PV: Thưa Giáo sư, việc đánh giá thành tựu trong nghiên cứu giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa, có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược. Vậy xin Giáo sư cho biết đánh giá của Giáo sư?
Giáo sư Võ Tòng Xuân: Giống cây trồng của nước ta rất phong phú nhờ sự chọn lọc thiên nhiên từ nhiều nghìn năm trước rồi được thuần hóa hoặc chọn lọc lại do con người. Trong lãnh vực cây lúa, công tác chọn giống đã được ông bà tổ tiên chúng ta thực hiện từ ngàn xưa, đến bây giờ chúng ta còn tiếp tục chọn giống thích nghi để sử dụng tại vùng sinh thái của mình từ các giống lúa nhập nội của Viện Lúa Quốc tế (IRRI) lai tạo. Trong những năm đầu thập kỷ 1970, IRRI đưa sang miền Nam Việt Nam nhiều giống lúa cao sản có chu kỳ 110-125 ngày. Sau khi chiến tranh chấm dứt, chúng tôi đưa về vài giống lúa kháng rầy nâu trong đó có giống IR36 có chu kỳ chỉ 105 ngày để cứu nguy vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tiếp tục với giống nhập, hằng năm chúng tôi chọn giống từ hàng trăm dòng lai thế hệ F4-F5 của IRRI để sau đó chọn ra một hoặc hai giống tốt nhất được Bộ Nông nghiệp công nhận đưa vào sản xuất. Đồng thời lúc ấy chương trình lai tạo giống lúa của Viện Lúa Ô Môn và của Đại học Cần Thơ cũng đã bắt đầu. Ở đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), các nhà chọn giống của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Cây lương thực và thực phẩm (Gia Lộc), và trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội bắt đầu lai tạo giống lúa song song với công tác tuyển chọn giống lúa từ giống nhập. Khi Ông Yuan Longping, cha đẻ của lúa lai Trung Quốc (LLTQ), khám phá kỹ thuật tạo hạt giống lúa lai, thì Viện IRRI cũng áp dụng chương trình này và đưa sang Việt Nam thử nghiệm trồng giống lúa lai. Kết quả trồng giống lúa lai tại ĐBSCL không khả quan và không được chấp nhận vì không giống nào kháng rầy nâu và phẩm chất gạo không ngon. Trái lại, tại ĐBSH giống lúa lai được ưa chuộng vì thích nghi với sinh thái và năng suất cao hơn các giống Việt Nam đối chứng. Chúng ta bắt đầu nhập giống LLTQ vào miền Bắc trồng thử nghiệm, có kết quả rất phấn khởi với năng suất cao, mặc dù phẩm chất gạo không ngon cơm. Cùng với phong trào ồ ạt nhập giống LLTQ bởi các trung tâm giống của các tỉnh miền Bắc, trường Đại học Nông nghiệp I thành lập Viện Nghiên cứu Lúa, tiền thân của Viện Nghiên cứu và Phát triển Cây trồng hiện nay, đã lai tạo được giống lúa lai đầu tiên của nước ta là giống VL 20, VL 24, VL 50, đồng thời Viện cũng lọc thuần nhiều giống lúa ngon cơm cổ truyền của miền Bắc để phổ biến cho nông dân các tỉnh như giống Hương Việt, Bắc Thơm 7, Hương Cẩm 4, Nếp Cẩm ĐH6.
