Nghề dệt khăn bông ở xã Thái Hưng tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Ảnh: Ngọc Linh |
Chủ trương xây dựng nông thôn mới của Ðảng và Nhà nước đã thực sự đi vào lòng dân nơi đây, không có hộ nào không tham gia, không có người nào không có đóng góp cho việc xây dựng nông thôn mới. Nếu trong kháng chiến, nhân dân sẵn sàng tháo dỡ nhà cửa để làm vật độn đường cho xe đi qua, nhanh chóng vào chiến trường thì ngày nay làm đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới người dân cũng sẵn sàng tháo dỡ tường bao, cổng xây kiên cố, công trình phụ, thậm chí cả tường nhà ở để hiến đất mở rộng đường thôn ngõ xóm. Thôn Phú Ốc có 60 hộ phải giải tỏa. Ông Hoàng Bá Dương đã tháo dỡ trên 100m tường bao, cổng sắt, hiến 50m2 đất vườn trong đó có nhiều cây vải Lục Ngạn có giá trị kinh tế cao để mở rộng đường trục thôn; ông Hoàng Văn Tiểu đã tháo dỡ hồi nhà để nhường đất cho ngõ xóm mở rộng; bà Dắng dỡ tường bao, ủng hộ 16m2 đất vườn. Có gia đình có nhiều cây mít lưu niên cũng vui vẻ cho đốn chặt vì lợi ích chung. Nhờ vậy thôn Phú Ốc đã nhanh chóng làm xong 3 tuyến đường trục dài 1.523m, 25 tuyến đường nhánh cấp I dài trên 2.000m với tổng trị giá trên 2 tỷ đồng. Thôn Ðồng Vọng làm đường trục thôn và đường nhánh cấp I có tổng chiều dài 1.500m cũng phải giải tỏa đất đai của 59 hộ. Ông Trần Thanh Bình đã tháo dỡ 69m tường bao, ủng hộ 140m2 đất vườn; ông Hoàng Văn Tiếp hiến 80m2; bà Xanh hiến 16m2... để có thêm đất mở rộng đường theo đúng tiêu chuẩn.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên cũng rất sát sao, có khó khăn thì cùng tháo gỡ. Ðồng chí Nguyễn Hồng Chuyên, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà đã nhiều lần về các thôn, trong đó có thôn Chiềng để động viên, kiểm tra và chỉ đạo cụ thể từng việc. Trong thôn có một gia đình gây trở ngại cho việc giải tỏa, cán bộ thôn chưa giải quyết được, đồng chí Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã, nhiều trưởng ban, ngành, đoàn thể xã đã đến tìm hiểu nguyên nhân, tìm cách tháo gỡ, cuối cùng sự việc đã được dàn xếp ổn thỏa. Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, khó khăn nhất là làm đường trong thôn vì đụng chạm đến nhiều người. Thôn Tân Dương mở đầu thắng lợi, lãnh đạo xã đã chớp lấy thời cơ mở “hội nghị đầu bờ” cho ban chỉ đạo các thôn đến tận nơi học tập, rút kinh nghiệm. Chủ tịch UBND xã Trần Xuân Của chủ trì cuộc họp “thưởng nóng” cho thôn 18 triệu đồng và phát động tiếp tục thi đua với Tân Dương. Việc “nhân dân cùng làm” cũng có nhiều hình thức phong phú. Phú Ốc là thôn lớn nhất xã, có nhiều phức tạp, khi triển khai kế hoạch làm đường đã làm thí điểm một xóm trước khi tiến hành làm đại trà. Khi phải tháo dỡ công trình thì cán bộ, đảng viên gương mẫu trước, khi cần kinh phí thì cán bộ xã là người trong xóm đã ủng hộ hai tháng lương, các cựu chiến binh cũng có nghị quyết ủng hộ mỗi người một tháng tiền trợ cấp. Nhân dân đều thông thuận, hăng hái tham gia tích cực, công việc nhanh chóng hoàn thành. Chi hội Cựu giáo chức thôn Tống Xuyên có trên 60 hội viên đã nhận trách nhiệm trước thôn đổ bê tông một cung đường. Mọi người đã gương mẫu đóng góp trước, đóng góp nhiều hơn mức quy định, vận động nhân dân cùng đóng góp theo khả năng và hội viên cùng với nhân dân tham gia xây dựng. Ðoạn đường thôn dài 420m nối với xã khác đến đường 39A trị giá gần 500 triệu đồng. Nhiều cựu giáo chức ủng hộ từ 1 - 5 triệu đồng. Gia đình ông Ðào Vĩnh ở thôn Chiềng đã đăng ký làm ủng hộ thôn tuyến đường trục chính dài 205m. Công trình phức tạp, phải san lấp nhiều ao để mở rộng đường, xây kè lề đường, rãnh tiêu nước, đổ bê tông mặt đường theo đúng tiêu chí, vừa thiết kế vừa thi công, chủ yếu bằng cơ giới. Con đường đã hoàn thành với trị giá trên 400 triệu đồng. Các công trình xây dựng do dân tự bàn, tự quyết, tự quản và chủ yếu là tự làm nên không có hiện tượng tham ô, lãng phí, bảo đảm chất lượng, giá thành hạ.
Xây dựng nông thôn mới đối với Thái Hưng là 18 tiêu chí vì xã không có chợ. Hiện nay xã đã hoàn thành 15 tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là đã kiên cố được hệ thống kênh mương có chiều dài 6.565m nối với trạm bơm và với sông lớn nên tưới tiêu hợp lý, nhất là chống úng cho 80ha canh tác của 3 thôn mà từ bao đời nay vẫn chưa làm được. Trong thời gian này, nhiều công trình mới đã được mọc lên, diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày. Các trường học của xã đều xây hai tầng kiên cố, khang trang. Xã có 6/8 thôn được công nhận là làng văn hóa. Hiện nay toàn xã đang khẩn trương hoàn thành 3 tiêu chí còn lại để về đích nông thôn mới trong năm 2015.
Ðào Nguyễn
(Thái Hưng, Hưng Hà)
(Bài tham dự cuộc thi viết về nhân tố mới, điển hình tiên tiến năm 2015)
Nguồn: baothaibinh.com.vn