Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Thái Học. |
Ông Đỗ Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Thái Học cho biết: Xây dựng NTM không chỉ đem lại sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng nông thôn mà còn tạo chuyển biến trong nhận thức của nhân dân về nếp sống văn hóa mới tại khu dân cư và tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển kinh tế. Nhiều năm qua, Thái Học đã coi công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM. Xã chỉ đạo các đoàn thể phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi nhằm đẩy mạnh xây dựng NTM như phong trào phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ với phong trào “5 không, 3 sạch”, Đoàn Thanh niên với phong trào lập thân, lập nghiệp, Hội Cựu chiến binh phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ gương mẫu thực hiện, các cuộc vận động và phong trào thi đua...
Cùng với đó, xã vận động người dân tích cực tham gia đóng góp, xây dựng các công trình của thôn như nhà văn hóa, đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương, vệ sinh môi trường. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã tạo sự đồng thuận của người dân, là điều kiện để toàn xã phấn đấu đạt chuẩn NTM theo kế hoạch đề ra. Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa năm 2011, bà con nông dân đã tích cực hưởng ứng, góp công, hiến đất nông nghiệp để chỉnh trang đồng ruộng. Hiện tại, bình quân diện tích canh tác đất hai lúa còn 1,3 thửa/hộ và đã quy hoạch được các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất, nhất là ở các khâu làm đất, thu hoạch... Thành công trong dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng đã mở ra một hướng mới trong phát triển sản xuất, xây dựng thành công cánh đồng lớn, chuyển đổi 4,7ha trồng ớt ở cánh đồng Vòng Đông Biên, vùng trồng salat vụ đông ở cánh đồng Trà Hải... Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu sản xuất, Thái Học đã xây mới, nâng cấp 7 trạm bơm, nhiều cống đập được xây dựng kiên cố, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương. Hệ thống thủy lợi cơ bản đã đáp ứng tốt cho việc tưới, tiêu tại các xứ đồng sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa.
Đối với lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, xã đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp và có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư sản xuất. Nhờ vậy, các doanh nghiệp, xí nghiệp đầu tư máy móc, nhà xưởng đi vào sản xuất như Xí nghiệp Giày da Hạnh Vân, Công ty May Vũ Trường... đã giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho hàng trăm lao động tại địa phương. Ngoài ra, các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa... được đầu tư xây dựng khang trang. 80 - 90% gia đình đạt gia đình văn hóa, 3/3 thôn đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo của Thái Học dưới 3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 24,8 triệu đồng/năm. Hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh trật tự được giữ vững.
Từ xuất phát điểm năm 2011 là 7 tiêu chí, đến năm 2014, Thái Học đã cơ bản hoàn thành 16 tiêu chí NTM. Tổng nguồn vốn đầu tư 18.599 triệu đồng, trong đó vốn cấp trên 4.279 triệu đồng, ngân sách xã 4.247 triệu đồng, nhân dân, con em xa quê đóng góp 10.073 triệu đồng. Năm 2015, Thái Học phấn đấu hoàn thành 2 tiêu chí còn lại là: tiêu chí giao thông và tiêu chí thủy lợi (tiêu chí chợ nông thôn không phải thực hiện). Thực hiện Quyết định số 19 của UBND tỉnh, địa phương đã tiếp nhận gần 3.000 tấn xi măng hỗ trợ của tỉnh, cùng với các nguồn vốn khác toàn xã đã bê tông hóa được trên 15km đường liên xã, đường trục thôn, nhánh cấp I.
Diện mạo nông thôn ở Thái Học đã đổi thay, tuy nhiên để sớm cán đích NTM, địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên và vận động nhân dân đóng góp, con em xa quê ủng hộ kinh phí để hoàn thành chương trình xây dựng NTM theo đúng kế hoạch đề ra.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn