Toàn cảnh sự kiện “Đầu tư tác động ở châu Á - một thị trường đa dạng và năng động - Việt Nam”
Hội thảo có tên gọi “Đầu tư tác động ở châu Á - một thị trường đa dạng và năng động - Việt Nam” tập hợp các thành viên chủ chốt từ doanh nghiệp, các nhà từ thiện và cộng đồng đầu tư nhằm thảo luận về tương lai của đầu tư tác động ở khu vực Đông Nam Á.
Hội thảo do Dự án “Đầu tư cho Phụ nữ” tổ chức với sự hợp tác của Mạng lưới Đầu tư Tác động toàn cầu (GIIN) và Mạng lưới Từ thiện Liên doanh châu Á (AVPN) cùng với sự đồng chủ trì của Ngân hàng Standard Chartered, được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu báo cáo do GIIN thực hiện về thị trường đầu tư tác động toàn cầu và khu vực; phản ánh về các cơ hội đầu tư tác động từ các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam và một buổi giao lưu kết nối mạng lưới với các đồng nghiệp đến từ cộng đồng đầu tư tác động Việt Nam và các cộng đồng tài chính rộng lớn hơn.
Đầu tư tác động là các khoản đầu tư vào các công ty, tổ chức, và các quỹ với ý định tạo ra tác động xã hội và môi trường. Đầu tư tác động có xu hướng có nguồn gốc từ các vấn đề xã hội hoặc các vấn đề môi trường.
Các nhà đầu tư tác động được phân biệt chủ yếu bởi ý định của họ để giải quyết những thách thức xã hội và môi trường thông qua việc triển khai vốn của họ.
Theo Wikipedia
Trong 5 năm qua, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là thị trường đầu tư phát triển nhanh nhất trên toàn cầu. Các nhà đầu tư tác động cá nhân (PIIs) và các tổ chức tài chính phát triển (DFIs) đã được thu hút đến khu vực này với nhiều hoạt động, đặc biệt trong các nền kinh tế năng động ở Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Theo báo cáo của GIIN-Intellecap, Việt Nam nổi lên là thị trường hấp dẫn của dòng vốn đầu tư tác động, với gần một nửa các thương vụ đầu tư tác động đã được thực hiện từ năm 2015. Tuy nhiên, với số vốn đầu tư tác động ban đầu và số lượng các tổ chức chuyên về tác động còn hạn chế, việc tìm kiếm các thương vụ đầu tư tác động vẫn còn thách thức.
Nhìn chung, kể từ năm 2007, sau 10 năm đã có 10 PIIs giải ngân gần 26 triệu USD trong tổng số 23 thương vụ đầu tư được ký kết; 6 DFIs đã đầu tư trực tiếp 1,4 tỷ USD trong tổng số 50 thương vụ đầu tư so với 10 năm trước đó. Quan trọng hơn, dòng vốn đầu tư này giúp tạo ra các tác động tích cực cho xã hội.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo |
Phát biểu tại sự kiện, bà Rebecca Bryant, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết: “Chính phủ Úc mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài với các nhà đầu tư trong nước, trong khu vực và toàn cầu mà có thể đem các cách tiếp cận dựa vào thị trường để giải quyết các vấn đề phát triển khó khăn nhất trên thế giới, đặc biệt là giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới. Nếu như các nhà đầu tư tác động muốn tạo ra tác động xã hội mạnh hơn - tiếp cận sâu hơn vào các thị trường chưa được khai thác ở các nước đang phát triển như Việt Nam, thì họ cần nhanh chóng đưa vào chiến lược đầu tư của họ”.
Theo ông Abhilash Mudaliar, Giám đốc Nghiên cứu GIIN: “Việt Nam là một thị trường đầu tư tiềm năng, với gần một nửa các hợp đồng đầu tư được ký kết trong thập kỷ qua được thực hiện từ năm 2015. Cơ hội đầu tư tác động vẫn hấp dẫn trong các dịch vụ tài chính, y tế và giáo dục - phản ánh nhu cầu đầu tư vào các dịch vụ cơ bản cho người dân trong nước".
"Theo tôi, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo ra một loạt các ưu đãi để các doanh nghiệp xã hội phát triển trong thời gian tới đây”, ông Abhilash Mudaliar bày tỏ.
"AVPN vui mừng được là đơn vị kết nối dòng vốn đầu tư tác động vào Việt Nam thông qua mối quan hệ đối tác với Dự án Đầu tư cho phụ nữ và GIIN", về phía mình, bà Naina Subberwal Batra, Chủ tịch AVPN cho biết.
Ông Nirukt Sapru, CEO cho Việt Nam và ASEAN và Thị trường Nam Á của Standard Chartered phát biểu: "Chúng tôi tự hào là đối tác địa phương của AVPN để giúp thúc đẩy đầu tư tác động vào Việt Nam. Là một ngân hàng quốc tế hàng đầu, sẽ kỷ niệm 115 năm hiện diện tại Việt Nam vào năm 2019, chúng tôi cam kết thúc đẩy dòng vốn đầu tư mạnh mẽ thông qua các chương trình khác nhau để mang lại lợi ích cho người dân và cộng đồng ở Việt Nam”.
Về Dự án Đầu tư cho Phụ nữ
Đầu tư cho Phụ nữ là một sáng kiến của Chính phủ Úc giúp góp phần cho tăng trưởng kinh tế toàn diện và giảm nghèo ở Đông Nam Á.
Mục tiêu của chương trình là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động và làm lãnh đạo doanh nghiệp; nâng cao tiếng nói của phụ nữ trong việc ra quyết định và lãnh đạo; và tạo ảnh hưởng đến các khu vực công và tư để nhận ra và thúc đẩy giá trị bình đẳng giới.
Dự án Đầu tư cho Phụ nữ hợp tác với các nhà đầu tư tác động để tăng cường việc tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ ở Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn