Tuy nhiên, qua hơn 2 năm thực hiện chương trình, xã mới đạt 6/19 tiêu chí, 20/39 chỉ tiêu (toàn huyện có 5 xã đạt từ 5-8 tiêu chí, 2 xã đạt dưới 5 tiêu chí). Để về đích lộ trình đề ra, xã phải nỗ lực rất nhiều.
Các tiêu chí mà xã đã hoàn thành là: Quy hoạch; thuỷ lợi; điện; y tế; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; an ninh, trật tự xã hội. Dự kiến trong năm nay, xã phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí là hình thức tổ chức sản xuất và giáo dục.
Triển khai chương trình xây dựng NTM, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, những nội dung, chỉ tiêu, giải pháp, cách thức tiến hành xây dựng NTM đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp, như phát tờ rơi, băng zôn, khẩu hiệu, truyền thanh, hội nghị thôn… Qua đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình gia trại; hiến đất, góp công làm đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hoá thôn, trường học…
Mô hình trồng nấm linh chi của nhóm hộ gia đình ở thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn (Ba Chẽ). |
Từ đầu năm đến nay, xã đã huy động được trên 458 triệu đồng để xây dựng các công trình. Trong đó vốn chương trình NTM là 105,5 triệu đồng; nhân dân, cán bộ và các tổ chức đoàn thể xã đóng góp ngày công lao động xây dựng đường, nhà vệ sinh, sân nhà văn hoá thôn, đường trục thôn, làm sân và đường trạm y tế xã (trị giá là 147,8 triệu đồng); doanh nghiệp hỗ trợ xi măng, vốn của huyện để xây dựng đường trục thôn (trị giá gần 200 triệu đồng); Công ty TNHH Lâm Nghiệp Ba Chẽ hỗ trợ 5 triệu đồng làm sân Nhà văn hoá thôn Khe Lọng Ngoài...
Bà Ngô Thị Nhuận, thôn Khe Lọng Ngoài cho biết: Với sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước và sự chung tay đóng góp của nhân dân, từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, người dân được thụ hưởng nhiều công trình phục vụ đời sống. Còn theo ông Đàm văn Cường, cùng thôn: Khi biết được các tổ chức, đoàn thể của xã tuyên truyền, triển khai chương trình xây dựng NTM bà con mừng lắm, hồ hởi lắm. Xã huy động làm gì có lợi cho dân, bà con đều tham gia nhiệt tình. Cái khó là thu nhập của người dân còn rất thấp (bình quân 4.560 nghìn đồng/người/năm), nên chủ yếu là ủng hộ, đóng góp công sức. Bà con mong muốn tỉnh, huyện và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh tiếp tục giúp đỡ, đồng hành với người dân xã nghèo trong xây dựng NTM...
Xã đặc biệt quan tâm xây dựng các dự án, mô hình phát triển kinh tế, Đến nay đã xây dựng được các mô hình: Trồng địa liền (hiện có 2 hộ tham gia, trồng 3.000m2); trồng tre mai (1 hộ); trồng gừng (1 tổ chức, 1 hộ, trồng 4.000m2); trồng nấm linh chi (4 hộ nhóm hộ); nuôi gà, ngan đen địa phương (4 hộ); nuôi lợn hướng nạc (5 hộ); cải tạo vườn tạp (159 hộ, đăng ký trồng 1.003 cây ổi Đài Loan; 1.712 cây cam V2; 3.827 cây cam đường canh; 604 cây na dai; 889 cây bưởi Diễn). Tham gia các mô hình, dự án, người dân đều được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, trồng.
Chúng tôi tham quan mô hình trồng nấm linh chi của nhóm hộ các anh Nịnh Văn Năm, Đàm Văn Tùng, Đặng Văn Quyền ở thôn Khe Lọng Ngoài. Anh Nịnh Văn Năm, đại diện nhóm hộ cho biết: Từ tháng 8-2011 được sự hỗ trợ của xã trong dự án hỗ trợ sản xuất (mua nồi hấp nguyên liệu trồng nấm linh chi), 3 gia đình đã chung vốn đầu tư trồng nấm. Mô hình phát triển khá tốt, hiện là nguồn thu nhập chính của các gia đình..
Mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng để hoàn thành mục tiêu xã NTM vào năm 2015 là rất khó khăn. Theo Bí thư Đảng uỷ xã Phạm Văn Tâm, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do Thanh Sơn có xuất phát điểm thấp, xã mới ra khỏi xã chương trình 135; hiện tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 40% (152 hộ nghèo/tổng số 380 hộ). Các công trình xây dựng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân tuy đã được quan tâm đầu tư, song còn thiếu, chưa đồng bộ. Phong tục tập quán sản xuất và sinh hoạt của người dân còn lạc hậu… Xã rất quan tâm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; tuy nhiên, người dân ở đây vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nên việc triển khai rộng các mô hình kinh tế chưa được nhiều. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động, sáng tạo trong xây dựng NTM.
Trong các tiêu chí còn lại, thì giao thông là khó hơn cả. Xã có 28km đường trục xã, liên xã; trong đó 21km (75%) đã được bê tông hoá đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GT-VT, còn lại 7km đường (tuyến từ UBND xã đến các thôn Loỏng Toỏng, Thác Lào, Khe Pụ chưa đạt). Đường trục thôn, xóm là 11,3km; trong đó có 5,5km được bê tông hoá (48,67%) đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GT-VT, còn thiếu 5,8km chưa đạt. Đường ngõ xóm là 4,15km, tỷ lệ cứng hoá đạt 53%. Là xã miền núi, dân cư thưa thớt, đời sống của người dân còn khó khăn nên việc huy động nhân dân đóng góp là không cao. Trên địa bàn cũng không có doanh nghiệp đứng chân. Vì vậy, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để hoàn thành tiêu chí này là rất lớn. Xã tiếp tục đề nghị huyện hỗ trợ xi măng và cấp phối để hoàn thiện trục đường liên xã, thôn, xóm. Cùng với đó, xã sẽ huy động người dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động. Xã phấn đấu đạt chỉ tiêu này cùng với thời gian được công nhận xã NTM.
Tường Vi
Nguồn: baoquangninh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn