“Nếu sự hấp dẫn của Việt Nam chỉ là tiền lương, các công ty sẽ sớm tìm đến Campuchia và Myanmar”.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được mệnh danh là công xưởng sản xuất thế giới với việc hội tụ đủ mọi yêu cầu mà các nhà sản xuất lớn nhất trên thế giới đều tìm kiếm: Chi phí lao động rẻ, nhân lực dồi dào, tay nghề đã qua đào tạo, các chính sách ưu đãi, hạ tầng tốt,...
Với sự phát triển nhanh chóng trong 2 thập niên qua, rất ít người tin rằng vị trí công xưởng số 1 thế giới của Trung Quốc đang bị đe dọa vì quốc gia này sở hữu lực lượng lao động kinh nghiệm và chuỗi cung ứng công nghiệp hiện đại với quy mô rộng lớn.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất đặt nhà máy tại đây đang đối mặt với vấn đề tiền lương nhân công tăng nhanh khi chi phí này đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua và vẫn đang tiếp tục tăng.
Tiền lương của lao động Trung Quốc tăng nhanh có thể là một vấn đề đau đầu đối với các nhà sản xuất tại quốc gia này nhưng lại là tin tốt cho nhiều người lao động tại Việt Nam và một số quốc gia khác như Bangladesh hay Indonesia.
Tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam
Ông Ngô Trường Chinh, Quản lý kiểm soát chất lượng ở nhà máy sản xuất linh kiện điện tử XP Power của Anh mới mở tại Bình Dương cho biết: “Chi phí lao động tại Việt Nam rẻ nhưng kỹ năng của người lao động lại tốt nên nhiều nhà sản xuất nước ngoài đang lựa chọn Việt Nam là điểm đầu tư”.
XP Power là một trong nhiều nhà sản xuất đang tìm cách đưa các cơ sở sản xuất vượt ra ngoài phạm vi Trung Quốc để tận dụng mức lương thấp hơn và giảm thiểu những rủi ro khi tập trung các cơ sở tại cùng một địa điểm. Mối nguy hiểm này bắt đầu được nhiều nhà sản xuất để tâm kể từ năm 2011, sau khi ngành công nghiệp thế giới bị gián đoạn do lũ lụt tàn phá Thái Lan và thảm họa sóng thần, động đất tại diễn ra tại Nhật Bản.
Sự xuất hiện của các công ty như XP Power được xem như một sự kiểm tra liệu Việt Nam có đủ lao động lành nghề và cơ sở hạ tầng cần thiết để thu hút các doanh nghiệp công nghệ tiên tiến và sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn hay không.
Trong số các doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin vào Việt Nam có thể kể đến những người tiên phong như nhà sản xuất chip Intel và tập đoàn điện tử Samsung, tập đoàn điện thoại di động Nokia.
Mức lương trung bình của lao động phổ thông tại Việt Nam là 100-150 USD/tháng, bằng một nửa so với mức 300 USD/tháng mà các lao động có trình độ tương đương tại các khu công nghiệp ở nam Trung Quốc nhận được.
Mặc dù cơ sở hạ tầng của Việt Nam không thể so sánh với người láng giềng phương bắc nhưng các nhà quản lý doanh nghiệp tuyên bố họ có thể đối phó với việc cắt điện thường xuyên và chậm trễ tại của hệ thống cảng xuất nhập khẩu chưa phát triển của Việt Nam.
Hàng năm Việt Nam xuất khẩu hàng tỷ USD hàng hóa như giày dép, quần áo và đồ gỗ nội thất vào thị trường châu Âu và Mỹ. Năm 2010, Việt Nam cũng đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước cung ứng các loại giày thể thao lớn nhất của thương hiệu Nike.
Lương thấp là chưa đủ
Mức lương hiện tại của thị trường lao động Việt Nam là một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng rõ ràng, điều này là chưa đủ để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ổn định và lâu dài vào thị trường trong nước.
Hiện tại, các doanh nghiệp nước ngoài đang băn khoăn về năng suất lao động của Việt Nam vì chỉ tiêu này của lao động Việt vẫn chưa bằng Trung Quốc, ông S. Kesavan, Giám đốc Công ty thiết bị điện tử Jabil Circuit của Mỹ cho biết.
Mặc dù vậy, ông Kesavab cho biết thêm, sự leo thang về chi phí tại Trung Quốc là lí do các chúng tôi cần phải di chuyển để giữ khả năng cạnh tranh. Hiện công ty Jabil đã có kế hoạch nâng số lao động tại nhà máy sản xuất đồng hồ đo năng lượng và đầu đọc thẻ tại TPHCM từ 1.000 nhân viên ở thời điểm hiện tại lên 3.000 nhân viên trong hai năm tới.
Tập đoàn tư vấn quản lý McKinsey cho rằng Việt Nam phải tăng năng suất lao động hơn 50% để bù đắp cho sự phát triển lực lượng lao động chậm lại để có thể thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm 7-8%.
Nhà sản xuất đồ gỗ nội thất ngoài trời hàng đầu thế giới ScanCom International, là một trong số những công ty đang có kế hoạch để đẩy mạnh hoạt động của nhà máy tại Việt Nam. Công ty này đã thực hiện thành công việc tăng gấp đôi sản lượng sản phẩm sản xuất của mỗi nhân viên trong số 4.000 công nhân tại nhà máy Bình Dương bằng cách áp dụng nhiều thiết bị hiện đại hơn, tái chế chất thải thành các sản phẩm mới và đào tạo nâng cao tay nghề công nhân.
Ông Stig Maasbol, giám đốc điều hành của ScanCom cho biết, công ty đang tiếp tục thực hiện kế hoạch tương tự nhằm tăng gấp đôi sản lượng trong 2 năm tới bằng cách đưa các máy móc tiên tiến hơn như robot khoan và chà nhám có năng suất tương đương 50 nhưng chỉ cần 1 người giám sát.
Vấn đề lớn thứ 2 cản trở quá trình đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam là lạm phát. Dù đã được kiểm soát trong những tháng gần đây lạm phất Việt Nam vẫn đang đứng ở mức cao nhất châu Á khiến lợi thế chi phí thấp sẽ không kéo dài và làm giảm sự hấp dẫn thực sự và lâu dài.
Các nhà phân tích khẳng định rằng, Việt Nam phải giảm sự phụ thuộc về khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư bằng chi phí sản xuất thấp để chấm dứt bất ổn kinh tế và nhằm hiện thực hóa cam kết tăng trưởng nhanh chóng.
“Nếu hấp dẫn của Việt Nam chỉ là tiền lương, các công ty sẽ sớm tìm đến Campuchia và Myanmar”, ông Maasbol khẳng định.
Đỗ Hà
Theo Financial Times