Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp Nhật Bản tại thành phố Đà Lạt đã đạt hiệu quả cao. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN |
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn hợp tác thương mại Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp do Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 10/3.
Ông Ichiro Abe - cố vấn cao cấp về xúc tiến đầu tư của JICA nhận định, nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển trong tương lai. Thế mạnh sẵn có ở một số mặt hàng như cà phê, điều, tiêu, gạo, cao su, chè… giúp Việt Nam trở thành nơi cung cấp nguồn nguyên liệu sản xuất dồi dào bậc nhất thế giới.
Việt Nam cũng được xác định là một trong những thị trường tiêu thụ nông sản số lượng lớn, đặc biệt là nhu cầu nông sản chất lượng cao đang ngày càng gia tăng. Đây là cầu nối đặc biệt và cửa ngõ quan trọng để nông sản các nước khác tiếp cận vào khu vực thị trường rộng lớn bao gồm cả ASEAN và Trung Quốc.
Theo ông Ichiro Abe , Chính phủ Nhật Bản đang tích cực kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam thông qua các hình thức liên kết và chuyển giao kỹ thuật nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
Về hợp tác thương mại giữa Việt Nam - Nhật Bản, ông Lê An Hải - Phó Vụ trưởng, Vụ Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, hai bên có quan hệ trao đổi thương mại nông sản khá sớm và hiện đã đạt được nhiều thỏa thuận về việc mở cửa đối với sản phẩm thông qua các cam kết cắt giảm thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản, ASEAN - Nhật Bản... Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường Nhật Bản và tạo được vị thế mới trong việc xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Tuy nhiên, hội nhập cũng đang tạo ra rất nhiều áp lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam vì phải cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước với nông sản chất lượng cao từ nước ngoài; trong đó có nông sản Nhật Bản. Đối với xuất khẩu, nông sản Việt Nam còn gặp rất nhiều rào cản về kỹ thuật vì Nhật Bản là nước có quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm rất khắt khe.
Để tăng kim ngạch và giá trị xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật Bản nói riêng, thị trường quốc tế nói chung, ngành nông nghiệp Việt Nam phải có chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết và hợp tác với các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Nhật Bản.
Nhận định về cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp, Tiến sĩ Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II) cho rằng tiềm năng liên kết rất dồi dào. Việt Nam hiện có hơn 10.000 hợp tác xã nông nghiệp, đây cũng là mô hình kinh tế đang được cả Chính phủ và chính quyền các địa phương khuyến khích phát triển với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực.
Khi phần lớn nông hộ Việt Nam đều sản xuất ở quy mô nhỏ, lẻ thì việc liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp Nhật Bản dễ dàng tiếp cận với diện tích sản xuất có quy mô lớn hơn, từ đó có thể cung ứng sản phẩm cho các đối tác cần số lượng lớn và ổn định. Mặt khác, hơn 90% số hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam chỉ mới tập trung vào hoạt động sản xuất mà chưa có các dịch vụ marketing để tiêu thụ sản phẩm. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các dịch vụ phát triển thị trường cho nông sản Việt Nam, đem lại lợi ích cho cả hai bên - ông Hải phân tích.
Ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nông nghiệp là một trong những ngành nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất bởi quá trình hội nhập. Thời gian qua, các dự án hỗ trợ, đầu tư của Nhật Bản vào nông nghiệp Việt Nam bước đầu đã đạt những kết quả tích cực.
Để việc hợp tác thương mại và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có hiệu quả, ngoài việc tạo thuận lợi thương mại cho sản phẩm nông sản, Việt Nam mong muốn Nhật Bản tích cực hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, thiết bị, công nghệ chế biến nhằm nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh tại thị trường Nhật Bản cũng như quốc tế.