Cổng làng của xã Thiệu Trung đang xây dựng Thành quả đến từ lòng dân Đến với xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa) vào những ngày giáp Tết, bước qua cổng làng mới được xây dựng kiên cố to đẹp, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của nơi đây so với 2 năm về trước. Nếu quay trở lại thời điểm cách đây hai năm, khi lần đầu tiên về xã, lúc đó, Thiệu Trung vẫn còn nghèo, điện, đường, trường, trạm…hầu như chưa có gì. Được lựa chọn là xã điểm xây dựng NTM của cả tỉnh, khi hiện tại mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí, vẫn còn đó 13 tiêu chí khó có thể thực hiện. Chẳng hạn, tiêu chí về môi trường, tiêu chí về văn hóa, tiêu chí giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng hay tiêu chí thu nhập của người dân... Nhưng tính đến thời điểm này, Thiệu Trung đã hoàn thành thắng lợi với 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, quả là một kỳ tích. Chỉ qua 2 năm tổ chức thực hiện, tổng số tiền đầu tư cho chương trình xây dựng NTM lên tới 79,63 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ nhân dân địa phương đóng góp lên tới 49,3 tỷ đồng (chiếm 61,96%) vốn từ các doanh nghiệp là 3,28 tỷ đồng (chiếm 4,1%) 6/6 thôn đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa, 100% các hộ dân được sử dụng nước sạch, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,39%, thu nhập bình quân đầu người đạt 22,9 triệu đồng/người/năm( trong đó thu nhập bình quân đầu người của cả tỉnh là 10,3 triệu đồng (năm 2011)….Qua đó, cho thấy vị trí và vai trò quyết định của nhân dân trong xây dựng NTM của Thiệu Trung là rất quan trọng. Xây dựng về chiều sâu Trả lời cho những thắng lợi mà Thiệu Trung đã đạt được hôm nay, ông Trương Trọng Giáp - Phó Bí thư Thường trực, Phó trưởng ban xây dựng NTM cho biết, ngay từ khi triển khai xây dựng NTM, Đảng bộ xã Thiệu Trung xác định đây là một chương trình lớn, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm vận động tuyên truyền, gắn kết các tầng lớp nhân dân. Trong năm 2012, Thiệu Trung cũng đã phối hợp triển khai trồng được 50 ha mía nguyên liệu, với giá trị thu được 120 triệu/ha; vận động nhân rộng mô hình làng nghề truyền thống với 46 hộ gia đình tham gia nghề đúc đồng, với 2 công ty trung chuyển hàng hóa bán đi cả nước... "Những tiêu chí tưởng chừng không thể thực hiện lại có thể vượt qua. Sức mạnh từ chính nhân dân là một trong những điều kiện quyết định nhất”, ông Giáp khẳng định. Ông Nguyễn Văn Hùng, thôn trưởng thôn 5 chia sẻ, chỉ riêng năm 2012 nhiều hộ gia đình ủng hộ, tham gia đóng góp lên tới đôi ba triệu, chưa kể hiến đất làm đường. Gia đình chúng tôi cũng đã đóng góp hơn 1 triệu đồng. Cho dù có phải đóng góp nhiều hơn nữa để xây dựng NTM, chúng tôi cũng sẵn lòng. Vì thành quả của NTM là thành quả dành cho chính chúng tôi”. Mặc dù chương trình xây dựng NTM về cơ bản đã hoàn thành 19 tiêu chí, song để giữ và phát huy những thành quả đã đạt được là cả một chặng đường đầy gian khó. Theo ông Trần Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng ban xây dựng NTM, cần phải xác định xây dựng chương trình này theo chiều sâu, lựa chọn kinh tế mũi nhọn làm điểm. " Với tiềm lực của một làng nghề đúc đồng cổ truyền, và muốn nâng cao giá trị về kinh tế mà ngành nghề này mang lại, đồng thời giữ gìn được giá trị văn hóa của cha ông, chúng tôi sẽ chủ động tìm kiếm thị trường, phát động nhân rộng mô hình làng nghề trong cả xã, nâng cao tiềm lực về kinh tế, thu nhập cho người dân”, ông Tiến khẳng định. Đình Giang |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn