Ngay sau phát biểu mở đầu phiên họp sáng nay của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13.
Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, chính sách hiện hành liên quan đến phục hồi sinh kế, ổn định đời sống kinh tế chưa đảm bảo để cuộc sống của người dân sau tái định cư phát triển bền vững, khả năng phục hồi kinh tế và ổn định cuộc sống diễn ra chậm, phải kéo dài nhiều năm. Cuộc sống của đa số người dân sau thời hạn hỗ trợ của dự án (khoảng 2 - 3 năm) vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo nêu cụ thể như trường hợp khu tái định cư xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình thực hiện di dân để xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình đã gần 40 năm nhưng đến nay cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều yếu kém. Toàn xã vẫn còn 49% hộ nghèo và hơn 30% hộ cận nghèo.
Khu tái định cư xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cũng có gần 21.000 hộ di dân tái định cư để xây dựng công trình thủy điện bản Vẽ. Chuyển đến nơi ở mới đã 5 năm nhưng nhiều gia đình vẫn chưa ổn định đời sống, sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm tới 89,58%...
Thống kê ở 20 tỉnh, thành phố từ năm 2006 – 2010 đã có 298.093 lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, nhưng chỉ có 177.894 lao động có việc làm. Còn số liệu từ 2003 – 2008 của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp đã tác động đến đời sống của trên 627.000 gia đình và khoảng 95.000 lao động, 2,5 triệu nhân khẩu nông nghiệp.
Trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất ở có 1,5 lao động không có việc làm, mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi có tới 13 lao động mất việc làm phải chuyển đổi nghề nghiệp.
Báo cáo giám sát nhấn mạnh: “Tình trạng thất nghiệp, không có việc làm đang là vấn đề bức xúc ở nhiều vùng thu hồi đất, tái định cư”.
Thực tế, chênh lệch quá cao giữa giá bồi thường cho người dân khi thu hồi đất (từ đất nông nghiệp) và giá bán của nhà đầu tư trên thị trường sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đang là vấn đề gây bức xúc cho người dân.
Cơ quan giám sát yêu cầu Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện công tác tái định cư và các văn bản pháp luật có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện khung giá đất và chính sách bồi thường hợp lý cho người dân, quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không phải do người sử dụng đất tạo ra, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân bị thu hồi đất.
Phương án bồi thường dùng đất đổi đất, bồi thường bằng tiền, góp vốn hoặc giá trị quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp như đóng góp cổ phần… cũng là những hướng gợi ý đối với các địa phương khi tiến hành việc thu hồi đất./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn