Vạn Phúc là điển hình trong xây dựng NTM và DĐĐT của TP Hà Nội. Bài học kinh nghiệm được rút ra là phải có tinh thần đoàn kết, dám làm và dám hy sinh.
Vạn Phúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội) là xã vùng bãi sông Hồng. Qua 4 năm thực hiện Chương trình số 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân”, xã Vạn Phúc đã thu được kết quả đáng phấn khởi.
Để thực hiện Chương trình 02, Đảng bộ xã đã cụ thể hóa bằng việc triển khai Chương trình xây dựng NTM, tiến hành dồn điền đổi thửa (DĐĐT), mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có múi như bưởi, cam...
Trước đây, đất SXNN của Vạn Phúc khá manh mún, nhỏ lẻ, mỗi hộ gia đình sở hữu 5-7 thửa, thửa nhỏ nhất chỉ 40-70m2, thửa lớn nhất cũng chỉ 200-300m2. Hiện trạng ruộng đất không tập trung đã gây nhiều khó khăn cho việc canh tác, tốn công lao động, trong khi hiệu quả kinh tế không cao.
Để khắc phục những khó khăn trên, cùng với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, ngày 1/2/2013, phương án DĐĐT đất SXNN của xã Vạn Phúc được UBND huyện Thanh Trì phê duyệt. Sau đó, Đảng ủy xã đã lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng ban để đạt được kết quả cao trong thời gian nhanh nhất.
Ông Chử Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Ban đầu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn do người dân chưa hiểu hết lợi ích của việc DĐĐT, nhưng bằng sự kiên trì, nỗ lực hết mình của chính quyền địa phương thông qua việc vận động, tuyên truyền, cuối cùng nhân dân cũng đồng lòng thực hiện, mang lại kết quả cao”.
Sau hơn một năm thực hiện, tuân thủ quy trình DĐĐT của Sở NN-PTNT, xã Vạn Phúc đã dồn được hơn 149 ha với 1.693 hộ. Trong đó, số hộ có 1 thửa là 929 hộ (chiếm 54,6%), số hộ 2 thửa là 706 hộ (chiếm 41,7%), số hộ 3 thửa là 62 hộ (chiếm 3,6%). So với trước đó, tình trạng manh mún, nhỏ lẻ đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn những hộ có 3 thửa nhưng con số đó không nhiều.
Định hướng trong giai đoạn 2015-2020, xã Vạn Phúc tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu SX, đến năm 2015 cơ bản hoàn thành diện tích chuyển đổi trồng cây ăn quả (44,4ha). Phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15-16%/năm. Thu nhập bình quân đến năm 2016 đạt 25 triệu đồng/người/năm; đến năm 2016 đưa giá trị thu nhập đạt 200 triệu đồng/ha canh tác.
Sau thành công của DĐĐT, UBND xã Vạn Phúc tuyên truyền cho người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi quy hoạch vùng SX tập trung, trồng cây ăn quả có múi như bưởi, cam, quất. Cụ thể, năm 2014, xã vận động nhân dân trồng cây ăn quả có múi với tổng diện tích quy hoạch là 101ha. Đến ngày 20/9/2014, nhân dân đã chuyển đổi được 56,6/101ha, đạt 56% so với diện tích quy hoạch.
“Dự tính trong năm 2015, xã sẽ chuyển 100% diện tích sang cây ăn quả, trồng rau và xóa bỏ trồng ngô. Trước đây, thu nhập từ trồng ngô, lúa và các cây khác chỉ đạt 70 - 80 triệu đồng/ha”, ông Hải nói.
Chị Chử Thị Qúy, thôn 2, là người tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chia sẻ: “Trước đây, thửa ruộng nhà tôi chỉ trồng su hào với ngô, nhưng thu nhập rất thấp. Hưởng ứng chủ trương của huyện, gia đình tôi chuyển sang trồng cây quất, giá trung bình từ 100.000 - 200.000 đồng/cây, trừ chi phí, gia đình tôi thu được gần 100 triệu đồng/năm”.
Các loại cây đang trồng tại xã Vạn Phúc chủ yếu là giống tự ươm hoặc mua từ các viện nghiên cứu. Người dân phải bỏ chi phí khá lớn nên nhiều hộ còn gặp khó khăn do vốn ít. Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND huyện Thanh Trì hỗ trợ 50% giống cho những hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng quy hoạch. Nhưng theo phản ánh của các hộ gia đình, hiện tại chưa nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên.
Vạn Phúc là điển hình trong xây dựng NTM và DĐĐT của TP Hà Nội. Bài học kinh nghiệm được rút ra là phải có tinh thần đoàn kết, dám làm và dám hy sinh. Cán bộ phải là người đi đầu, gương mẫu, chịu nhận phần khó về mình. Chính quyền phải lắng nghe đóng góp của dân, giải đáp khúc mắc của họ.
Ngoài ra, luôn tuân theo quy tắc dân chủ, đặt lợi ích của nhân dân lên trước tiên. Luôn kiên trì trong vận động và đưa ra chính sách hỗ trợ đặc biệt với những hoàn cảnh khó khăn.
Theo: nongnghiep.vn