Nhân rộng cách làm hay Đến nay, cả nước đã có gần 2.000 xã và 23 huyện đạt chuẩn NTM. Dự báo, đến hết năm nay sẽ có khoảng 25% số xã và khoảng 35 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Với những cách làm sáng tạo, phát huy lợi thế sẵn có, biết khơi dậy sức dân, nhiều địa phương đã đạt kết quả cao trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Long An… Bằng cách huy động tiền mặt, hiến đất, đóng góp ngày công, sau một thời gian triển khai xây dựng NTM, tỉnh Hưng Yên đã huy động được gần 20 nghìn tỷ đồng từ nhân dân, trong đó riêng việc người dân tự đầu tư xây dựng công trình nhà ở, công trình phụ trợ… được hơn 14 nghìn tỷ đồng. Tỉnh cũng đã hỗ trợ hơn 200 tỷ đồng để các địa phương xây dựng hơn 1.000 km đường giao thông tới tận thôn xóm. Theo đó, đã có hơn 60% số xã đăng ký xây dựng NTM đạt tiêu chí về giao thông, trong đó có nhiều điểm sáng về phong trào nhân dân tự nguyện hiến đất làm đường giao thông như các xã Nhân Hòa (Mỹ Hào), Yên Phú (Yên Mỹ), Bảo Khê, Hồng Nam (TP Hưng Yên); Phù Ủng (Ân Thi); Đình Cao (Phù Cừ),... Nét mới trong xây dựng NTM của tỉnh là tập trung làm những việc dân cần, xã hội cần để mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng. Không tệ nạn xã hội, không ô nhiễm môi trường, không lãng phí, hủ tục lạc hậu trong việc hiếu, việc hỷ là mô hình “ba không” đang trở thành điểm nhấn quan trọng trong xây dựng NTM tại địa phương. Với cách làm hay, sáng tạo, đến nay Hưng Yên đã đạt gần 15 tiêu chí/xã; đã có 35 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp, tỉnh Hà Nam chú trọng nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích các hộ nông dân tham gia sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Xây dựng cánh đồng mẫu lớn hiệu quả, phát triển các trang trại bò sữa quy mô công nghiệp, tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGap, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ…, tỉnh Hà Nam đã và đang tạo ra lợi thế cao cho sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh đã có 33 xã đạt chuẩn NTM. Tại Nam Định, dù còn nhiều khó khăn khi bắt tay xây dựng NTM, nhưng nhờ biết phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và các nguồn lực cho nên phong trào đã đạt kết quả cao, được đánh giá như một “kỳ tích” của địa phương. Nam Định kiên quyết không công nhận những xã có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn dù đã hoàn thành các tiêu chí NTM; đồng thời chỉ đạo các địa phương tùy theo khả năng thực tế để làm, không chạy theo thành tích, không khởi công những công trình, dự án khi chưa có đủ vốn... Tính đến nay, tỉnh đã có 112 trong số 209 xã, thị trấn được công nhận xã đạt chuẩn, vượt 18,6% so với kế hoạch và cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước là 37,6%. Sau thời gian triển khai Chương trình xây dựng NTM, hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được cải tạo, nâng cấp và xây mới đồng bộ. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ và hiệu quả cao, sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp phát triển. Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục; thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… Đổi mới tư duy Bên cạnh những địa phương có thành tích tốt trong phong trào xây dựng NTM, hiện vẫn còn nhiều địa phương chưa phát huy tiềm năng và khơi dậy nguồn lực trong cộng đồng dân cư, cho nên kết quả còn nhiều hạn chế. Cả nước vẫn còn nhiều xã chỉ đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó riêng các tỉnh miền núi phía bắc còn 211 xã. Một số tỉnh như Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên có rất ít xã đạt chuẩn, thậm chí tỉnh Bắc Cạn chưa có xã nào đạt chuẩn NTM. Những xã khó, nằm trong địa bàn khó, đó là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó phát triển, rất cần có cách làm mới, sáng tạo, được sự hỗ trợ của Trung ương và cả nước. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM, thời gian tới các địa phương cần giải quyết triệt để và không để phát sinh tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, cần phải thay đổi nhận thức, từ suy nghĩ đến hành động, tránh tình trạng người dân thì bị động, thậm chí ỷ lại, chờ đợi ngân sách nhà nước, trong khi một số địa phương đầu tư vốn không sát điều kiện thực tiễn, vừa lãng phí vừa kém công năng sử dụng. Việc làm này đã làm tăng nợ đọng trong xây dựng cơ bản như nhiều nơi đang phải gánh chịu. Cần thực hiện tốt chủ trương, nhân dân làm chủ, Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân chủ động trong công việc xây dựng NTM. Các địa phương tập trung hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, nhất là đối với xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, có giải pháp, cơ chế chính sách để cải thiện một bước về môi trường nông thôn một cách toàn diện. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình về phát triển sản xuất gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của từng vùng..., trên cơ sở đó sẽ đề xuất nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn. Để xây dựng NTM đích thực, hiệu quả, bền vững, các địa phương không chạy theo thành tích, phong trào, phải tạo ra được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Người làm phong trào phải hiểu người dân muốn gì, cần gì chứ không áp đặt chủ trương, chính sách máy móc, gây lãng phí tiền của nhân dân, thậm chí gây bất bình trong cộng đồng xã hội. Một mặt rà soát lại để xây dựng tiêu chí mới phù hợp, bỏ tiêu chí không phù hợp, mặt khác cần xử lý kiên quyết các sai phạm trong xây dựng NTM thời gian vừa qua, khen thưởng kịp thời những địa phương, tổ chức, cá nhân đạt thành tích tốt. Về chủ trương, cơ chế, chính sách, Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình MTQG xây dựng NTM đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện thủ tục trình Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, đồng thời xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Hiện nay, vấn đề bức xúc, khó khăn nhất là xử lý rác thải, cung cấp nước sạch, trong khi kinh phí nhà nước hạn chế, do vậy các địa phương đề nghị Chính phủ tạo cơ chế nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, đầu tư, ứng dụng, chuyển giao các nghiên cứu khoa học vào thực tiễn theo hướng xã hội hóa... Theo Dũng Minh/nhandan.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn