Nguyên nhân sụt giảm có nhiều, nhưng cơ bản là do thị trường lớn nhất, thuận lợi nhất - Trung Quốc, nâng yêu cầu đối với nông sản nhập khẩu (siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, nâng cao yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm dịch vệ sinh động thực vật,…).
Nhưng thực ra, theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế và người viết, các yêu cầu phía Trung Quốc đặt ra là thông lệ chung của thế giới mà chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu, rộng và toàn diện.
Vậy thì nguyên nhân sụt giảm là gì? Theo người viết và nhiều chuyên gia, là do chúng ta chưa thích ứng được các yêu cầu của thị trường nói chung, thị trường Trung Quốc nói riêng. Cũng có người cho rằng, do ta chưa đối phó kịp với yêu cầu của Trung Quốc.
Theo từ điển mở Wiktionary, “Thích ứng” là động từ, có nghĩa: Có những thay đổi cho phù hợp với điều kiện mới, yêu cầu mới.
Cũng theo Từ điển mở Wiktionary, “Đối phó” là động từ, có nghĩa: tìm cách chống lại điều bất lợi cho mình; hoặc theo Tra từ của Soha, “Đối phó” có nghĩa: Có hành động đáp lại tình thế bất lợi để tránh cho mình điều không hay.
Theo nghĩa của từ điển, có thể hiểu, “Thích ứng” là ứng biến (thay đổi hay cách ứng phó) với sự việc một cách thích hợp, có ý nghĩa lâu dài, mang tính hệ thống và bền vững. Còn “Đối phó” chỉ là chiến thuật ứng phó với sự việc, tuy có thể có nhiều người tham gia cùng đối phó nhưng không mang tính hệ thống chiến lược mà chỉ là đối phó với sự việc đơn lẻ.
Qua đó có thể hiểu, để triệt tiêu nguyên nhân gây giảm tốc của xuất khẩu nông sản nói chung, vào thị trường Trung Quốc nói riêng do yêu cầu khắt khe các thị trường đề ra, chúng ta phải nâng cao năng lực thích ứng cho cả nông dân, doanh nghiệp, cả cơ quan quản lý và chức năng của nhà nước các cấp.
Theo đó, các cơ quan chức năng của Nhà nước các cấp cần chủ động cung cấp thông tin về những yêu cầu mới của từng thị trường; chủ động tập huấn, giải đáp cụ thể từng vấn đề với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng về các Hiệp định thương mại đa phương và song phương mà chúng ta đã ký, nhất là những yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã, bao bì, quy cách đóng gói, phân loại thị trường cũng như văn hóa của từng thị trường. Đồng thời cầm trịch mối liên kết giữa các nhà, nhất là giữa Doanh nghiệp với Nhà nông.
Trong chuỗi giá trị của từng sản phẩm, doanh nghiệp phải là đầu tàu dẫn dắt nhà nông, nhà vườn, chủ trang trại về mọi mặt (cung ứng giống, quy trình kỹ thuật và vật tư, sản xuất quy mô lớn để tạo sự đồng nhất về chất lượng sản phẩm). Đồng thời nâng cấp trang thiết bị, áp dụng công nghệ mới để cung cấp ra thị trường sản phẩm an toàn, quá trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường. Và nghiên cứu để đa dạng sản phẩm phù hợp thị hiếu từng thị trường.
Về phía nhà nông, nhà vườn, chủ trang trại, cần tham gia liên kết sản xuất trong tổ hợp tác, hợp tác xã để tiếp cận doanh nghiệp dễ dàng (doanh nghiệp không thể liên kết với từng hộ). Thực hiện đúng những cam kết đã thỏa thuận với doanh nghiệp. Doanh nghiệp và nhà nông cùng các nhà khác phải liên kết trên cơ sở “Chúng ta là một” thì mới phát huy được lợi thế khí hậu đặc thù để giành lợi thế trong cạnh tranh toàn cầu.
Thực tế cho thấy, Trung Quốc luôn là thị trường lớn của nông sản Việt Nam, các thị trường khác cũng là những tiềm năng lớn để ta mở rộng khối lượng và giá trị xuất khẩu. Theo nhiều chuyên gia và người viết, để vừa nâng cao giá trị, vừa mở rộng thị trường và mở rộng mặt hàng nông sản xuất khẩu, chúng ta phải thích ứng với những điều kiện mới của cuộc chơi. Nhắc lại một lần nữa là, Thích ứng chứ không phải là Đối phó.