Tôi nghĩ là người trồng lúa miền Bắc nếu cứ buộc phải trồng lúa trên mảnh ruộng nhỏ bé của mình thì sẽ không bao giờ đủ gạo ăn và làm giàu được nhờ cây lúa. Trong khi đó, trong mùa đông giá rét, cây khoai tây rất thích rét và có thể cho năng suất 15-25 tấn/ha… |
Trong báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT(http://www.mard.gov.vn/Lists/bonongnghiep_News/Attachments/40835/giong%20cay%20trong.xls), đến ngày 22/01/2015, Bộ đã cho đăng ký và cho phép sản xuất kinh doanh 814 giống cây trồng các loại, trong đó có sáu giống lúa thuần, 149 giống lúa tẻ, 21 giống nếp và 84 giống lúa lai. Trong danh sách này chưa có tên rất nhiều giống lúa đang được trồng phổ biến ở ĐBSCL. Theo Giáo sư Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội giống cây trồng Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên Cổng thông tin Điện tử Chính phủ, diện tích trồng lúa lai trong cả nước chiếm 500-600 ngàn hecta, chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB), tức là chiếm khoảng phân nửa diện tích lúa miền Bắc. Lượng hạt giống lúa lai VL và TH của ta sản xuất chỉ đạt 30% nhu cầu, nên 70% còn lại là giống lúa lai nhập từ Trung Quốc.
Vậy đâu là nguyên nhân chính của thực trạng đó?
Chúng ta đã có nhiều cố gắng lai tạo giống lúa tại các viện, trường ở ĐBBB, nhưng có lẽ vì chưa đạt năng suất như các giống LLTQ nên chưa được các địa phương sản xuất rộng rãi. Các yếu tố về nhân lực chuyên môn kém và kinh phí nghiên cứu thiếu là nguyên nhân chủ yếu đưa đến tình trạng này, trong khi nhập giống nước ngoài về khảo nghiệm thì đơn giản và ít tốn kém hơn.
Trong sinh thái nông nghiệp của miền Bắc nước ta, tôi rất nhất trí với nhiều chuyên gia, trong đó có chuyên gia Pháp đã có nhiều kinh nghiệm ở miền Bắc, cho rằng trồng lúa ở ĐBSH muốn chiến thắng phải chế ngự bốn kẻ thù: đó là xuân, hạ, thu, đông. Thực vậy, vào mùa nào nông dân trồng lúa cũng phải chống: hết chống rét đến chống hạn, rồi chống úng và chống bão lụt. Trong khi đó diện tích trồng trọt của mỗi nhân khẩu ngày càng teo dần, không được bao nhiêu sào, thì người nông dân trồng lúa biết chừng nào mới hết thiếu ăn và làm giàu được? Tôi nghĩ là người trồng lúa miền Bắc nếu cứ buộc phải trồng lúa trên mảnh ruộng nhỏ bé của mình thì sẽ không bao giờ đủ gạo ăn và làm giàu được nhờ cây lúa. Trong khi đó, trong mùa đông giá rét, cây khoai tây rất thích rét và có thể cho năng suất 15-25 tấn/ha dễ dàng, theo một số nghiên cứu mới đây ở miền Bắc. Vấn đề là Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đi tìm thị trường cho khoai tây Việt Nam, và chính sách lâu dài tập cho cư dân miền Bắc trở thành khách hàng thường xuyên của nông sản thích hợp nhất của miền Bắc là khoai tây, bắt đầu từ các nhà trẻ mẫu giáo, thích ăn khoai tây, lấy khoai tây làm bữa ăn thường xuyên như người dân Tây phương. Khoai tây và nhiều nông sản khác rất thích hợp sinh thái miền Bắc và sẽ làm cho nông dân giàu nhanh, như nhiều loại rau quả, mà bây giờ ta đã thấy bắt đầu triển vọng là vải thiều xuất sang Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc...
Chúng ta rất mong các nhà lãnh đạo đất nước sẽ đổi mới tư duy về phát triển nông nghiệp, nhất là trong phát triển cây lương thực và thực phẩm, để có chính sách thích hợp hơn nữa, đưa nông dân ta vào các chuỗi sản xuất nông nghiệp để làm giàu, chấm dứt tập quán lâu đời đã giữ mãi người dân phải thật cần cù sản xuất một cách kém hiệu quả như hiện nay.
Xin cảm ơn Giáo sư.
PV thực hiện
Theo tiasang.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn