình nuôi lươn trong bể xi măng chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả chưa cao.
Sau đó, các thành viên trong HTX đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật, tích cực tham gia các lớp tập huấn về sản xuất giống lươn đồng để truyền đạt kinh nghiệm cho nhau.
Qua mấy năm nghiên cứu, các thành viên HTX Đức Vinh đã cải tiến kỹ thuật nuôi bằng việc cho lươn ăn trùn chỉ, trùn quế và cám gạo. Từ nguồn thức ăn sạch, lươn ít bị bệnh. Nhờ đó, năng suất tăng lên gấp 2 - 3 lần so với trước đây.
Anh Nguyễn Thanh Tùng (ấp Tân Hiệp, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ), thành viên HTX Đức Vinh cho biết, năm 2017, anh Tùng tham gia HTX Đức Vinh. Sau khi được tập huấn kỹ thuật, anh Tùng đã đầu tư hàng chục bể xi măng nuôi lươn giống và lươn thành phẩm. Năm 2018, trừ các chi phí nuôi lươn, anh Tùng thu lãi gần 500 triệu đồng.
Năm 2018, HTX đã bán ra thị trường khoảng gần 1 triệu con lươn giống. Riêng từ đầu năm 2019 tới nay, HTX đã xuất bán được hơn 1,5 triệu con lươn giống và 30.000 con lươn thịt thương phẩm. Cùng với nuôi lươn giống, HTX Đức Vinh đang thực hiện đầu tư chuyên sâu cho mô hình nuôi lươn thịt thương phẩm bước đầu cho kết quả khả quan. |
Ông Phạm Văn Thức cho biết, bể nuôi lươn được xây bằng gạch, đá, xi măng và lát nền bằng gạch men. Những vật liệu này đều an toàn, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của lươn giống, không có tác động ảnh hưởng đến chất lượng thịt của lươn thương phẩm.
Mô hình nuôi lươn trong bể xi măng phải có mái che để tránh sự biến đổi thất thường của thời tiết, khu vực nuôi lươn phải yên tĩnh, không có sự tác động lớn ở bên ngoài khiến lươn bị “sốc”; lươn giống sau khi được thả nuôi trong khoảng 1 năm sẽ bắt đầu quá trình sinh sản tự nhiên, lúc này thu con giống tách lấy trứng, mang vào bể riêng để ấp.
Lươn con mới nở được nuôi trong bể với mật độ 10 ngàn con/m2. Khoảng 1,5 tháng tuổi, giãn mật độ xuống còn 5 ngàn con/m2, thức ăn chủ yếu là trùn chỉ. Sau thời gian 3 tháng, tiếp tục giảm mật độ xuống còn 1 ngàn con/m2.
Khi lươn giống nuôi đủ 90 ngày, trọng lượng khoảng 500 con/kg, có thể xuất bán với giá hơn 6 ngàn đồng/con. Về nuôi lươn thương phẩm, sau 10 tháng chăm sóc, lươn đạt trọng lượng 200gam/con là có thể xuất bán cho các chợ, các nhà hàng, quán ăn.
Theo ông Thức, so với việc nuôi lươn ở ngoài đồng, việc nuôi lươn trong bể xi măng tại nhà dễ dàng phân chia các loại lươn bột, lươn hương, lươn giống, lươn thương phẩm; thuận tiện trong việc quan sát, chăm sóc, theo dõi số lượng và kịp thời phát hiện dịch bệnh do lươn không chui rúc trong bùn như mô hình cũ; rút ngắn thời gian chăm sóc, tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, cho năng suất ổn định.
“Trước đây, những người nuôi lươn thường sử dụng cá tạp, cá xay, thức ăn thừa xay nhuyễn để cho lươn ăn, nên dễ gây ô nhiễm nguồn nước khiến lươn bị bệnh, phải sử dụng kháng sinh chữa trị, vừa tốn kém, vừa không bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Nay cho lươn giống ăn trùn chỉ, lươn thịt ăn trùn quế và cám gạo, bảo đảm lươn sinh trưởng khỏe mạnh, thịt lươn thơm ngon có giá trị thương phẩm cao”, ông Thức cho hay.
Mô hình nuôi lươn trong bể xi măng của HTX Đức Vinh mang lại hiệu quả cao, đã thu hút thêm thành viên tham gia, hiện đã lên đến 14 thành viên, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm/thành viên. Được biết, thời gian tới HTX Đức Vinh sẽ đầu tư nuôi bò lấy phân để nuôi trùn quế, bảo đảm nguồn thức ăn ổn định cho lươn nuôi, tăng hiệu quả sản xuất. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn