Trước cách mạng tháng Tám, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam được nhận diện trên một số mặt với một số đặc điểm nổi bật.
Nông nghiệp lạc hậu cả về quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất và kết quả sản xuất. Quan hệ ruộng đất mang nặng tính chất phong kiến, thuộc địa. Người nông dân là lực lượng chủ yếu của nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng diện tích đất canh tác, phần lớn ruộng đất đều nằm trong tay địa chủ và thực dân là chủ đồn điền. Cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu. Hệ thống thủy nông chỉ tưới tiêu cho 15% diện tích lúa, 85% phải dựa vào nước trời, nhiều nơi gặp cảnh “chiêm khê mùa thối”, “sống ngâm da, chết ngâm xương”, “6 tháng đi bằng chân, 6 tháng đi bằng tay”… Nông nghiệp mang nặng tính độc canh (trồng trọt chiếm 82,9% giá trị tổng sản lượng nông nghiệp, còn chăn nuôi chỉ chiếm 17,1%; trồng trọt chủ yếu là độc canh cây lúa nước). Năng suất, sản lượng đạt thấp. Lương thực hàng năm không đủ dùng trong nước (sản lượng thóc bình quân đầu người năm 1940 đạt 296 kg)…
Chính từ thực trạng nghèo đói, lạc hậu như trên, nên khi Đảng phát động làm cách mạng, người nông dân đã hưởng ứng mạnh mẽ, vùng lên giành chính quyền.
Từ khi cách mạng tháng Tám thành công, mặc dù đất nước phải trải qua nhiều năm kháng chiến, hàn gắn vết thương chiến tranh, nhiều lần bị tác động của các cuộc khủng hoảng từ bên ngoài, nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn đạt được nhiều thành tựu lớn.
Nhìn tổng quát, nhiều chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp năm 2011 đã gấp nhiều lần trước cách mạng.
NÔNG NGHIỆP NĂM 2011 SO VỚI TRƯỚC CM (lần). Nguồn: TCTK |
Nông dân được vinh danh là đội quân chủ lực của cách mạng. Công cuộc đổi mới cũng bắt đầu từ nông nghiệp. Chỉ với chủ trương nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, lương thực là trọng điểm số một, Việt Nam đã bảo đảm được an ninh lương thực (với mức bình quân đầu người năm 2011 đạt 536,5 kg), từ nước nhập khẩu lương thực lớn chuyển sang nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới (tính từ 1989 đến tháng 8/2012, lượng gạo xuất khẩu đã đạt khoảng 87 triệu tấn).
Nhờ an ninh lương thực bảo đảm, Việt Nam có điều kiện để phát triển nông nghiệp toàn diện. Tỷ trọng chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đã đạt 26,5%. Xuất khẩu nhiều loại nông, lâm, thuỷ sản đứng thứ hạng cao trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã chiếm trên 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (trong 8 tháng năm 2012 đã đạt khoảng 18 tỷ USD, chiếm trên 28% tổng kim ngạch xuất khẩu), cao hơn tỷ trọng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản trong GDP của cả nước.
Khu vực nông, lâm nghiệp- thủy sản đã góp phần để đất nước vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực và thế giới (1997-1998, từ cuối 2008- nay, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu).
Trong các cuộc khủng hoảng trên, xuất khẩu nông, lâm- thủy sản vẫn tăng về lượng và kim ngạch. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn góp phần vào việc giải quyết công ăn việc làm cho số lao động bị mất hoặc thiếu việc làm của khu vực thành thị, của các nhóm ngành công nghiệp- xây dựng và dịch vụ…
Việt Nam xuất phát từ nông nghiệp đi lên và hiện vẫn là nước nông nghiệp vì vậy phải có sự phấn đấu quyết liệt, đồng bộ mới có khả năng thực hiện được mục tiêu tổng quát mà chiến lược 10 năm 2011- 2020 đề ra là đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Những vấn đề cần được tiếp tục quan tâm xuất phát từ những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức của nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay. Để vượt qua, cần đặc biệt quan tâm đến một số vấn đề sau đây.
Coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là trọng điểm số một để đầu tư khoa học kỹ thuật- công nghệ làm tăng giá trị sản phẩm của khu vực này. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ nhằm phát triển bản thân ngành công nghiệp, nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế mà còn để phát triển nông nghiệp.
Tăng tỷ trọng vốn đầu tư theo nhóm ngành này tương đương với tỷ trọng trong GDP (hiện ở mức 22%, trong khi tỷ trọng vốn đầu tư xã hội chưa bằng một phần ba). Có cơ chế khuyến khích thu hút vốn các tổ chức, cá nhân đưa vốn về nông thôn.
Chúng ta cũng cần đẩy mạnh phát triển lĩnh vực chế biến để nâng cao giá trị tăng thêm của sản phẩm nông, lâm nghiệp- thủy sản.
Coi trọng thị trường trong nước, trong đó quan tâm đến thị trường nông thôn.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới- công cuộc đổi mới lần thứ hai ở nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần làm cho nông nghiệp, nông thôn song hành cùng đất nước trong tiến trình phát triển với mục tiêu năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đào Lâm
Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn