Theo các DN xuất nhập khẩu thủy sản, kể từ 1/1/2019 nhiều cảng cá đã dừng hoàn toàn việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ khai thác (S/C) cho các DN. Bởi vì, các cảng này không được chỉ định là cảng cá có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác như quy định tại Thông tư 21/2018. Việc này khiến cho các DN đã mua nguyên liệu từ cuối năm 2018 không thể xin được giấy chứng nhận S/C nên rất nhiều lô hàng sản xuất ra từ nguyên liệu này phải lưu kho vì không thể xuất khẩu đi EU.
Theo thống kê thì lượng hàng ứ đọng này tính đến 20/3/2019 đã lên tới 5.400 tấn nguyên liệu hải sản khai thác. Các DN đề nghị Bộ NN-PTNT sớm có giải pháp khơi thông cho nguồn hàng bị tồn đọng nói trên.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp |
Giải thích lý do dẫn tới quy định trên, Bộ NN-PTNT cho biết để giải quyết vấn đề vướng mắc xuất khẩu thủy sản trong nước vào thị trường EU khi thị trường này đã có cảnh báo thẻ vàng cần phải công bố danh sách cảng cá được chỉ định để xác định nguồn gốc thủy sản khai thác. Do điều kiện cấp bách, nếu để các tỉnh thành địa phương tự công bố danh sách thì sẽ rất lâu (mặc dù nhóm cảng cá loại 2 thuộc thẩm quyền tỉnh, loại 3 thuộc thẩm quyền huyện) nên Bộ NN-PTNT đã chủ động việc công bố cảng cá loại 1 và loại 2.
Ngày 26/3/2019, Bộ NN-PTNT đã ra Quyết định 988 về việc công bố danh sách 38 cảng cá ở 16 tỉnh thành ven biển được chỉ định để xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Trong đó có 18 cảng cá được xếp loại 1 và 20 cảng cá được xếp loại 2 nâng tổng số cảng đủ điều kiện xác nhận S/C lên thành 47 cảng. Nhưng hiện cả nước đang có 83 cảng cá, Bộ sẽ tiếp tục rà soát và công bố thêm danh sách các cảng cá có đủ điều kiện.
Phát biểu về nội dung này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn khẳng định trong thời gian qua Bộ đã điều chỉnh các quy định theo hướng thuận lợi nhất cho các DN thủy sản. Hiện các nước đối tác rất quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nên tất cả các sản phẩm thủy sản đều phải có giấy chứng nhận ở cảng nhập khẩu nước ngoài. Để tạo điều kiện tối đa cho DN, Bộ đã sửa quy định chỉ yêu cầu lấy giấy chứng nhận của chủ hàng.
Riêng về 5.400 tấn cá đang tồn đọng cần Bộ NN-PTNT hỗ trợ xử lý, Thứ trưởng Tuấn trực tiếp mời các DN đến và cùng bàn giải pháp vào chiều hôm nay (2/4).
Việc khảo, kiểm nghiệm những dòng, giống vật nuôi mới là cần thiết tuy nhiên nếu chiểu theo quy định của Luật Chăn nuôi thì tất cả các dòng, giống vật nuôi mới lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam trong đó bao gồm cả giống vật nuôi đã được nuôi phổ biến trên thế giới đều phải khảo, kiểm nghiệm thì lại gây tốn kém, mất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Vì vậy, các DN đề nghị sớm cắt bỏ quy định khảo kiểm nghiệm giống vật nuôi mà đã được nuôi phổ biến trên thế giới.
Các cơ quan, đơn vị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nông nghiệp |
Tương tự đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần lưu ý nguyên tắc công nhận lẫn nhau. Hiện các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm thuốc thú y chỉ thay đổi tên thương mại nhưng vẫn buộc phải kiểm nghiệm. Có những dạng TĂCN truyền thống vẫn phải đăng kí.
Đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc thú y thời gian xem xét cấp đăng kí quy định trong 6 tháng nhưng có những DN đăng kí đến hơn 1 năm mà vẫn không xong. Thêm nữa, thủ tục hành chính ở Cục Thú y vẫn rườm rà, DN vẫn phải nộp hồ sơ trực tiếp trong khi ở Cục Chăn nuôi cùng thuộc Bộ NN-PTNT đã thực hiện việc nộp hồ sơ qua thư điện tử.
Trả lời nội dung quản lý thức ăn chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương - Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đối với TĂCN có nguồn gốc thực vật Bộ NN-PTNT đã giao nhiệm vụ cho Cục BVTV, còn với TĂCN có nguồn gốc động vật thuộc quản lý của Cục Thú y. Tuy nhiên, cần phải làm rõ thêm rằng sản phẩm TĂCN là mặt hàng được ưu đãi thuế nên cần phân định rõ từng khái niệm để hỗ trợ cho đúng. Ví dụ, đối với các sản phẩm TĂCN truyền thống như bèo, khoai… Nếu không đăng kí rõ đây là TĂCN thì Bộ Tài chính không có căn cứ để tính hỗ trợ thuế. Về nội dung công nhận giống vật nuôi đã phổ biến trên thế giới, ông Dương khẳng khái hứa DN sẽ không bắt buộc phải khảo kiểm nghiệm.
Nói về nguyên nhân dẫn đến “chậm” thẩm định và cấp giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y, ông Đàm Xuân Thành - Cục phó Cục Thú y viện dẫn nhiều thuật ngữ chuyên môn, thậm chí viện dẫn cả nguyên nhân khách quan liên quan đến Bộ Y tế. Tuy nhiên, lý giải của ông Thành không nhận được sự đồng tình của Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm. “Sản phẩm thuốc thú y đăng kí rất chậm có những DN đăng kí 1 năm chưa xong. Cơ quan quản lý đưa nhiều giải thích nhưng chúng tôi chỉ quan tâm đến hiệu quả”, ông Nguyễn Thanh Sơn nói.
Về vấn đề này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cung cấp hồ sơ cụ thể để Tổ công tác Chính phủ được rõ.
Nội dung nhận hồ sơ đăng kí qua thư điện tử, Cục Thú y cho biết đang hoàn thiện và hứa sẽ triển khai thực tế vào cuối tháng 4/2019.
Liên quan đến bất cập về nộp thuế phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính cho phép kê khai và nộp tất cả các loại thuế liên quan đến phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu, vật tư dư thừa đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu được nộp cho cơ quan thuế nội địa chứ không phải phân chia danh mục và nộp cho hai cơ quan gồm Thuế và Hải quan như hiện nay. Nội dung này mặc dù đại diện Bộ Tài chính kiên quyết bảo lưu quan điểm nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng Chính phủ phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nộp thuế, không thể cùng một loại sản phẩm mà có tới hai đơn vị thu thuế. Ông Dũng yêu cầu Bộ Tài chính cần phải sớm sửa đổi quy định này. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn