Công tác dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp của huyện Thanh Trì đạt 100% kế hoạch.
Để đạt được mục tiêu trên, các cấp chính quyền của Thanh Trì chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu xây dựng 5 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015, Huyện ủy tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực việc xây dựng nông thôn mới.
Ban Chỉ đạo huyện rà soát, làm việc cụ thể với Ban Chỉ đạo của từng xã để có giải pháp hoàn thành các tiêu chí đúng tiến độ; phát huy nội lực là chính, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn trong đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn lực đầu tư.
Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục giữ vững, phát huy kết quả đạt được, đẩy mạnh thực hiện chuyến đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; hỗ trợ, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ, đưa cơ giới và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đặc biệt gắn phát triển sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Quan tâm chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Hiện nay, huyện Thanh Trì đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả; chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư được khuyến khích phát triển; công tác kiểm tra, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh được chỉ đạo tích cực; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm (Thanh Trì là huyện đầu tiên của thành phố xóa bỏ 100% các điểm giết mổ lợn nhỏ lẻ không bảo đảm quy định, nằm xen kẽ trong khu dân cư); công tác dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp đạt 100% kế hoạch; giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa năm 2014 đạt 150 triệu đồng.
Hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được tập trung xây dựng; kênh mương được cứng hóa, trạm bơm được nâng cấp, 100% số xã trên địa bàn có hệ thống điện đạt chuẩn. Hệ thống trường học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được đầu tư đồng bộ, khang trang, hiện đại; 100% số xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% thôn, làng có nhà văn hóa phục vụ nhân dân tham gia sinh hoạt cộng đồng.
Tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới của huyện đạt trên 1.600 tỷ đồng, trong đó vốn ngoài ngân sách nhà nước huy động được trên 150 tỷ đồng. Nhiều hộ nông dân đã hiến đất để mở rộng đường, xây dựng các công trình dân sinh.
Đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân trong huyện được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người/năm từ 18,2 triệu đồng năm 2011 lên 28 triệu đồng năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,71% xuống còn 1,16%. Toàn huyện không còn nhà dột nát. Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên.
theo baoxaydung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn