Tuy nhiên, theo khảo sát Giải mã người tiêu dùng nông thôn vừa được hãng nghiên cứu Nielsen công bố, đa số doanh nghiệp vẫn bỏ ngỏ thị trường đầy tiềm năng này do thiếu thông tin về thói quen tiêu dùng.
Khảo sát của Nielsen cho thấy người tiêu dùng nông thôn Việt Nam rất lạc quan về tương lai. Khi thu nhập tăng lên, họ rất tích cực cải thiện cuộc sống và đầu tư giáo dục cho con cái. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn thận trọng khi mua sắm, thích các sản phẩm có uy tín và ít rủi ro. Bên cạnh đó, quyết định mua hàng của họ cũng bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác hơn người tiêu dùng thành thị.
Siêu thị vẫn chưa phải kênh mua sắm phổ biến nhất tại nông thôn. Ảnh: PV |
Trong các hình thức mua sắm, kênh bán lẻ truyền thống là chợ vẫn phổ biến nhất. Sau đó mới tới cửa hàng tạp hóa và siêu thị. Cụ thể, người mua chủ yếu quan tâm tới các mặt hàng như chăm sóc gia đình - cá nhân, thức uống, gia vị và sản phẩm từ sữa ở các cửa hàng hiện đại. Còn thực phẩm tươi sống, gia vị thông thường và vật dụng gia đình vẫn được mua tại kênh thương mại truyền thống.
Khảo sát cũng cho thấy phương tiện tiếp cận thông tin chủ yếu của người tiêu dùng nông thôn vẫn là truyền hình, với 99% người được hỏi xem một cách thường xuyên. Tỷ lệ này ngang với thành thị và chiếm đến 88% tổng số nội dung họ được xem. Truyền miệng cũng được coi là nguồn tin uy tín và có ảnh hưởng lớn. Các kênh khác như tờ rơi hay quảng cáo trực tuyến đều được đánh giá không hiệu quả.
Vì vậy, theo Nielsen, để thành công, các doanh nghiệp cần hiểu rõ giá trị và nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn. Bên cạnh đó, họ nên đa dạng hóa các kênh mua sắm và sản phẩm nhằm đáp ứng tính hiếu kỳ của người mua. Cách tiếp cận theo lối truyền miệng, qua khách hàng cũ hoặc người bán hàng, cần được phát huy. Quảng cáo trên truyền hình và kỹ thuật số cũng phải được tận dụng để kết nối với nhóm người tiêu dùng trẻ.
Hà Thu
Theo vnexpress.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn