Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã thu được những kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; đời sống người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên.
Huy động hơn 5.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, tính đến tháng 9/2018, toàn tỉnh đã huy động được hơn 5.000 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí NTM. Trong đó, vốn Ngân sách nhà nước là hơn 757 tỷ đồng; lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là hơn 155 tỷ đồng; vốn tín dụng là trên 4.149 tỷ đồng (trong đó có Ngân hàng Agribank); huy động đóng góp của người dân, doanh nghiệp là trên 156 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm, tỉnh đã phân bổ các nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh về các địa phương để chủ động bố trí các nguồn lực và huy động vốn đối ứng của nhân dân đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được gần 260 km đường giao thông các loại; gần 23 km kênh mương; 38 trạm biến áp; hơn 43 km đường dây điện; xây mới 9 nhà văn hoá, khu thể thao xã; xây mới 67 nhà văn hoá xóm; sửa chữa 57 nhà văn hoá; 91 phòng học; 24 điểm thu gom rác thải sinh hoạt.
Hiện nay, 11 xã đăng ký ban đầu và 11 xã đăng ký bổ sung đã chủ động đánh giá hiện trạng các tiêu chí, xây dựng kế hoạch, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trong năm nay. Đến thời điểm này, có 19/22 xã có khả năng về đích, 3 xã còn lại mới đạt từ 10-14 tiêu chí.
Phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới
Với quyết tâm sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX đề ra mục tiêu đến năm 2020, Thái Nguyên có 100 xã, tương đương 70% số xã đạt chuẩn NTM.
Để có thể về đích vào năm 2019, trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết, hiện nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và ban ngành chức năng đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, qua đó nhằm khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện tại các địa phương và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ xây dựng NTM theo kế hoạch đề ra. Ngoài 11 xã đã đăng ký, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung rà soát các địa phương đủ điều kiện để đưa vào danh sách đề nghị bổ sung đạt chuẩn NTM.
Việc làm này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của tỉnh, song cũng đặt ra thách thức lớn đối với các ban, ngành chức năng và mỗi địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là những tiêu chí cốt lõi trong xây dựng NTM, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình xây dựng NTM ở Thái Nguyên cũng gặp phải không ít khó khăn như: có một số văn bản của hướng dẫn thực hiện của Bộ, ngành Trung ương đến đầu năm 2018 mới ban hành dẫn đến việc triển khai ở địa phương chưa đồng bộ, kịp thời, tiến độ giải ngân các nguồn vốn của các địa phương còn chậm; công tác điều chỉnh bổ sung quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương tuy đã được đôn đốc nhiều nhưng việc triển khai rà soát của các địa phương còn chưa được quan tâm; nguồn kinh phí bảo đảm cho chương trình còn thấp trong khi khả năng đóng góp của dân tương đối hạn chế; các xã, huyện chủ yếu quan tâm phát triển hạ tầng mà chưa thực sự quan tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân,…
Đánh giá một cách tổng thể, phong trào xây dựng NTM ở Thái Nguyên đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng; ngày càng đi vào chiều sâu với những hiệu quả bền vững, thiết thực.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục tăng cường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chương trình, kế hoạch xây dựng NTM. Đồng thời, các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và ban ngành chức năng sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, qua đó nhằm khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện tại các địa phương; từ đó nâng cao kết quả xây dựng NTM và phát triển mọi mặt đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh.